Diện mạo mới ở Nam Tây Nguyên

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, diện mạo của một tỉnh miền núi vùng cao thuộc Nam Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi
Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị “về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên” là một chủ trương chiến lược, có tính bao quát, toàn diện với vùng Tây Nguyên. Riêng với Lâm Đồng, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết này, diện mạo của một tỉnh miền núi vùng cao thuộc Nam Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi: Đường cao tốc thênh thang, mở rộng sân bay Liên Khương nối đường bay với nhiều nước, Đà Lạt trở thành đô thị loại I, thị xã Bảo Lộc lên thành phố… Lâm Đồng thật sự đã thoát khỏi tình trạng chậm phát triển.
Đồng bào vùng sâu, vùng xa đang thu hoạch lúa.

Có thể khẳng định giai đoạn 2001-2010, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển khá, quốc phòng an ninh được bảo đảm, hệ thống chính trị được củng cố và hoạt động hiệu quả hơn. Các ngành kinh tế duy trì mức tăng trưởng ổn định. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP thời kỳ 2001-2005 đạt bình quân 12,6%, thời kỳ 2005-2010 đạt 14%, cao hơn mức bình quân của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2010 đạt 19,2 triệu đồng/người, tăng gấp 3 lần so với năm 2005 và gấp 6,8 lần so với năm 2000. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 10 năm đạt 14.556 tỷ đồng, tăng mỗi năm khoảng 400 tỷ đồng, năm 2010 ước đạt 3.050 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với năm 2005 và gấp 7,3 lần so với năm 2000. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm đạt 1.530 triệu USD, riêng năm 2010 tăng gấp 5,6 lần so với năm 2000 và gấp 2,1 lần so với năm 2005.  Tổng vốn đầu tư xã hội bình quân hàng năm tăng 26%/năm. Thu hút đầu tư trong nước từ năm 2003 đến tháng 8/2010 được 597 dự án với tổng vốn đầu tư 66,1 nghìn tỷ đồng.

Các lĩnh vực kinh tế phát triển khá toàn diện. Nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị sản xuất, năm 2010 đạt 76 triệu đồng/ha, gấp gần 3 lần so với năm 2005 và gấp hơn 5 lần so với năm 2000; Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,8%/năm. Giá trị sản xuất nông sản xuất khẩu năm 2010 ước đạt 160 triệu USD, tăng gấp 14 lần so với năm 2001. Về công nghiệp, giá trị sản xuất tăng bình quân 17,8%/năm. Một số ngành mũi nhọn tiếp tục phát triển nhanh, công nghiệp thủy điện và khai khoáng được khởi động, bước đầu phát huy hiệu quả. Thương mại - dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 25%/năm.
Nhiều loại hình dịch vụ mới ra đời và hoạt động có hiệu quả, như vận tải đường bộ, đường không; nhiều khách sạn tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng và đưa vào hoạt động; một số khu du lịch tiếp tục được đầu tư mở rộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu du lịch. Lượng khách đến hàng năm tăng bình quân 15-16%/năm, năm 2010 ước đạt 3 triệu lượt khách, tăng gấp 3 lần so với năm 2000 và tăng gấp 2 lần so với năm 2005.

Mạng lưới giao thông phát triển khá đồng bộ, các tuyến đường từ huyện đến xã, liên xã được hoàn thiện, 100% xã có đường ô tô và được nhựa hóa toàn bộ. Lưới điện sinh hoạt phát triển nhanh. Năm 2001 chỉ có 88 xã có điện, đến nay 100% số xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dung điện ở nông thôn đạt trên 90%. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt kết quả tích cực, đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, tốt nghiệp THPT luôn ở mức cao; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua hàng năm, từ 23,7% (năm 2005) đến nay còn 5% (đồng bào dân tộc thiểu số từ 54% giảm còn 15%); chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến tích cực. Hệ thống y tế từ huyện đến cơ sở được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới. Đến nay các huyện đều có trung tâm y tế, phòng khám  khu vực; tất cả các xã, phường, thị trấn đều có trạm y tế; mạng lưới y tế cơ sở phát triển đồng bộ. Hầu hết các huyện, thành phố có nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, thể thao; 140/148 xã có trạm truyền thanh, 100% xã có điện thoại… 

Đồng chí Trần Việt Hùng – Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: Qua theo dõi trong 10 năm qua, Đảng bộ Lâm Đồng từ khi có NQ 10 của Bộ Chính trị đã sớm triển khai và đề ra những chính sách phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Trong chỉ đạo có sáng tạo và kiên quyết, bền bỉ thực hiện, vì vậy đời sống của nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng trong những năm gần đây phát triển và tăng đáng kể so với 5 tỉnh Tây Nguyên, thu nhập bình quân đầu người cũng cao nhất toàn vùng. Lâm Đồng đã lồng ghép tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển toàn diện KT-XH, đặc biệt chú trọng vùng DTTS. Chọn các điểm, khâu đột phá đầu tư mạnh để tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị cao. Đồng chí khẳng định những vấn đề nêu ra trong NQ10 vẫn còn nguyên giá trị, vì vậy trong thời gian tới, Lâm Đồng cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp mà Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.
Cố gắng tập trung vào các vấn đề: Xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp dịch vụ, phát triển công nghiệp, chú trọng công nghiệp chế biến cà phê gắn với thương hiệu Việt Nam và Tây Nguyên. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng chính quyền xã, phường, thị trấn vững mạnh để tổ chức phát triển KT-XH. Đặc biệt cần củng cố cơ sở Đảng ở thôn, buôn  để giải quyết tốt tình hình AN-CT tại cơ sở. Thực hiện tốt chính sách tôn giáo, dân tộc của Đảng và Nhà nước trong vùng đồng bào DTTS; cố gắng giải quyết tốt vấn đề khiếu nại, tố cáo; hạn chế những sơ hở, thiếu sót trong quản lý về kinh tế - xã hội để ngăn ngừa phát sinh điểm nóng.       
Tổng đầu tư vùng dân tộc thiểu số từ 2005-2010 là 2.467 tỷ đồng, gốm vốn các chương trình mục tiêu 134, 135, 168, 33, 102… là 710 tỷ đồng; lồng ghép với các dự án, chương trình khác 1.757 tỷ đồng. Trong đó vốn kế hoạch năm 2010 là 210 tỷ đồng. Với nguồn lực đầu tư ngày càng nhiều, cùng với sự nỗ lực vươn lên của chính đồng bào, vùng dân tộc thiểu số đã, đang và tiếp tục có nhiều khởi sắc. Theo tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 54% năm 2005 xuống còn 15% vào năm 2010.
Đan Thanh

Đọc thêm