Việc Mỹ đe dọa tiến hành các biện pháp quân sự nhằm vào Syria đã thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới, cũng như phỏng đoán về các loại vũ khí hiện đại Mỹ sẽ sử dụng tại cuộc xung đột này.
Hành động quân sự chống lại Syria hiện đang tạm được trì hoãn trong bối cảnh Syria đề nghị giao nộp kho vũ khí hóa học của nước này. Nhưng từ trước đó, quân đội Mỹ đã tăng cường tập trung lực lượng quanh Syria, khiến người ta không khỏi "đoán già đoán non" rằng nếu một cuộc tấn công xảy ra, Mỹ sẽ sử dụng vũ khí gì.
Một số lựa chọn của Mỹ hiện đá khá rõ ràng. Tàu sân bay USS Nimitz và các tàu khu trục khác đã được lệnh tới vùng biển gần Syria, cho thấy trong trường hợp Mỹ tiếp tục can thiệp quân sự, việc sử dụng các máy bay F-18 và tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk sẽ là chuyện khó tránh.
Nhưng giống nhiều chiến dịch quân sự trước đã cho thấy, các chỉ huy quân đội Mỹ thường xem những cuộc xung đột mới là cơ hội thử vũ khí mới phát triển gần đây, để đánh giá chúng có hiệu quả và đáng tiền hay không. Dưới đây là một số loại vũ khí Mỹ có thể dùng
|
Máy bay F-22 đời mới đã được giới phân tích dự báo có thể tham chiến ở Syria, nếu Mỹ quyết định can thiệp quân sự |
1. Vũ khí chống vũ khí hủy diệt hàng loạt
Trong nhiều năm quân đội Mỹ đã nghiên cứu các loại vũ khí được thiết kế đặc biệt để tấn công các địa điểm có chứa vũ khí hủy diệt hàng loạt như vũ khí sinh học, hóa học.
Sử dụng vũ khí thông thường tấn công các cơ sở này có nguy cơ làm phát tán chất độc nguy hiểm. Vì thế Lầu Năm Góc đã bỏ tiền đầu tư nghiên cứu một loạt "vũ khí hủy diệt chất độc".
Không lực Mỹ xác nhận họ có 2 hệ thống như thế trong kho vũ khí. Hệ thống đầu tiên mang tên Vũ khí tấn công thụ động CBU-107 PAW. Đây là một quả bom chứa hàng ngàn thanh thép xuyên không có thuốc nổ. Được thiết kế để tấn công những địa điểm chứa vũ khí hủy diệt nhạy cảm với lửa nóng, quả bom nặng 450kg này sẽ rải hàng ngàn thanh thép xuyên phá từ trên không xuống một khu vực có bán kính 60 mét. Các thanh này sẽ xuyên thủng những thùng chứa vũ khí hóa học/sinh học, khiến chúng chảy xuống đất và giảm thiểu việc phát tán rộng.
Trong khi đó bom BLU-119/B CrashPad là lựa chọn "ồn ào" hơn. Vũ khí này phá hủy các kho chứa chất độc hóa/sinh bằng áp lực nổ, mảnh vỡ và có chứa phốt pho trắng để đốt cháy mọi thứ.
2. Máy bay F-22
Chiếc máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Mỹ là F-22 Raptor vẫn chưa từng được thử lửa chiến trận. Trong khi giới chức Không lực Mỹ nói rằng chiếc máy bay cơ động cao, có trang bị tính năng tàng hình này sẽ hữu dụng để đương đầu với hệ thống phòng không và tên lửa đối không phức tạp của Syria, các nhà phê bình chỉ ra rằng nó được thiết kế để tối ưu cho không chiến, thay vì thực hiện các nhiệm vụ ném bom.
Một vấn đề nữa là các phi công lái F-22 gặp vấn đề thiếu dưỡng khí và lệnh cấm bay F-22 liên quan tới lỗi này mới chỉ bị dỡ bỏ vào đầu năm. Việc thay thế sửa lỗi trên sẽ không thể hoàn tất vào năm tới. Thế nhưng nếu Không lực muốn, F-22 vẫn sẽ được tung ra trận.
3. Vệ tinh gián điệp
Vệ tinh lâu nay vẫn được dùng để theo dõi vũ khí hủy diệt hàng loạt và Mỹ đã đầu tư mạnh vào các hệ thống vệ tinh mới. Tuần trước Văn phòng Thám sát Quốc gia thông báo việc đã phóng vệ tinh gián điệp mới nhất, dù không có thông tin nào kèm theo. Các chuyên gia cho biết đây chỉ là một vệ tinh nữa nằm trong nhóm vệ tinh KH-11 đã tồn tại, vốn sử dụng kỹ thuật ghi hình quang điện.
Tuy nhiên gần đây một số tài liệu do cựu chuyên gia phân tích tình báo Edward Snowden tiết lộ cho thấy hệ thống KH-11 còn gồm có các vệ tinh tuyệt mật với tên mã Quasar và Intruder. Tính năng của chúng ra sao vẫn chưa được làm rõ.
4. Vũ khí vi sóng năng lượng cao
Hãy tưởng tượng một loại vũ khí có thể hủy diệt toàn bộ các máy tính trong một trung tâm chỉ huy quân sự của Syria trong khi không làm chết người nào. Đó là ý tưởng đứng sau các loại vũ khí vi sóng năng lượng cao, được thiết kế để phá hoại thiết bị điện tử mà không gây thiệt hại nào khác.
Năm ngoái, Boeing đã công bố một đoạn video về Dự án tên lửa tiên tiến vi sóng năng lượng cao (Champ) của công ty. Đây là một quả tên lửa có khả năng làm dòng điện tăng vọt trong mạng điện và khiến các thiết bị điện tử bị cháy. Trong đoạn phim, Champ đã vô hiệu hóa hàng loạt máy tính bằng cách trên. Trong khi hệ thống này còn phải mất vài năm nữa mới có thể được đưa ra chiến trường, Không lực Mỹ đã bí mật nghiên cứu vũ khí vi sóng năng lượng cao trong nhiều năm. Người ta thậm chí nghi ngờ họ đã có nó trong tay.
5. Vũ khí trên không gian ảo
Năm 2010, Bộ Quốc phòng Mỹ thành lập Bộ chỉ huy chiến tranh ảo để điều phối và thực hiện các hoạt động phòng vệ, tấn công của quân đội trên không gian ảo. Virus Stuxnet, được thiết kế để phá hủy các máy ly tâm làm giàu uranium của Iran xuất hiện vào năm 2010, là dấu hiệu rõ về khả năng tiến hành chiến tranh mạng của Mỹ.
Đã có những lời kêu gọi Nhà Trắng tổ chức chiến tranh mạng nhằm vào Syria. Các mục tiêu bị tấn công có thể là một căn cứ quân sự, hệ thống phòng không hoặc nhằm vào các cơ sở hạ tầng thiết yếu như hệ thống điện, viễn thông, tài chính.
Một số vụ tấn công mạng sẽ sử dụng mã nguồn độc hại để có thể truy cập vào trong hệ thống của đối phương và lấy đi tin nhạy cảm, hoặc điều khiển hệ thống của đối phương. Người ta cũng có thể gửi đến máy tính đối phương các gói dữ liệu giả, trông giống như tới từ nguồn chính thống và khiến máy tính thực hiện mệnh lệnh theo yêu cầu. Ngoài ra còn có các dạng tấn công phá hủy dữ liệu, tấn công từ chối dịch vụ (DDOS) nhằm đánh sập hệ thống của đối phương.
Tường Linh