Điểm mới của Chương trình “Bình chọn danh hiệu Hãng luật và Luật sư tiêu biểu” năm 2012

Năm 2010, được sự cho phép của Bộ Tư pháp, báo Pháp luật việt Nam phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các đơn vị hữu quan khác đã tổ chức thành công lần đầu tiên Chương trình bình chọn Danh hiệu “Hãng luật và Luật sư của năm”. Kết quả, 10 tổ chức hành nghề luật sư được nhận danh hiệu “Hãng luật của năm”, 5 luật sư được nhận danh hiệu “Luật sư của năm”...

Năm 2010, được sự cho phép của Bộ Tư pháp, báo Pháp luật việt Nam phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các đơn vị hữu quan khác đã tổ chức thành công lần đầu tiên Chương trình bình chọn Danh hiệu “Hãng luật và Luật sư của năm”. Kết quả, 10 tổ chức hành nghề luật sư được nhận danh hiệu “Hãng luật của năm”, 5 luật sư được nhận danh hiệu “Luật sư của năm”.

Lễ trao Danh hiệu Hãng luật và Luật sư năm 2010
Lễ trao Danh hiệu Hãng luật và Luật sư năm 2010

Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao danh hiệu cho 5 “Vụ việc của năm” và “Luật sư của công chúng” cho 3 luật sư. Chương trình bình chọn năm 2012, về cơ bản, vẫn kế thừa và phát huy những thành tựu của lần bình chọn trước, song có một số điểm mới chủ yếu, đáng lưu ý, thể hiện ở “cơ sở pháp lý”, ở tên gọi của Chương trình, cũng như ở số lượng các danh hiệu. Để các luật sư và bạn đọc hiểu rõ thêm Chương trình bình chọn, PLVN sẽ lần lượt giới thiệu qua những điểm mới đó.

I. Về "cơ sở pháp lý" được nâng cao thêm

Ở lần trước, cơ sở pháp lý để thực hiện Chương trình bình chọn Danh hiệu “Hãng luật và Luật sư của năm” là Quyết định cho phép của Bộ Tư pháp, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cũng như chức năng, nhiệm vụ của Báo Pháp luật Việt Nam. Trên cơ sở ấy Ban Tổ chức đã xây dựng nên Quy chế bình chọn và thành lập Hội đồng bình chọn.

Đến lần bình chọn này, tại Quyết định Phê duyệt Đề án bình chọn Danh hiệu Hãng luật và Luật sư tiêu biểu của Bộ Tư pháp, thì ngoài những căn cứ nói trên còn có thêm một căn cứ nữa là “Quyết định 51/QĐ-TTg ngày 28/7/1010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh đanh hiệu và trao tặng giải thưởng cho doanh nghiệp và doanh nhân”.

Bên cạnh đó, còn có Công văn số 8624/VPCP-TCTV của Văn phòng Chính phủ, trong đó có nội dung“Xét đề nghị của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tại Tờ trình số 2170/BTĐKT-VI ngày 08 tháng 11 năm 2011 và của Bộ Tư pháp tại Tờ trình số 32/TTr-BTP ngày 21 tháng 10 năm 2011 về việc tổ chức bình chọn Danh hiệu Hãng luật và Luật sư tiêu biểu, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý tổ chức bình chọn và tôn vinh Danh hiệu nêu trên”.

Như vậy, rõ ràng là “cơ sở pháp lý” để thực hiện Chương trình bình chọn lần này được nâng cao lên một bước: đó là sự cho phép của Chính phủ.

Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra là: với sự cho phép của Chính phủ thì phải chăng là việc bình chọn đã được “Nhà nước hóa”? Và, Quy chế nói trên của Thủ tướng Chính phủ có đối tượng là doanh nghiệp, doanh nhân, thì có hợp lý không khi áp dụng cho các đối tượng là hãng luật và luật sư?

Trước hết, cần phải nói rằng cụm từ “hãng luật” chỉ là mượn theo cách gọi chung của quốc tế, dịch ra từ tiếng Anh (law firm) cho tiện. Các hãng luật (bao gồm các Công ty luật và Văn phòng luật) cũng được xem là các doanh nghiệp, và tương tự, các luật sư cũng được xem là những doanh nhân. Chỉ có điều do tính chất ngành nghề, cũng như gói sản phẩm mà họ cung ứng cho xã hội mà có thể coi hãng luật là “doanh nghiệp đặc biệt” và luật sư là những “doanh nhân đặc biệt”.

Do vậy, việc áp dụng Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao tặng giải thưởng có doanh nghiệp và doanh nhân của thủ tướng Chính phủ cho các hãng luật và lật sư trong việc bình chọn Danh hiệu, xét về thực chất, cũng là một điều hợp lý.

Cũng cần phải khẳng định rằng: tuy tuân theo Quy chế của Thủ tướng, song việc bình chọn Danh hiệu Hãng luật và Luật sư tiêu biểu vẫn là hoạt động xã hội-nghề nghiệp, mang tính chất “phi chính thống”. Hằng năm, cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư là Bộ Tư pháp, cũng như quản lý nội bộ là Liên đoàn Luật sư Việt Nam vẫn tiến hành tổng kết công tác và có những hình thức khen thưởng dành cho các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có thành tích, căn cứ vào quy định của Nhà nước, cũng như quy chế khen thưởng của Liên đoàn luật sư.

Như vậy, các danh hiệu mà Ban Tổ chức bình chọn trao cho hãng luật và luật sư tiêu biểu chỉ là một hình thức bổ sung cho chế độ khen thưởng có tính chất chính thống của Nhà nước, hoặc là của tổ chức Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Nói một cách khác, với việc bình chọn, hoạt động luật sư có thêm một “kênh”, song hành với các “kênh” chính thống, nhằm góp phần vinh danh những hãng luật và luật sư tiêu biểu. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế: các báo, tạp chí chuyên luật có uy tín ở nước ngoài cũng thường tổ chức việc bình chọn hãng luật và luật sư của năm (law firm and lawyer of the year).

Mục đích, ý nghĩa của việc bình chọn đã được nêu rõ trong Quy chế bình chọn Hãng luật và Luật sư tiêu biểu, theo đó nhằm“lựa chọn và tôn vinh các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có hoạt động hiệu quả trong năm”,“góp phần xây dựng những tiêu chí, chuẩn mực về hoạt động nghề nghiệp và đạo đức của luật sư”,“góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu của các hãng luật, luật sư tham gia cuộc bình chọn, đồng thời quảng bá vị trí, vai trò tư vấn pháp luật của đội ngũ luật sư”.

Cũng cần lưu ý là, một trong 3 nguyên tắc bình chọn, ngoài nguyên tắc “bảo mật thông tin” và “công khai, khách quan, đúng pháp luật” là “nguyên tắc tự nguyện”:“Các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình bình chọn trên tinh thần tự nguyện và đăng ký với Ban Tổ chức”. Như vậy, dù cho một công ty, văn phòng luật hoặc cá nhân luật sư nào có nhiều thành tích đến đâu, nhưng vì một lý do nào đó mà họ không tham gia cuộc bình chọn, thì Ban Tổ chức và Hội đồng bình chọn cũng không đưa vào danh sách để xem xét, đánh giá và trao giải.

Chính vì nguyên tắc tự nguyện này mà Chương trình bình chọn hãng luật và luật sư tiêu biểu đã được xem như là một “sân chơi cao cấp” dành cho giới luật sư đang hành nghề tại Việt Nam. Nó là “sân chơi” vì trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, nó là “cao cấp” vì nó dành cho nghề luật sư một nghề vẫn được xã hội tôn vinh là cao quý, còn người luật sư được ví như là “hiệp sĩ của công lý”. Và, điều quan trọng hơn, nó nhằm những mục đích tốt đẹp như đã nói trên.

Như vậy, cuộc chơi có đông vui, có lành mạnh, có lý thú, và bổ ích hay không, thiết nghĩ, sẽ phụ thuộc vào sự tham gia của giới luật sư với vị trí là “người trong cuộc” và vào Ban Tổ chức và Hội đồng bình chọn - những người đóng vai trò như là “Người cầm trịch” cuộc chơi.

Được sự đồng ý của Chính phủ cho tổ chức thực hiện Đề án bình chọn danh hiệu Hãng luật và Luật sư tiêu biểu, Bộ Tư pháp đã giao Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Văn phòng Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức thực hiện Đề án.

Từ ngày 13/1/2012, sau khi họp báo công bố chính thức “khởi động” bình chọn danh hiệu Hãng luật và Luật sư tiêu biểu năm 2012, Ban Tổ chức đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ bình chọn, thành lập Hội đồng bình chọn.

Ban Tổ chức đã bắt đầu gửi hồ sơ đến các hãng luật và luật sư để tham gia chương trình đầy ý nghĩa này. Bạn đọc sẽ được thông tin đầy đủ về việc tổ chức bình chọn danh hiệu cho các hãng luật và luật sư năm 2012 qua Chuyên mục “Bình chọn danh hiệu Hãng luật và Luật sư tiêu biểu” trên Báo Pháp luật Việt Nam và trên Báo Pháp luật Việt Nam điện tử tại địa chỉ http://luatsu.phapluatvn.vn

(còn tiếp)

Phạm Thuần Việt

Đọc thêm