[links()] Năm 2010, được sự cho phép của Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các đơn vị hữu quan khác đã tổ chức thành công lần đầu tiên Chương trình bình chọn Danh hiệu “Hãng luật và Luật sư của năm”.
Kết quả, 10 tổ chức hành nghề luật sư được nhận danh hiệu “Hãng luật của năm”, 5 Luật sư được nhận danh hiệu “Luật sư của năm”. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao danh hiệu cho 5 “Vụ việc của năm” và “Luật sư của công chúng” cho 3 Luật sư.
Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trao danh hiệu Hãng luật và Luật sư của năm 2010. Ảnh: Mạnh Tuấn |
Chương trình bình chọn năm 2012, về cơ bản vẫn kế thừa và phát huy những thành tựu của lần bình chọn trước, song có một số điểm mới chủ yếu, đáng lưu ý, thể hiện ở “cơ sở pháp lý”, ở tên gọi của Chương trình, cũng như ở số lượng các danh hiệu. Để các Luật sư và bạn đọc hiểu rõ thêm Chương trình bình chọn, PLVN sẽ lần lượt giới thiệu qua những điểm mới đó.
II. Về “tên gọi”:
Cụm từ “tiêu biểu” được thay cho “của năm”
Ở lần đầu tiên, Chương trình bình chọn có tên là Danh hiệu “Hãng luật và Luật sư của năm”. Cách gọi này căn cứ theo thông lệ và kinh nghiệm quốc tế. Các báo, tạp chí chuyên luật, có uy tín ở nước ngoài thường tổ chức việc bình chọn Hãng luật và Luật sư của năm (law firm and lawyer of the year), theo đó căn cứ vào quy chế, thể lệ tổ chức bình chọn của mỗi tờ báo hoặc tạp chí mà các Hãng luật của các nước có thể gửi hồ sơ tham dự với tư cách là ứng viên.
Việc tổ chức bình chọn và kết quả bình chọn thường công bố trên các báo, tạp chí đó. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các Hãng luật tham gia rộng rãi, cách làm của các báo, tạp chí chuyên luật (cả việc thu thập thông tin và đánh giá các thông tin) thường khá đơn giản, thậm chí có nơi còn không có cả buổi lễ trao danh hiệu.
Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm, Ban Tổ chức do Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam làm Trưởng ban, cũng có ý theo thông lệ đó: việc bình chọn và trao danh hiệu có thể được tiến hành hàng năm, nếu có điều kiện. Tuy nhiên, sau lần bình chọn năm 2010, Ban Tổ chức thấy rằng nếu việc bình chọn tiến hành hàng năm, trong điều kiện và hoàn cảnh Việt Nam thì rất khó thực hiện vì các lý do chính sau:
Thứ nhất, do đặc thù của nghề luật sư mà các vụ việc (cả hoạt động tranh tụng và tư vấn) được các Công ty Luật hoặc Văn phòng Luật giải quyết thường kéo dài, nhiều khi tới vài ba năm, ít có vụ việc nào lại kết thúc trọn vẹn trong khoảng thời gian một năm, nhất là những vụ việc lớn, phức tạp.
Thứ hai, thực hiện một Chương trình bình chọn bao gồm nhiều “công đoạn” khá phức tạp, kể từ khi triển khai cho đến ngày công bố kết quả. Đó là một phức hệ các nhóm công việc của cả Ban Tổ chức, Hội đồng Bình chọn, Ban Thư ký, từ việc xây dựng và gửi hồ sơ, đánh giá hồ sơ, kiểm tra, thẩm định thông tin, tham vấn ý kiến của các bên liên quan, công bố và tổ chức lễ trao tặng danh hiệu... qua các bước từ sơ khảo đến chung khảo, cũng như giải quyết khiếu nại, nếu có.
Thứ ba, vì là giải thưởng mang tầm cỡ quốc gia nên dù to hay nhỏ cũng phải có “kinh phí” để làm giải thưởng và chi phí cho quá trình tổ chức, truyền thông... Đây cũng là một việc khó, gây nhiều áp lực không nhỏ cho Báo Pháp luật Việt Nam với tư cách là Trưởng ban Tổ chức.
Thứ tư, nếu vẫn giữ cụm từ “của năm” mà muốn dãn việc bình chọn ra 2 năm hoặc 3 năm tiến hành một lần cho phù hợp thì... cũng không ổn.
Ngoài ra, Chương trình bình chọn còn phải tuân thủ “Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao tặng giải thưởng cho doanh nghiệp và doanh nhân” (Quyết định 51/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ).
Qua một số cuộc hội thảo, nhiều ý kiến của các Luật sư, chuyên gia cũng cho rằng nên sửa đổi lại tên gọi Chương trình bình chọn cho thực tế hơn, hợp lý hơn và... Việt Nam hơn. Sau khi tham khảo ý kiến đa chiều, Ban Tổ chức đã cân nhắc và cuối cùng quyết định đổi Chương trình bình chọn Danh hiệu “Hãng luật và Luật sư của năm” thành Chương trình bình chọn Danh hiệu “Hãng luật và Luật sư tiêu biểu”.
Tất nhiên, cụm từ “tiêu biểu” cũng chỉ là một cách hiểu tương đối. Thế nào là “Hãng luật tiêu biểu” và thế nào là “Luật sư tiêu biểu” (?) vẫn không thể hoàn toàn thỏa mãn giới Luật sư vẫn được xem là đa đoan, đa sự. Vậy nên, đành phải bằng lòng với “mục đích” chính của việc bình chọn nêu trong Quy chế, đó là “...hoạt động của Ban Tổ chức cuộc bình chọn nhằm lựa chọn và tôn vinh các tổ chức hành nghề luật sư và Luật sư có hoạt động hiệu quả trong năm”.
Ngay cả nội hàm của cái gọi là “có hoạt động hiệu quả trong năm”, đến lượt nó, có thể cũng là đề tài cho những tranh cãi khác. Song, thiết nghĩ, với cách sửa đổi tên gọi danh hiệu như vậy đã phần nào thỏa mãn được hai “tiêu chí” là thực tế hơn và Việt Nam hơn. Và như vậy, kể từ nay năm thực hiện việc bình chọn sẽ được gắn liền với tên gọi cuộc bình chọn, chẳng hạn như “Chương trình bình chọn Danh hiệu Hãng luật và Luật sư tiêu biểu năm 2012”,”Chương trình bình chọn Danh hiệu Hãng luật và Luật sư tiêu biểu năm 2015”...
Một điều cần lưu ý là, cũng như cụm từ “có hoạt động hiệu quả trong năm”, cụm từ “bình chọn danh hiệu Hãng luật và Luật sư năm 2012”, ở lần bình chọn này không chỉ bao hàm những kết quả hoạt động của các tổ chức luật sư và Luật sư tham gia bình chọn trong một năm cụ thể nào đó, mà được hiểu là kết quả có tính chất “cộng dồn” từ năm 2010 đến năm 2012. Còn việc xem xét, đánh giá, thẩm định những kết quả (hay hiệu quả) hoạt động này sẽ căn cứ vào “tiêu chí bình chọn” trong Quy chế bình chọn của Ban Tổ chức và được cụ thể hóa ở “ba rem” chấm điểm của Hội đồng Bình chọn.n
Phạm Thuần Việt