Theo đó, đã kiểm tra 350/1.919 đơn vị kinh doanh vận tải (tuyến cố định, taxi, container), trong đó kiểm tra 112 Hợp tác xã vận tải (bằng 32,1% số đơn vị được kiểm tra), kiểm tra gần 12 nghìn xe ô tô.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, qua kiểm tra, nhiều địa phương đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về vận tải; các phương tiện kinh doanh vận tải đã được lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định bước đầu thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm thông qua thiết bị này...
Tuy nhiên, một số địa phương còn buông lỏng, chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý vận tải như chưa có quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi, mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, điểm đỗ đón, trả khách; chưa thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc chấp hành quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải; chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo xử lý vi phạm đối với các đơn vị kinh doanh vận tải.
Sai phạm nhiều ở các đơn vị vận tải có quy mô nhỏ
Một số địa phương việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container đạt tỷ lệ thấp, như Sở GTVT Bình Phước, Long An, Hải Phòng, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Thái Bình… Sau Thông báo kết quả kiểm tra của Bộ GTVT, đến nay các Sở GTVT nêu trên đã cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container đạt trên 50%, có đơn vị đạt 80 – 90%.
Trong khi nhiều Sở GTVT chưa thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải bằng xe ô tô qua thiết bị giám sát hành trình thì một số Sở GTVT thực hiện kiểm tra, giám sát nhưng không xử lý các vi phạm, đặc biệt đối với các vi phạm về tốc độ, hành trình chạy xe, thời gian lái xe. Có Sở GTVT chưa quan tâm và chưa thực hiện công tác thanh, kiểm tra. Công tác hậu kiểm sau khi cấp phép kinh doanh vận tải tại nhiều tỉnh bị buông lỏng hoặc có thực hiện nhưng hiệu quả công tác hậu kiểm thấp, dẫn tới đa phần các đơn vị vận tải được kiểm tra có nhiều tồn tại, vi phạm.
Đáng chú ý, sai phạm tập trung chủ yếu ở các đơn vị vận tải có quy mô nhỏ, phương tiện thuộc quyền sở hữu của nhiều cá nhân.
Ký hợp đồng “làm vì”, chủ yếu cho thuê thương hiệu
Các tồn tại chủ yếu được Bộ GTVT “điểm mặt, chỉ tên” là: Một số đơn vị không có người trực tiếp điều hành kinh doanh vận tải (7/350 đơn vị) hoặc có người điều hành nhưng không đủ điều kiện theo quy định (68/350 đơn vị). Nhiều đơn vị không quan tâm đến bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông, không quản lý, sử dụng phương tiện để thực hiện kinh doanh vận tải mà chỉ làm các thủ tục pháp lý để cho xe đủ điều kiện về giấy tờ hoạt động trên tuyến mà chủ yếu là khoán trắng, cho thuê thương hiệu…
Việc ký hợp đồng thuê phương tiện, ký cam kết kinh tế là hình thức. Thực tế, nhiều đơn vị không thuê xe để kinh doanh vận tải (trừ thuê tài chính), không thực hiện nội dung trong hợp đồng thuê xe, cam kết kinh tế (hình thức cho thuê thương hiệu).
Thiết bị giám sát hành trình lắp trên một số phương tiện không có đủ dữ liệu theo quy định. Đơn vị vận tải không khai thác, quản lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để kiểm tra, nhắc nhở lái xe và không có biện pháp xử lý đối với lái xe chạy quá tốc độ, dẫn đến nhiều lái xe chạy vượt quá tốc độ cho phép. Điển hình một số địa phương có xe chạy quá tóc độ tối đa cho phép ở nức cao như Long An (137km/h), Bình Thuận (130km/h), Khánh Hòa (128km/h), Vĩnh Long (135km/h), Bạc Liêu (134km/h), Quảng Nam (131km/h)…
Nhiều đơn vị vận tải không ký hợp đồng lao động với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, hoặc nội dung hợp đồng chưa đầy đủ và việc ký hợp đồng lao động chỉ mang tính hình thức, không quản lý, sử dụng, không trả lương, không đóng bảo hiểm… Chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, một số lái xe, nhân viên phục vụ trên xe không được tập huấn nghiệp vụ vận tải khách và an toàn giao thông theo quy định.
Nhiều đơn vị không thực hiện theo đúng phương án kinh doanh đã xây dựng và bảo đảm duy trì chất lượng dịch vụ vận tải đã đăng ký, không thực hiện đúng các quy định về niêm yết chất lượng dịch vụ vận tải, giá cước. Một số đơn vị thậm chí tự ý tháo ghế ngồi chở khách để chở hàng hóa trong khoang chở hành khách.B.N
Kết quả xử lý vi phạm cho thấy, các đoàn kiểm tra đã phát hiện, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 636 lỗi vi phạm, với tổng số tiền xử phạt trên 2,3 tỷ đồng. Thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với 15% tổng số đơn vị được kiểm tra, tương đương 53/350 đơn vị. Có 113/350 đơn vị bị tước quyền sử dụng giấy phép cho đến khi khắc phục xong tồn tại (chiếm 32,2%). Có 1.370 phương tiện bị thu hồi phù hiệu, sổ nhật trình. Thu hồi 134 chấp thuận khai thác tuyến.