Người ta ví điện ảnh VN như “ông già leo núi” nhưng đang ở chân núi. Vì sao điện ảnh VN yếu kém và tụt hậu quá xa như vậy? Nguyên nhân sự yếu kém của điện ảnh VN thì có nhiều nhưng chung quy vẫn là yếu tố con người. Tại Đại hội Hội Điện ảnh VN nhiệm kỳ VII vừa kết thúc, nhiều vấn đề nóng của ngành điện ảnh đã được các đại biểu đem ra mổ xẻ, trong đó vấn đề được xem quan trọng nhất là yếu tố con người, đội ngũ làm ra diện mạo điện ảnh VN hiện nay.
|
Thời gian gần đây, đội ngũ Việt kiều về VN làm phim nhưng xem ra vẫn chưa tạo được dấu ấn đậm nét. Trong ảnh: Cảnh trong phim Bẫy rồng, một sản phẩm do những người làm phim là Việt kiều thực hiện. |
Quá thiếu người biết làm phim Một nhà sản xuất phim nói tiền đầu tư không thiếu nhưng chúng ta đang thiếu những nhà biết làm phim hái ra tiền. Khi đề cập đội ngũ làm điện ảnh, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ngậm ngùi: “Số lượng những người giỏi nghề rất bấp bênh và hiện đang mất dần. Không chỉ đạo diễn mà cả nhân sự làm âm thanh, ánh sáng, hóa trang, phục trang, họa sĩ, trợ lý đạo diễn... cũng cực hiếm, mỗi lần làm phim là một lần tìm mỏi mắt”. Nhận xét này của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã nhận được chia sẻ của rất nhiều người làm nghề, trong đó có đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Đạo diễn này cho biết để tạo hiệu quả tốt, một đoàn làm phim phải có tới 60 – 70 người, ngoài đạo diễn, diễn viên thì còn cả âm thanh, ánh sáng, phục trang, thiết kế... nhưng ở các trường ĐH sân khấu điện ảnh trong nước thì chỉ có khoa đào tạo đạo diễn, diễn viên, quay phim; những nghề khác coi như bỏ ngỏ. Ông Trần Luân Kim, người có 10 năm ngồi trên ghế chủ tịch Hội Điện ảnh VN, thừa nhận đội ngũ làm phim hiện nay và cả trong thời gian tới, trong tất cả các lĩnh vực sáng tác, từ kỹ thuật, quản lý đến phát hành, chiếu bóng... đều quá mỏng, chất lượng không đồng đều, thiếu đồng bộ. Ở một số chuyên ngành, việc thiếu những chuyên gia hàng đầu, trình độ nghề nghiệp hạn chế lại không thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ nên việc tụt hậu là điều đương nhiên, không tránh khỏi.Làm nghề kiểu truyền miệng Thực tế cho thấy, sau thời kỳ hàng loạt nghệ sĩ điện ảnh được cử đi học dài hạn ở Liên Xô, vài thập niên trở lại đây, hầu như mới chỉ có những khóa học ngắn hạn hoặc số ít nghệ sĩ tự bỏ tiền đi học. Thời gian gần đây, lực lượng làm phim Việt kiều, những người được học hành bài bản ở nước ngoài, về tham gia làm phim đã đưa vào một không khí mới nhưng cũng chỉ là hiện tượng nhỏ lẻ... Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, nơi đào tạo lớn nhất về nhân lực cho ngành điện ảnh nhưng đào tạo chưa sâu; chương trình, giáo trình chưa cập nhật và còn rất thiếu. Đó là chưa kể đến đội ngũ giảng viên quá mỏng và việc tuyển sinh của các trường đào tạo sân khấu điện ảnh cũng chưa hoàn toàn đáp ứng tiêu chí chọn người có năng khiếu đặc biệt. Đặc biệt, nhiều chuyên ngành quan trọng của công nghệ điện ảnh đến nay vẫn chưa có khoa đào tạo chính thống như kỹ thuật âm thanh, sản xuất phim, dựng phim, hóa trang, kỹ xảo điện ảnh, tổ chức quản lý phát hành phim và chiếu bóng... trong khi nguồn đào tạo từ nước ngoài gần như không còn nữa. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho rằng trong khi điện ảnh thế giới tiến một bước dài cả về cách thức tiếp cận đề tài, kỹ năng làm phim thì người Việt vẫn làm phim theo kiểu tích lũy kinh nghiệm rồi truyền miệng cho nhau. Mà hình thức truyền nghề thì thầy được mười, đến trò còn lại bảy và cứ thế mất dần đi.
Một đội ngũ già cỗi, lụt nghề Hội Điện ảnh hiện có 1.500 hội viên nhưng số người làm công tác hóa trang, tiếng động, thu thanh, dựng phim, họa sĩ... không nhiều. Dẫn chứng thuyết phục nhất là ở Đại hội Hội Điện ảnh VN lần VII, đại đa số hội viên tham dự đại hội là đạo diễn, diễn viên; số hội viên là chuyên gia về âm thanh, ánh sáng, dựng phim... chỉ vẻn vẹn 27 người. 27/510 là một con số quá ít, trong đó rất nhiều người đã hoặc sắp bước sang tuổi nghỉ ngơi như NSƯT Trần Kim Thịnh (SN 1943), NSƯT Lê Huy Hòa (SN 1955), Vũ Kim Chung (SN 1958), Hoàng Anh (SN 1959), Hồ Thị Mân (SN 1956), Lê Anh Triều (SN 1957), Nguyễn Thị Ngọc Điệp (SN 1956)... Khi những chuyên gia này về hưu, điện ảnh VN sẽ thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ kế cận. |
Theo Yến Anh
NLĐ