Điện Biên cần triển khai sửa chữa ngay các hồ đập hư hỏng, xuống cấp

(PLVN) - Ngày 22/7, làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên và các sở, ngành liên quan về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập, gắn với bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, cần triển khai sửa chữa, nâng cấp ngay các hồ đập đã hư hỏng, xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ.
Phó Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác kiểm tra thực tế công trình đập hồ Nậm Khẩu Hu, xã Hua Thanh.
Phó Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác kiểm tra thực tế công trình đập hồ Nậm Khẩu Hu, xã Hua Thanh.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh về đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập gắn với bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn trên địa bàn. 

Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Điện Biên cần có quy hoạch tổng thể về thủy lợi và an ninh nguồn nước, phục vụ sản xuất, sinh hoạt và an toàn hồ đập trên địa bàn.

Đồng thời, thực hiện phân kỳ đầu tư phù hợp; đảm bảo công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng để sinh thủy và giữ nước tại chỗ; tiến tới liên thông thủy lợi giữa các vùng, miền trên toàn tỉnh để chủ động tưới tiêu, điều hòa; áp dụng khoa học kỹ thuật vào đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, hồ đập; nâng cao giá trị tài nguyên nước; tiến hành phân cấp, phân quyền quản lý hợp lý. 

Đặc biệt, cần triển khai sửa chữa, nâng cấp ngay các hồ đập đã hư hỏng, xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ. 

Báo cáo của tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 13 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích ứng với mực nước dâng bình thường 59,89 triệu m3; đã xây dựng và đồng bộ hệ thống cấp nước cho TP Điện Biên Phủ và các khu vực lân cận; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 81,97%. 

Đối với công tác đảm bảo an toàn hồ đập, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, chủ đầu tư, đơn vị quản lý khai thác triển khai các giải pháp, như lập phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập; thường xuyên theo dõi, kiểm tra đập, hồ chứa; tổ chức trực ban 24/24h trong mùa mưa lũ, sẵn sàng ứng phó các tình huống khẩn cấp theo phương châm “4 tại chỗ”...

Đối với công tác phát triển rừng đầu nguồn, đến nay, tỉnh đã hoàn hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; cơ bản hoàn thành việc giao đất lâm nghiệp có rừng (đã giao 311.189,7ha, đạt 90,7% diện tích đất có rừng); tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,25%.

Đọc thêm