Diễn đàn Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa

(PLVN) -

Diễn đàn Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa nằm trong chuỗi hoạt động đặc sắc kỷ niệm “Ngày hội di sản văn hoá Việt Nam”.

Tại diễn đàn diễn ra Đối thoại với Di sản với chủ đề Di sản văn hoá và phát triển bền vững. Các vấn đề được diễn giả đưa ra nhằm tháo gỡ các rào cản, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa và khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng, của doanh nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội bảo tồn và phát triển di sản văn hóa.

Phát biểu tại Diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hoá”, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, di sản văn hóa luôn là nguồn tài nguyên quý giá, góp phần làm nên giá trị văn hóa, tinh thần hồn cốt, hình ảnh của mỗi quốc gia, dân tộc.

Lãnh đạo VCCI cho rằng: “Việc bảo tồn và gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa không chỉ là công tác của nhà nước mà còn là trách nhiệm của cộng đồng xã họi và người dân, trong đó có các cá nhân là doanh nhân, doanh nghiệp”. Cụ thể, nhà nước đóng vai trò tạo ra khuôn khổ pháp lý và cơ chế, chính sách; còn nhân dân, trong đó có cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản.

Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Đồng hành với doanh nhân, doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục đề cao sứ mệnh của mình là tổ chức cầu nối cùng các doanh nhân, doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, VCCI tiếp tục tập hợp và phản ánh ý kiến của doanh nghiệp, phản ánh và báo cáo kịp thời các ý kiến, kiến nghị của doanh nhân, doanh nghiệp tới Chính phủ và các cơ quan nhà nước có liên quan liên quan đến phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trong đó có công tác quan trọng là bảo tồn và giữ gìn di sản văn hóa Việt Nam.

“Cùng với việc đề cao các giá trị văn hoá cốt lõi của doanh nhân và đẩy mạnh hoạt động định hướng, vận động xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, VCCI cũng chủ động thực hiện tuyên truyền, vận động để cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp tham gia tích cực hơn công tác bảo tồn và giữ gìn di sản văn hóa Việt Nam ở trung ương và các địa phương như là một trong những trách nhiệm xã hội quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân đối với cộng đồng và đất nước”, ông Bùi Trung Nghĩa cho biết.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng, bảo tồn và gìn giữ di sản văn hoá là vấn đề rất lớn và rất khó. Giáo sư đã dẫn chứng một số câu chuyện cụ thể, từ đó gợi ra một vài suy nghĩ, quyết định về thái độ mà ở đây là các doanh nghiệp doanh nhân. Về phía nhà nước, mới đây, Hà Nội vừa quyết định trích 4.000 tỷ đồng để "cấp cứu" 5.000 di tích, di sản, kiến trúc văn hóa, tâm linh.

TS Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch Việt Nam cho hay, ở những giai đoạn trước, việc bảo tồn du lịch thường tập trung vào "vị bảo tồn", nhưng ở thời điểm hiện tại, bảo tồn vị nhân sinh đang được phát huy. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa chuyển hóa thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Quang cảnh Diễn đàn Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa.

Ông Trần Văn Mạnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã nhấn mạnh: Cần huy động trí tuệ, công sức, sáng kiến của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của cộng đồng, các doanh nhân, doanh nghiệp trong việc sáng tạo, duy trì và trao truyền di sản văn hoá. Trong đó, cần lưu tâm đến thách thức là xử lý hài hoà giữa bảo tồn và phát triển, giữa giữ gìn và khai thác, mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hoá đồng thời bảo tồn di sản một cách bền vững.

Ông Trần Văn Mạnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.

Theo ông Trần Văn Mạnh, cần đề cao vai trò của cộng đồng - chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo, duy trì và trao truyền di sản văn hoá. Công ước của UNESCO khẳng định: không có văn hoá nếu không có sự tham gia tự giác của người dân và cộng đồng.

Bàn thêm về vai trò của cộng đồng, ông Trần Văn Mạnh cho rằng, không thể bỏ qua vai trò của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hưởng lợi từ di sản. Để khuyến khích và tạo điều kiện để cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tham gia bảo tồn di sản, cần có chính phù hợp, tuyên truyền nâng cao nhận thức để doanh nhân, doanh nghiệp nhận thức trách nhiệm tự giác chăm lo, bảo vệ vun đắp các di sản. Doanh nhân, doanh nghiệp cần thông tin, trang bị kiến thức, kỹ năng để tham gia hiệu quả vừa đạt được mục tiêu kinh tế vừa góp phần lan toả giá trị di sản hài hoà, nhân văn và có bản sắc.

Ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) nhất trí với các ý kiến được các nhà nghiên cứu, nhà khoa học phát biểu tại diễn đàn. Theo ông, việc gìn giữ, bảo tồn, phát triển và trao truyền di sản văn hoá cho các thế hệ mai sau cần đảm bảo yếu tố quan trọng là tính khoa học, chứ không bảo tồn theo hình thức.

Diễn đàn Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm UNESCO Hỗ trợ Bảo tồn & Phát triển Nghệ Thuật Việt Nam tổ chức.