Ngày 18/5/2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường sẽ dự Lễ Công bố Quyết định thành lập và khai giảng khóa I Trường Trung cấp Luật Tây Bắc.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đầu tư, phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và khắc phục tình trạng bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực pháp luật ở các tỉnh Tây Bắc, ngày 09/7/2012 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ra Quyết định số 1946/QĐ-BTP thành lập Trường Trung cấp Luật Tây Bắc có trụ sở đặt tại tỉnh Sơn La.
|
Trải qua khó khăn của buổi ban đầu mới thành lập, hiện tổ chức, hoạt động của Trường đã có nhiều khởi sắc và kết quả |
Xây dựng nền móng vững chắc ngay từ những ngày đầu
Là vùng đất nhiều tiềm năng nhưng hiện nay trong xu thế hội nhập và phát triển, Tây Bắc đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về nguồn nhân lực. Trường Trung cấp Luật Tây Bắc là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp có nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo nguồn nhân lực pháp luật có trình độ trung cấp luật, nghiên cứu khoa học, phổ biến pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ khác được giao.
Học sinh của Trường sau khi tốt nghiệp có trình độ hiểu biết pháp luật và kỹ năng cơ bản trong việc thực hiện các công việc của cán bộ chính quyền cơ sở, đặc biệt là cán bộ Tư pháp – Hộ tịch và một số chức danh cán bộ của Cơ quan tư pháp, Cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án, Viện kiểm sát v.v…
Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp, của lãnh đạo tỉnh Sơn La và sự giúp đỡ của các đơn vị hữu quan của Bộ Tư pháp và địa phương, ngay sau khi có Quyết định số 2862/QĐ-BTP ngày 2/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp điều động và bổ nhiệm tiến sĩ Nguyễn Công Bình là Trưởng Khoa Pháp luật dân sự của Trường Đại học Luật Hà Nội đảm nhiệm cương vị Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Tây Bắc, nhà Trường đã sớm xây dựng tổ chức, đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất để đi vào hoạt động.
Trải qua khó khăn của buổi ban đầu mới thành lập, hiện tổ chức, hoạt động của Trường đã có nhiều khởi sắc và kết quả. Cơ cấu tổ chức của Trường đã có 5 phòng và 3 khoa chuyên môn với trên hai chục cán bộ, giáo viên, trong đó có 1 người có trình độ tiến sĩ và 3 người đang học sau đại học.
Trường cũng đang tổ chức đào tạo Khóa I hệ trung cấp luật chính quy, bao gồm 2 lớp với 162 học sinh là con em các dân tộc (Thái 106, H’Mông 23, Mường 15, Kinh 10, Dao 5, Lào 2 và Kháng 1) ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hòa Bình và Yên Bái.
Trong quá trình học tập, học sinh đã được Nhà trường tạo các điều kiện tốt nhất để học tập có kết quả như bố trí giáo viên có trình độ và kinh nghiệm giảng dạy, cung cấp giáo trình, tài liệu, làm các thủ tục để được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, đề nghị Bộ Tư pháp cấp kinh phí để hỗ trợ pháp lý cho học sinh nghèo theo Quyết định 52/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 – 2020 và đã được Bộ Tư pháp phân bổ cho 170 chỉ tiêu kinh phí hỗ trợ pháp lý năm 2013, mức hỗ trợ 4.900.000 đồng/người/năm…
Chất lượng đào tạo là yếu tố quyết định
Với quan điểm chỉ đạo: “Đào tạo để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chất lượng đào tạo là yếu tố quyết định”, Nhà trường đã nghiên cứu xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, phương pháp giảng dạy và quản lý đào tạo phù hợp với đối tượng đào tạo là học sinh miền núi thuộc nhiều dân tộc khác nhau và các chức danh nghề nghiệp sau khi ra trường đảm nhiệm.
Nhà trường cũng chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Mặt khác, Nhà trường đang đẩy mạnh việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng trường khang trang, hiện đại phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập và làm việc của cán bộ, giáo viên, học sinh.
Được đặt tại trung tâm khu vực Tây Bắc, giữa bức tranh Kinh tế - xã hội sống động, chứa đựng những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng miền núi, Trường Trung cấp Luật Tây Bắc là một công trình có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp trồng người, một điểm nhấn về văn hóa cho địa phương, bởi tại đây, con em đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc không chỉ được đào tạo để trở thành cán bộ tư pháp và cán bộ chính quyền cơ sở tương lai mà còn có điều kiện được giao lưu, học hỏi và trải nghiệm những sắc màu văn hóa của các dân tộc khác nhau trong khu vực.
Ngoài ra, trường có điều kiện giúp đỡ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp cho nước bạn Lào. Mặc dù mới được thành lập, trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng với trí tuệ, năng lực và sự quyết tâm cao của tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh toàn Trường cùng với sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo tỉnh Sơn La và các đơn vị hữu quan, nhất định thầy trò Trường Trung cấp Luật Tây Bắc sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao và sẽ tạo nên “Điểm sáng mới về văn hóa – giáo dục ở khu vực Tây Bắc.”
Minh Hạnh