Điểm danh các chủ đầu tư nhận tiền thật, bán "dự án “ma”

 Dư luận gần đây liên tiếp đón nhận những thông tin từ thị trường bất động sản liên quan đến việc các chủ đầu tư huy động vốn theo kiểu bán nhà trên giấy. Thực tế, nhiều người dân đã lâm vào cảnh trắng tay, song chẳng biết kêu ai. Theo nhận định của giới luật gia, lỗ hổng của luật là cho phép nhà đầu tư huy động vốn, chỉ cấm khi huy động trên 70% tổng giá trị căn nhà mà chưa tiến hành bàn giao nhà cho khách hàng. Chính từ lỗ hổng này, nhiều chủ đầu tư đã ngang nhiên huy động vốn với số lượng “khủng” để trục lợi.

[links()] Dư luận gần đây liên tiếp đón nhận những thông tin từ thị trường bất động sản liên quan đến việc các chủ đầu tư huy động vốn theo kiểu bán nhà trên giấy. Thực tế, nhiều người dân đã lâm vào cảnh trắng tay, song chẳng biết kêu ai. Theo nhận định của giới luật gia, lỗ hổng của luật là cho phép nhà đầu tư huy động vốn, chỉ cấm khi huy động trên 70% tổng giá trị căn nhà mà chưa tiến hành bàn giao nhà cho khách hàng. Chính từ lỗ hổng này, nhiều chủ đầu tư đã ngang nhiên huy động vốn với số lượng “khủng” để trục lợi.

Khách hàng góp tiền mua dự án của công ty Hồng Hà giăng biểu ngữ đòi nợ
Khách hàng góp tiền mua dự án của công ty Hồng Hà giăng biểu ngữ đòi nợ

Dự án chưa được duyệt vẫn bán như thường

Mới đây, ngày 25-9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - CATP HN đã khám xét Công ty cổ phần vật liệu xây dựng - xuất nhập khẩu Hồng Hà (gọi tắt là Công ty Hồng Hà) có địa chỉ tại ngõ 109 đường Trường Chinh (phường Hoàng Liệt, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) để làm rõ về hành vi lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Được biết dự án xây dựng khu nhà ở phục vụ cho quá trình giãn dân phố cổ đã được thành phố Hà Nội phê duyệt và giao UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Tới tháng 8-2010, UBND  quận Hoàn Kiếm đã có quyết định giao Công ty Hồng Hà “thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ”.

Tuy nhiên, khi UBND thành phố Hà Nội chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết khu nhà ở giãn dân phố cổ, UBND quận Hoàn Kiếm còn chưa ký kết hợp đồng thực hiện dự án với Công ty Hồng Hà, thì ngày 8-9-2010, trên các trang mạng internet đã có đăng tin rao bán căn hộ trong dự án nhà ở giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng của Công ty Hồng Hà. Dù UBND quận Hoàn Kiếm đã yêu cầu phía Công ty Hồng Hà chấm dứt ngay việc mua bán trên nhưng Công ty Hồng Hà vẫn phớt lờ và cố tình coi những văn bản trước đó làm căn cứ để công ty này ký hợp đồng góp vốn với khách hàng.

Ngay sau khi có được thông tin rao bán căn hộ trên mạng internet, các khách hàng được mạng lưới "chân rết" dẫn đến làm việc trực tiếp tại Công ty Hồng Hà. Khách hàng được đại diện lãnh đạo của Công ty Hồng Hà cho xem bản photo thiết kế dự án, các văn bản, quyết định của UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm liên quan đến dự án, đồng thời hứa sẽ bán căn hộ chung cư sau khi dự án hoàn thành với giá 14,5 triệu đến 15 triệu đồng/m2.

Mức giá này thấp hơn khá nhiều so với mức giá thị trường thời điểm giữa năm 2011 nên nhiều người đã chấp nhận nộp tiền góp vốn. Hiện số tiền mà người dân góp vốn vào Công ty Hồng Hà đã lên tới trên 200 tỷ đồng. Hiện cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ.

Mất tiền oan vì dự án “ma”

Báo chí cũng đã không ít lần phanh phui các trường hợp chủ đầu tư bất động sản đã đưa ra các dự án “ma” để tìm cách huy động tiền của người dân. Rồi sau đó, ôm tiền chạy trốn, kết cục là người dân khóc dở mếu dở vì nhà không có, tiền cũng không cách nào lấy lại được. Dự án Khu tập thể Cơ khí và Xây lắp số 7 (Thanh Trì, Hà Nội) do Công ty Cơ khí và Xây lắp số 7 (Coma7) làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng từ những năm 2003-2004 cũng tương tự. Theo dự kiến, dự án này sẽ bàn giao căn hộ cho khách hàng vào năm 2005. Tuy nhiên, đến nay đã gần 8 năm, dự án này vẫn chưa có dấu hiệu trở thành hiện thực. Nhiều người dân cho biết, từ năm 2003, có người đến khoan cọc làm móng, xong rồi từ đó, móng cọc được đắp chiếu, thành bãi đất trống cho đến nay.

tư vấn cho khách hàng mua bất động sản, ảnh MH
tư vấn cho khách hàng mua bất động sản, ảnh MH

Hay dự án Chung cư 409 Lĩnh Nam do CTCP BĐS Megastar làm chủ đầu tư. Hợp đồng góp vốn được triển khai từ năm 2009 và đến cuối năm 2010 chính thức thi công, trong đó toàn bộ tòa nhà 25 tầng do Công ty Hạ Long làm thứ cấp phân phối độc quyền với giá gốc 12 triệu đồng/m2. Khách hàng mua căn hộ tòa nhà này sẽ ký hợp đồng với công ty Hạ Long, nộp ngay 30% giá trị căn hộ dưới dạng hợp đồng góp vốn... Tuy nhiên, hiện tại dự án 409 Lĩnh Nam vẫn là một bãi công trường không có dấu hiệu thi công.

Khách hàng mua căn hộ thuộc dự án AZ Vân Canh Towers CT2 cũng trong hoàn cảnh tương tự khi thời hạn ghi trong hợp đồng đã hết mà nơi xây nhà vẫn chỉ là bãi đất hoang, căn cứ pháp lý hết sức mù mờ.

Trên đây chỉ là số ít trong nhiều dự án bất động sản đã được báo chí phanh phui là những dự án “ma”, chủ đầu tư đã và đang tìm cách huy động vốn của người dân bằng những hợp đồng giả tạo. Nhiều khách hàng sau khi đã nộp tiền cho chủ đầu tư mới phát hiện ra rằng, tiền của mình đang được các chủ đầu tư huy động bằng những dự án ảo. Nhưng đến lúc đòi lại tiền thì các chủ đầu tư đã cao chạy xa bay hoặc chây ỳ tìm cách thoái thác.

Lỗ hổng pháp lý

Đối với người tiêu dùng, việc mua “nhà trên giấy” sẽ khiến cho người đầu tư không phải trả đủ giá trị của căn nhà mà  được mua góp dần tiền và giá nhà thấp hơn nhiều so với giá nhà đã hình thành. Còn đối với doanh nghiệp kinh doanh BĐS, phương thức này huy động được tiền nhàn rỗi, tiền tiết kiệm trong dân, giải quyết được một phần bài toán khó khăn về vốn. Tuy nhiên phương thức này lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và đang bộc lộ những lỗ hổng lớn để các đối tượng “lách luật” làm ăn phi pháp lừa đảo người dân.

Theo nhận định của giới luật gia, lỗ hổng chính là luật cho phép nhà đầu tư huy động vốn, chỉ cấm khi họ huy động trên 70% tổng giá trị căn nhà mà chưa tiến hành bàn giao nhà cho khách hàng. Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư có thể huy động vốn dưới 70% giá trị căn nhà. Chính từ lỗ hổng này, nhiều chủ đầu tư đã huy động vốn với số lượng "khủng” để trục lợi.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng đã từng thừa nhận, "việc huy động vốn và mua bán nhà trả trước trong các dự án còn nhiều bất cập và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cho xã hội”. Nhiều trường hợp chủ đầu tư huy động vốn cho dự án A nhưng không tập trung vào đó mà lại mang đi đấu giá tại dự án B, thậm chí “trèo” cả sang dự án C. Như thế là chi sai mục đích.

Người dân bị lạm dụng vốn

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng: Việc mua nhà trên giấy luôn tồn tại những rủi ro cho người dân. Nếu là đặt cọc thì chỉ đặt một phần nhỏ tiền xác định mình sẽ mua nhà đất, còn nếu hợp đồng góp vốn thì phải sinh lời. Nhưng ở đây, góp vốn thì bị doanh nghiệp BĐS lạm dụng vốn. Hiện nay, chưa có quy định pháp lý nào rõ ràng về vấn đề này, nên người dân luôn... “cầm dao đằng lưỡi”. Nhiều doanh nghiệp vi phạm hợp đồng lại không đền bù cho người dân mà chỉ dừng lại ở việc hoàn trả tiền đặt cọc là bất hợp lý. Trong trường hợp chủ đầu tư thực hiện hợp đồng góp vốn nhưng dự án không thể triển khai, thì chủ đầu tư phải hoàn trả tiền cho bên mua.

Tuy nhiên, do cơ sở pháp lý cho hợp đồng góp vốn còn chưa rõ ràng nên phần thua thiệt vẫn nằm ở bên mua. Hợp đồng bị hủy mà chạy đi đòi tiền thì còn khó hơn… lên trời. Với những dự án “lừa đảo”, người mua nhà đất chỉ còn cách kê khai với cơ quan điều tra và ngồi chờ cơ quan thực thi pháp luật giải quyết. Vì vậy người tiêu dùng hãy bảo vệ mình trước khi đặt bút ký bất cứ một hợp đồng gì, không nên theo tâm lý đám đông lao vào nộp tiền, tránh hậu quả như hiện nay, nhiều người không có nhà, tiền cũng không đòi được, mà đi kiện thì “chờ được vạ, má đã sưng”.

Theo ANTĐ

Đọc thêm