Điện ảnh VN: Đầu tư nguồn nhân lực

Để nền điện ảnh Việt có thể phát triển, không còn cách nào khác ngoài việc cùng bắt tay đầu tư mạnh mẽ cho việc đào tạo đội ngũ nhân lực cả ở trong nước lẫn nước ngoài.
Để nền điện ảnh Việt có thể phát triển, không còn cách nào khác ngoài việc cùng bắt tay đầu tư mạnh mẽ cho việc đào tạo đội ngũ nhân lực cả ở trong nước lẫn nước ngoài. Trong điện ảnh, nếu thiếu những nghệ sĩ tài năng, tâm huyết thì không thể có những bộ phim hay tạo dựng nên diện mạo nền điện ảnh. Ông Trần Luân Kim, nguyên chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, khi được hỏi giải pháp để phát triển nền điện ảnh Việt đã nhấn mạnh phải xây dựng một đội ngũ đủ mạnh. Ngoài đào tạo chính quy, còn phải đào tạo nâng cao bằng việc cử người ra nước ngoài thực tập, kiến tập, tham quan. Phải đào tạo theo đường du học Ông Kim cũng cho biết ông đã ấp ủ từ lâu việc đưa một lực lượng trẻ, ít nhất 300 người, ra nước ngoài học về điện ảnh. Tân Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khóa VII Đặng Xuân Hải cũng nhất trí với quan điểm của người tiền nhiệm. Ông Hải khẳng định trong thời gian tới, hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng đề án chi tiết đào tạo đội ngũ làm phim đồng bộ, có năng lực, chuyên môn.
Đỗ Hải Yến và Dustin Nguyễn trong phim Cánh đồng bất tận - bộ phim được thực hiện với sự hỗ trợ của các chuyên gia kỹ thuật đến từ Mỹ và Hàn Quốc. Ảnh: Đặng Minh Tùng
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tỏ ra khá hào hứng với việc đưa đội ngũ trẻ đi học nước ngoài. Theo anh, đây là một dự án rất quan trọng vì nó sẽ đưa điện ảnh Việt Nam dần hội nhập với khu vực và thế giới về mặt nghề nghiệp. Được tiếp xúc, học hỏi từ những nền điện ảnh lớn cũng góp phần nâng cao trình độ những người làm điện ảnh Việt Nam. Nhiều người cũng thừa nhận điện ảnh Việt Nam những năm trong và sau chiến tranh có được nhiều bộ phim hay, có tầm quốc tế là nhờ có đội ngũ làm phim được đào tạo từ các trường điện ảnh có tiếng ở các nước Đông Âu, đặc biệt là Liên Xô. Gần đây, đội ngũ làm phim Việt kiều trở về từ Hollywood cũng đã góp phần làm thay đổi phần nào diện mạo điện ảnh Việt qua những phim của họ sản xuất và phát hành tại Việt Nam.“Liệu cơm gắp mắm”? Tuy nhiên, đạo diễn Đỗ Thanh Hải lại tỏ ra băn khoăn, chủ trương đưa người đi đào tạo nước ngoài là đúng nhưng phải như thế nào bởi xuất phát điểm của đạo diễn Việt quá lệch với thế giới. Thực tế bấy lâu chúng ta vẫn làm điện ảnh “con nhà nghèo”, thiếu thốn, vá víu, khổ sở, trong khi việc đào tạo ở nước ngoài đòi hỏi phải tạo ra được guồng máy đồng bộ. Chỉ cần xem phim của các đạo diễn Việt kiều cũng có thể thấy tính đồng bộ ở tất cả các khâu, đặc biệt là sự đòi hỏi cao hơn hẳn về mặt kỹ thuật. Nhiều ý kiến trong giới chuyên gia cho rằng bên cạnh đưa sinh viên có năng khiếu, có trình độ ngoại ngữ đi đào tạo trở thành đội ngũ làm phim, các trường cần chú trọng việc đào tạo đội ngũ giảng dạy. Chính đội ngũ giảng dạy này sẽ đào tạo ra một đội ngũ nhiều hơn,  đồng bộ hơn theo công nghệ và tư duy làm phim tiên tiến hiện đại. Điện ảnh các nước chậm phát triển đã từng làm điều đó mà hiệu quả thấy rõ là Hàn Quốc. Tiền hôm nay thiếu, ngày mai sẽ có; phương tiện kỹ thuật hôm nay chưa sắm được, ngày mai sẽ sắm, nhưng con người làm điện ảnh thì không thể tạo ra ngày một ngày hai. Nếu ngày hôm nay không tính đến chiến lược đào tạo con người thì năm, mười năm hoặc lâu hơn nữa,  điện ảnh Việt vẫn như “ông già leo núi” và các nhà làm phim cứ tiếp tục chỉ trích nhau trong mỗi kỳ đại hội.
Để nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo
 
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho rằng việc Nhà nước bao cấp cho điện ảnh như lâu nay dẫn đến tình trạng bế tắc do không có sự tuần hoàn. Anh khẳng định điện ảnh Việt Nam chỉ thay đổi được khi có hai yếu tố quan trọng là thị trường giải trí và sự bảo hộ của Nhà nước.

Chỉ khi nào có thị trường, theo quy luật cung – cầu, khán giả bỏ tiền mua vé, nghệ sĩ có thu nhập thì họ mới có thể chuyên tâm cho việc sáng tác phục vụ khán giả. Lúc ấy tự thân nó sẽ tạo ra đội ngũ thích ứng. Đạo diễn Võ Hoài Nam cũng tỏ ra tâm đắc với ý kiến này, nhưng anh cũng đề xuất những nhà quản lý “cần tôn trọng bản sắc và cá tính nghệ thuật, sự khác biệt trong tư duy của nghệ sĩ”. Theo anh, cần có cơ chế để các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo.
Theo Yến Anh
NLĐ

Đọc thêm