Công ty điện lực Hiệp Phước vừa gửi thư đến một số doanh nghiệp KCX Tân Thuận và KCN Hiệp Phước, thông báo sẽ tăng giá điện từ 0,05 USD một kwh lên 0,15 USD một kWh, nếu không sẽ ngừng cung cấp điện từ 1/4.
Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận và Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước nằm trên địa bàn Công ty điện lực Hiệp Phước cung cấp năng lượng. Giải thích của "nhà đèn" này cho việc đòi tăng giá điện là do thua lỗ quá nhiều, không được cung cấp khí gas chạy máy phát điện...
Khoảng 140 doanh nghiệp đang hoạt động trong Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Hiệp Phước đang phản đối việc tăng giá này. Ngày 24/2, UBND TP HCM phải họp khẩn với các bên liên quan để giải quyết vấn đề.
Đại diện nhà máy điện Hiệp Phước cho biết từ năm 2005 đến 2010 công ty đã lỗ 120 triệu USD, còn hiện nay mỗi tháng lỗ 5 triệu USD.
Mức tăng giá này được điện lực Hiệp Phước giải thích là "phụ phí nhiên liệu" do công ty đang thua lỗ quá nhiều. "Điện lực Hiệp Phước không còn khả năng tiếp tục chịu đựng thêm sự thua lỗ, vì vậy trước ngày 31/3 nếu doanh nghiệp không đồng ý ký kết phụ phí nhiên liệu thì từ 0h ngày 1/4 chúng tôi sẽ ngưng cung cấp điện", đại diện điện lực Hiệp Phướckhẳng định.
|
Nhà máy điện Hiệp Phước đang đề nghị tăng giá điện khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc. Ảnh: Quốc Thắng |
Nhà máy điện Hiệp Phước lý giải chính việc giá dầu từ năm 2004 tăng không ngừng khiến công ty lỗ nặng. Đến tháng 10/2009, công ty đã đầu tư một lượng lớn vốn cải tạo lò hơi để sử dụng cả dầu và khí thiên nhiên (gas) để chạy máy phát điện. Tuy nhiên, đến 5/2010 thì nguồn khí gas bị ngừng cung cấp hoàn toàn (đơn vị cung cấp là Tập đoàn khí - PV Gas).
"Chúng tôi đã đề ra 3 giải pháp và kiến nghị Chính phủ gồm: được cung cấp gas, mua điện từ EVN và trả lại phần phụ tải cho EVN, nhưng đến nay Hiệp Phước không nhận được bất cứ phản hồi nào. Phương án duy nhất chúng tôi áp dụng là tăng giá", đại diện nhà máy điện Hiệp Phước cho biết.
Dù thông cảm Điện Hiệp Phước thua lỗ và gặp khó khăn trong kinh doanh, nhưng theo nhiều doanh nghiệp việc áp dụng tăng giá điện quá cao chỉ riêng ở Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Hiệp Phước là vô lý. "Giá bán điện cho sản xuất phải thống nhất một giá bất cứ được cung cấp từ nguồn nào", đại diện Công ty phân bón miền Nam bức xúc.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Trung Tín cho rằng nếu giá điện Hiệp Phước xây dựng cao hơn giá toàn quốc sẽ tạo ra mất công bằng cho xã hội. "Như vậy là không được, chưa nói đến vấn đề cạnh tranh. UBND thành phố không thể duyệt mức giá điện này vì sẽ ảnh hưởng toàn bộ các khu công nghiệp khác", ông Tín phân tích.
Theo đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), năm nay và các năm sau tình hình thiếu điện trên cả nước vẫn còn. Do đó nếu điện lực Hiệp Phước ngưng cung cấp điện thì EVN cũng không có bất cứ nguồn nào bổ sung.
Trước tình hình này, đại diện Bộ Công thương cho biết Bộ đã có văn bản yêu cầu Công ty điện Hiệp Phước tiếp tục phải cung cấp điện. Để tháo gỡ khó khăn, Bộ đề nghị Điện Hiệp Phước khẩn trương xây dựng đề án giá bán điện năm 2011, trình UBND TP HCM xem xét với ý kiến thẩm định của Bộ Công thương; đồng thời giao PV Gas xem xét khả năng bán khí cho Hiệp Phước trong năm nay.
Ông Nguyễn Vũ Quang, Phó cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho rằng, các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Hiệp Phước không dùng hệ thống điện quốc gia, mà được cung cấp bởi một nhà máy riêng (như nhà máy điện Hiệp Phước), cần có những cơ chế khác.
"Thành phố sẽ có văn bản gửi Chính phủ xin ý kiến về vấn đề này, trong khi đó, Điện lực Hiệp Phước phải tiếp tục cung cấp điện bình thường", ông Tín chỉ đạo.