Kết nối tốt, vận tải biển sẽ giảm áp lực cho vận tải đường bộ

(PLO) - Đường bộ đang bị quá tải, phải đảm nhận trên 90% vận tải hành khách và gần 80% đối với vận tải hàng hóa. Đây là điều quá đáng tiếc bởi tiềm năng lớn về vận tải sông biển Việt Nam không được phát huy.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đưa vận tải đường thủy nội địa, trong đó có vận tải biển, “vào cuộc” để “gánh đỡ” cho đường bộ đang là “câu chuyện” lớn của các nhà hoạch định chính sách. Ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đã trao đổi với PLVN về vấn đề này.
Năng lực đội tàu vận tải biển đang dư thừa, tần suất khai thác thấp
Thưa Cục trưởng, tình hình đội tàu biển quốc gia của chúng ta hiện nay như thế nào?
- Tính đến năm 2013, đội tàu vận tải hàng hóa bằng đường biển Việt Nam có 1.300 tàu/tổng số 1.788 tàu các loại, tổng trọng tải khoảng 6 triệu DWT. Về sản lượng năm 2013, khối lượng vận tải biển nội địa đạt 31 triệu tấn, cự ly vận tải bình quân 518,4km . Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh đúng năng lực.
Do không có nguồn hàng nên tình hình vận tải biển gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu không đủ trang trải các chi phí vận tải. 
Hiện nay nếu nói hoạt động có hiệu quả thì chủ yếu là đội tàu công-ten-nơ, hàng chuyên dụng, do lượng hàng khá ổn định nên vẫn khai thác hiệu quả, tuy nhiên vẫn dư thừa tải trọng.
Có nghĩa là chúng ta có khả năng “gánh” cùng đường bộ?
- Chúng ta hoàn toàn có khả năng. Với trọng tải đội tàu dư thừa khoảng 40-50% và các tàu có thể tăng tần suất lên đến ba vòng/tháng sẽ tạo ra một lượng cung rất lớn, hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu nội địa và sản lượng hàng hóa giảm tải đối với đường bộ, đặc biệt thích hợp với loại hàng siêu trường, siêu trọng và thiết bị cho các công trình, nhà máy có trọng tải lớn.
Cục Hàng hải Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nâng cao năng lực thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu cho DN vận tải biển Việt Nam, kết hợp chặt chẽ giữa chủ tàu và chủ hàng (tập đoàn tổng công ty lớn); đồng thời khảo sát, thiết lập và công bố các tuyến biển pha sông để giảm áp lực cho đường bộ (ví dụ tuyến luồng Hồ Chí Minh - Vũng Tàu qua sông Đồng Tranh đã giảm tải cho đường 51 Hồ Chí Minh - Vũng Tàu). 
Vấn đề hiện nay của chúng ta là phải làm quyết liệt, đáp ứng yêu cầu mới.
Còn rất nhiều vấn đề khó khăn, nan giải
Thưa Cục trưởng, hiện nay chúng ta đang nói nhiều đến vấn đề “tái cơ cấu” thị trường vận tải. Chúng ta phải làm như thế nào để gỡ các “nút thắt” ngay trong lĩnh vực vận tải?
- Vận tải bằng đường biển chi phí thấp hơn vận tải khác và mang được khối lượng hàng hóa rất lớn. Hệ thống cảng biển Việt Nam phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước, do vậy rất thuận lợi trong việc gom hàng tại các địa phương, các khu công nghiệp để đưa ra cảng biển. Đây là những thuận lợi lớn.
Tuy nhiên, vận tải biển mang tính đặc thù, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, sóng gió, chỉ phù hợp với số lượng hàng hóa lớn và cự ly xa (trung bình 500km), thời gian kéo dài hơn các phương thức khác. Đối với các khu vực cách xa cảng biển, khi vận tải bằng đường biển sẽ phải kết hợp với hình thức vận tải khác (đường bộ, đường sắt) phát sinh chi phí từ kho đến cảng, chi phí bốc xếp, lưu kho và kéo dài thời gian. 
Đối với các chủ hàng, với một số loại hàng trước đây thường được vận chuyển bằng đường bộ Bắc - Nam, khi chuyển qua vận chuyển đường biển sẽ phải tăng thêm chi phí vận chuyển từ kho tới cảng biển ở hai đầu bến, giá bốc xếp, lưu kho… sẽ làm tăng thêm các chi phí. Nếu việc giải phóng hàng hóa không kịp dẫn đến hàng hóa bị ùn ứ tại cảng gây ách tắc, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh.
Do vậy, để vận tải biển tham gia một cách hiệu quả vào thị trường vận tải phải giải quyết rất nhiều vấn đề: hạ tầng kết nối các phương thức vận tải sắt – sông – thủy – bộ phải đồng bộ, giải quyết bài toán logistics phải hoàn hảo, giảm chi phí vận tải.
Ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam
Ông Nguyễn Nhật,
Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam 
Cần có một nhạc trưởng
Nếu phải giải quyết ngay những vấn đề trước mắt, thì đó là gì?
- Để giải quyết các khó khăn cho các DN cần xem xét ưu tiên các giải pháp và triển khai đồng bộ. Theo chúng tôi, từng ngành hàng, nhất là các tập đoàn, tổng công ty trên các lĩnh vực khoáng sản, dầu khí… có lượng hàng lớn, cần phải “ngồi lại” để trao đổi, thống nhất các biện pháp cụ thể nhằm ưu tiên cho các DN vận tải biển trong nước. 
Chúng tôi đang nghiên cứu để thiết lập tuyến vận tải sông biển, trước mắt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để tàu thuyền nâng cao thị phần. 
Cục Hàng hải Việt Nam cũng sẽ làm việc với TCty Hàng hải Việt Nam trong việc điều tiết kế hoạch của DN cảng biển, DN vận tải biển và giao nhận hàng hóa nhằm huy động mọi nguồn lực giải phóng ách tắc hàng hóa tại các cảng biển;  thành lập DN liên doanh khai thác tàu Ro-Ro vận chuyển hàng hóa tuyến nội địa...
Thưa Cục trưởng, rõ ràng tổ chức triển khai giải pháp cần phải có sự vào cuộc của rất nhiều Bộ, ngành. Cục trưởng có kiến nghị gì?
- Theo chúng tôi, hiện nay chúng ta phải triển khai đồng bộ các giải pháp, các cơ chế chính sách đã được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, trong đó có đề án phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải. Đây là câu chuyện lớn, không riêng của ngành Giao thông Vận tải, do vậy, cần có một “nhạc trưởng”.
Tôi nói ví dụ, ngay chính quyền địa phương cũng phải “vào cuộc”. Các tỉnh, thành phố, nhất là các cực tăng trưởng, cần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, điều tiết, phân luồng và kiểm soát chặt chẽ lịch trình giao thông kết nối giữa cảng với kho bãi, khu công nghiệp giữa tỉnh lộ với quốc lộ thuận tiện cho việc gom và phân phối hàng hóa từ cảng đi các khu vực; bố trí quỹ đất xây dụng các trung tâm tập kết, phân phối hàng hóa tại vị trí phù hợp kết nối giữa các phương thức vận tải.
Chúng tôi đang chỉ đạo các cảng vụ hàng hải tạo điều kiện thuận lợi đối với tàu biển nội địa hoạt động ra vào cảng: làm thủ tục nhanh, bố trí nhân lực thường trực 24/24h (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ); các cảng biển ưu tiên bố trí kế hoạch cho tàu nội địa được làm hàng nhanh chóng, kể cả làm thêm ca và bố trí nhân lực, vật lực, phương tiện, kho bãi… để giải phóng hàng...
Cục trưởng có ý kiến gì với các hiệp hội chuyên ngành?
- Về hiệp hội chuyên ngành như Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng, Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics, Hiệp hội Vận tải ô tô... phải cùng các DN vận tải, cảng biển tổ chức họp định kỳ hàng quý để trao đổi thông tin, lấy ý kiến khách hàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, xác định nhu cầu vận tải của chủ hàng và kế hoạch sản xuất kinh doanh trong từng giai đoạn để lên kế hoạch vận tải phù hợp. 
Đây là việc phải làm chủ động, tích cực.
Cám ơn Cục trưởng!

Đọc thêm