|
Điện thoại di động vượt xa cố định
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2010, số thuê bao điện thoại phát triển mới từ đầu năm đến nay đạt 35,2 triệu thuê bao, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2009.
Thế nhưng, con số hơn 35 triệu đó phần lớn là thuê bao di động. Thuê bao cố định chỉ đạt 771.900, giảm 39,6% so với cùng kỳ. Dễ dàng nhìn thấy, tốc độ tăng trưởng của thuê bao di động ngày càng bỏ xa điện thoại cố định. Nếu tính chi tiết, cả 10 tháng đầu năm, thuê bao di động tăng gấp 44,7 lần số cố định.
Chỉ riêng ở Hà Nội hiện nay, mỗi năm doanh nghiệp đang bị mất đi khoảng 60 ngàn thuê bao điện thoại cố định. Và dự kiến, năm 2010, doanh thu từ dịch vụ điện thoại cố định của VNPT Hà Nội chỉ đạt khoảng 1.170 tỷ đồng, giảm đến 13% so với năm 2009.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 10/2010 ước tính đạt 160,8 triệu thuê bao, tăng 40,2% so với cùng thời điểm năm trước. Chiếm áp đảo trong đó là thuê bao di động với và 144,4 triệu thuê bao, còn thuê bao cố định chỉ vỏn vẹn 16,4 triệu. Trong số đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT vẫn là doanh nghiệp có số thuê bao lớn nhất, 11,7 triệu thuê bao cố định và 72,1 triệu thuê bao di động.
Trước những con số trên, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã phân tích, xu hướng giảm của điện thoại cố định không chỉ có ở Việt Nam mà nó là tình trạng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Xu hướng tất yếu này diễn ra khi bị dịch vụ di động lấn át. Dịch vụ di động đã chứng minh được sự thuận tiện, người dân sẽ dùng gì thuận tiện là điều dễ hiểu.
Nhưng dịch vụ cố định không… chết
Cũng theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, nhiều người đang hiểu nhầm về khái niệm dịch vụ cố định. Phải hiểu là điện thoại cố định đang bị mất khách chứ không phải là dịch vụ cố định. Cho tới thời điểm này, trong hệ thống các dịch vụ cố định, chỉ có điện thoại cố định là đang dần mất ưu thế, còn trên nền cố định, có rất nhiều dịch vụ khác nhau, như dịch vụ truyền hình IPTV, các dịch vụ Internet… đã và đang phát triển nếu không nói là rất tốt.
Các doanh nghiệp có thể tổn hao nhiều chi phí cho điện thoại cố định, còn bản thân hạ tầng cố định lại không vậy. Các quốc gia trên thế giới, việc đầu tư cho phát triển hạ tầng cố định vẫn rất mạnh, kể cả khi lĩnh vực di động họ đã phát triển công nghệ 3G, 4G.
Tương lai của dịch vụ cố định vẫn rất sáng, bởi trong những năm tới, các nhu cầu giải trí như truyền hình độ phân giải cao, các dịch vụ giải trí như game… chắc chắn vẫn rất cần có sự tham gia của hạ tầng cố định. Nếu các doanh nghiệp biết kết hợp và xây dựng hạ tầng cố định trên cơ sở đa dịch vụ, kết hợp các dịch vụ cố định với các dịch vụ Internet, truyền hình, giá trị gia tăng khác, thì hạ tầng cố định vẫn phát triển đều.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, trào lưu di động hóa trên thị trường và bản thân nhu cầu của người dùng ngày càng cao, khiến di động đã trở thành một đối thủ nặng ký của các mạng điện thoại cố định. Nhưng theo phân tích ở trên, nhìn dưới góc độ thị trường, đây là cuộc cạnh tranh tất yếu xảy ra.
Dù vậy, điện thoại cố định vẫn có những ưu thế nhất định trên thị trường. Vẫn có nhiều thời điểm, điện thoại cố định là một cứu tinh đắc lực trong việc kết nối thông tin liên lạc trong các lễ, tết. Những khi chú “dế” di động do nghẽn mạng, nghẽn mạch đã trở thành “cục gạch” bất đắc dĩ.
Tuy nhiên, nếu bỏ ra một khoản chi phí lớn chỉ để dùng vào những tình thế khẩn cấp thì quả thực sẽ rất lãng phí, chính vì vậy, để điện thoại cố định tiếp tục tồn tại và sống khoẻ, những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đang đứng trước áp lực phải tự cải thiện mình, phát triển các thị trường thích hợp trong thời gian tới.
(Theo Vnmedia)