Với hơn 1300 xe tắc-xi của 28 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, dịch vụ vận tải khách bằng tắc-xi đóng góp đáng kể phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thành phố Cảng, nhất là trong những ngày cuối năm 2010.
Trăm hoa đua nở
Cách đây 10 năm, Hải Phòng có 5 hãng tắc-xi là Xuân Trường, Kim Liên, Hùng Anh, Hoa Phượng, Haiphong Transpor…với vài chục đầu xe. Thời điểm đó, sử dụng xe tắc-xi được coi là xa xỉ. Nay, mọi việc khác hẳn, từ các em học sinh, công nhân, bà nội trợ, người già đều có thể sử dụng tắc-xi, nhất là khi trời mưa gió. Bởi số tiền trả cho việc đi lại bằng tắc-xi trong quãng đường vài km khá rẻ, nhất là đi theo nhóm 3-4 người. Cùng với sự phát triển đô thị, dịch vụ tắc-xi ngày càng phát triển, được sử dụng cho nhiều mục đích của người dân, phục vụ đắc lực việc đi lại, hướng tới văn minh, góp phần không nhỏ hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông.
|
Xe tắc-xi dềnh dang phục vụ đám hỏi trên đường phố. Ảnh: Duy Lê |
Với cơ chế thông thoáng của Nhà nước nói chung và thành phố nói riêng, việc mở hãng tắc-xi, xét góc độ thủ tục hành chính không quá khó, miễn đáp ứng đủ các nhu cầu theo quy định. Vấn đề là doanh nghiệp tắc-xi sau khi ra đời, đi vào hoạt động có trụ vững trong cơ chế thị trường không. Cách đây gần một năm, một thanh niên Hải Phòng sinh sống ở Liên bang Nga trở về thành phố Cảng quê hương, vốn năng động và có chút vốn liếng tích lũy từ những năm tháng lao động ở nước bạn, anh cùng bạn bè góp tiền thành lập công ty cổ phần tắc-xi mang tên Trung Thành. Qua gần một năm, công ty trụ vững và ngày càng phát triển. Nhiều doanh nghiệp tắc-xi ra đời chủ yếu theo hình thức góp vốn thành công ty cổ phần ban đầu, sau vay vốn ngân hàng để tiếp tục phát triển. Thực tế, muốn thành lập hãng tắc-xi, đầu tiên phải có tiền để đầu tư phương tiện, rồi mới nghĩ tới việc xây dựng bộ máy điều hành, tuyển nhân viên, lái xe…Chính vì phải có điều kiện đầu tiên là tài chính mà nhiều hãng tắc-xi không tránh khỏi khó khăn mỗi khi đến kỳ trả lãi ngân hàng, mua bảo hiểm tai nạn rủi ro cho khách hàng, lái xe, bảo hiểm phương tiện…Tiếp đó là vấn đề thương hiệu, liên quan đến chất lượng dịch vụ, tổ chức điều hành phục vụ khách hàng.
Hiện, ở Hải Phòng có nhiều hãng tắc-xi “ăn nên, làm ra” như Công ty CP Trung Kiên với 171 đầu xe, Công ty CP vận tải và thương mại Đất Cảng với 193 đầu xe, Công ty CP Hoa Phượng 197 đầu xe, Công ty CP Vũ Gia có 195 đầu xe. Tuy mới thành lập, nhưng Công ty CP Én vàng Quốc tế lại do các doanh nhân khá thành công trong lĩnh vực vận tải khách tuyến cố định cùng hùn vốn mở thêm dịch vụ tắc-xi với 234 đầu xe. Tên tuổi các hãng tắc-xi trên “nổi như cồn” và được người dân tin gọi mỗi khi có nhu cầu đi lại…
Buông lỏng quản lý
Bên cạnh mặt tích cực dịch vụ tắc-xi mang lại, vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn đối với công tác quản lý lĩnh vực này, nhất là vào mùa cưới hỏi. Hải Phòng, những ngày cuối năm, các hãng tắc-xi làm không hết việc, quay vòng phương tiện phục vụ các đám cưới hỏi. Nhiều gia chủ phô trương thanh thế với họ nhà gái, thuê hàng chục xe tắc-xi rồng rắn thành đoàn dài trên đường gây ách tắc giao thông. Nhiều trường hợp, họ nhà gái ở trong ngõ, đoàn xe tắc-xi án ngữ hết cả đoạn đường, chặn không cho các phương tiện ra vào, gây sự chú ý không cần thiết đối với những người hiếu kỳ. Có đám, bạn bè chú rể, hộ tống đoàn xe tắc-xi bằng cả hàng chục xe máy vừa đi vừa bắn pháo giấy gây náo loạn các tuyến phố. Trước thực trạng này, cơ quan chức năng không nỡ “làm giảm cuộc vui” của hai họ, nên không nhắc nhở ai. Nếu cứ đà này, những đám cưới hỏi linh đình sử dụng tắc-xi cũng là câu chuyện đáng buồn và đáng bàn đối với công tác quản lý giao thông đô thị Hải Phòng.
Do chạy theo lợi nhuận và để tranh giành khách, nhiều hãng tắc-xi buông lỏng giáo dục đối với đội ngũ lái xe, để lái xe chạy bạt mạng trên đường đón khách làm người đi đường hoảng sợ. Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu thị trường và để giành giật lái xe, nhiều hãng tuyển dụng lái xe vội vàng và quên cả việc lái xe phải qua lớp tập huấn lái xe tắc-xi theo quy định mới được hành nghề. Nhiều lái xe còn “ăn gian” tiền của khách, hoặc cho xe chạy vòng vèo trên đường nhằm mục đích vụ lợi (lái xe hưởng theo doanh số km phục vụ khách). Một vấn đề khác cũng đáng quan tâm là cơ quan quản lý Nhà nước chưa quan tâm tới các doanh nghiệp tắc-xi như: điểm đỗ cho xe tắc-xi thiếu, chưa thường xuyên mở các lớp tập huấn phòng vệ, nâng cao trình độ tay lái, nghiệp vụ phục vụ khách, nhiều lái xe trình độ học vấn thấp, ứng xử thiếu văn hóa với khách. Lái xe không biết ngoại ngữ cũng là một hạn chế đối với mảng dịch vụ vận tải khách quan trọng ở một thành phố cảng quốc tế như Hải Phòng. Chính vì thế, nhiều pha bi hài diễn ra giữa lái xe tắc-xi và khách người nước ngoài, nhất là các thủy thủ do bất đồng ngôn ngữ. Nhiều sự cố xảy ra như khách nước ngoài ra hiệu đến sàn nhảy, lái xe tắc-xi lại đưa khách tuốt ra Đồ Sơn nghỉ mát giữa mùa đông.
Sớm giải quyết những vướng mắc trên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tắc-xi phát triển với chất lượng đồng đều, góp phần vào nếp sống văn minh đô thị rất cần có sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Anh Tú