Điểm nhấn của thành phố hiện đại

Năm 2002, lần đầu tiên Đà Nẵng (ĐN) hình thành một trung tâm mua sắm hiện đại bậc nhất thành phố lúc bấy giờ với tên gọi Trung tâm Thương mại-Siêu thị Đà Nẵng (gọi tắt là Siêu thị ĐN).

Năm 2002, lần đầu tiên Đà Nẵng (ĐN) hình thành một trung tâm mua sắm hiện đại bậc nhất thành phố lúc bấy giờ với tên gọi Trung tâm Thương mại-Siêu thị Đà Nẵng (gọi tắt là Siêu thị ĐN).

Đi siêu thị trở thành thói quen của nhiều người dân thành phố.

Đi siêu thị trở thành thói quen của nhiều người dân thành phố. 

Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân ĐN mà còn là điểm nhấn đặc biệt của đô thị trung tâm miền Trung, thu hút khá đông du khách và cư dân địa phương mỗi ngày. Không lâu sau, những năm 2006-2007, ĐN xuất hiện lần lượt các siêu thị lớn như Metro, Big C, Intimex…, và mới đây là Co-op Mart, cùng với hàng loạt hệ thống bán lẻ chuyên ngành hiện đại.

Có thể nói, hệ thống bán lẻ hiện đại ngày càng hoàn thiện với tốc độ phát triển khá nhanh và đồng đều. Ông Lê Viết Tươi, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố nhìn nhận: Sự ra đời của hình thức bán lẻ hiện đại đã tạo nên một luồng gió mới trong đời sống người dân thị thành. Với mức độ tăng nhanh các hình thức dịch vụ hiện đại trên địa bàn, hàng loạt các siêu thị chuyên ngành như Opal – thế giới nội thất, khu mua sắm Đệ nhất Phan Khang, Siêu thị điện tử-tin học Vietronimex, tổ hợp văn phòng - siêu thị Nhật Linh, siêu thị Ánh Sáng, siêu thị điện thoại, siêu thị thiệp cưới, siêu thị máy tính… không chỉ góp phần tạo bộ mặt khang trang cho ĐN mà còn làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân theo hướng văn minh, hiện đại. Các nhà bán lẻ uy tín như BigC, Co-op Mart... không chỉ phục vụ những người có thu nhập khá mà còn nhắm tới đối tượng khách hàng lao động bình dân. Chính điều này tạo nên một sự cảm tình đặc biệt của đông đảo người dân ĐN đối với các siêu thị và đưa hoạt động của các siêu thị ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Phát triển song song với hệ thống siêu thị là các cao ốc thương mại hoành tráng như: Indochina và những tổ hợp cao ốc khác đã và đang được xây dựng trên những khu đất “vàng” ở trung tâm ĐN như: Danang Centre (đường Hùng Vương) với tổng vốn đầu tư 125 triệu USD, cao 35 tầng, trong đó có cả trung tâm thương mại (TTTM); Dự án Capital Square (phía đông cầu Sông Hàn) do Tập đoàn VinaCapital xây dựng trên diện tích 9ha... Và mới đây, thành phố đã quyết định xây dựng TTTM-chợ Cồn, chợ Hàn trở thành khu thương mại với các tòa nhà cao từ 30 đến 40 tầng. Những điểm nhấn quan trọng đó đã tạo ra một bộ mặt thương mại ĐN khác biệt.

Năm 2009, Việt Nam chính thức thực hiện việc mở cửa cho các tập đoàn bán lẻ nước ngoài vào thị trường Việt Nam theo cam kết WTO. ĐN đón đầu bằng việc quy hoạch mạng lưới chợ, siêu thị, TTTM nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển hệ thống siêu thị, TTTM, vừa tạo được những điểm nhấn cho đô thị. Mỗi TTTM có diện tích từ 30.000-50.000m2 và từ 2.500-3.500m2 cho mỗi siêu thị. Đến năm 2010, ĐN đã có 8 TTTM và 10 siêu thị lớn. Dự báo đến năm 2012, thành phố sẽ có trên 30 siêu thị và TTTM đi vào hoạt động, phục vụ gần 900 nghìn người dân thành phố.

Với thế mạnh của mình, ĐN đang tập trung phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động thương mại tại các khu vực trung tâm, các siêu thị, chợ, nhằm tạo ra một không gian mua sắm sầm uất, đa dạng về sản phẩm; khuyến khích, hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại lớn trong và ngoài nước đầu tư xây dựng những dự án thương mại, hệ thống siêu thị văn minh, hiện đại...

Bài và ảnh: Duyên Anh

Đọc thêm