Những câu chuyện thành công trên nền “đám mây”
Khi xu thế mạng xã hội phát triển, người dùng chuyển dần thói quen xem tivi qua sử dụng các nền tảng di động như Youtube, Facebook khiến cho doanh thu quảng cáo của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) bị ảnh hưởng. Để đáp ứng được nhu cầu đó, buộc VTV phải xây dựng kênh truyền hình số để cạnh tranh cũng như phục vụ nhu cầu người dùng hiện tại.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng CNTT của Đài không đảm bảo được chất lượng truy cập của người dùng truyền hình số, nếu đầu tư nhỏ thì không đủ phục vụ, còn đầu tư quá lớn thì sẽ gây lãng phí rất nhiều nếu lượng người dùng không như mong muốn.
VNG Cloud đã xây dựng cho Đài VTVGo 1 hệ thống máy chủ ảo trên Cloud, dễ dàng mở rộng theo lượng user truy cập. Tính năng Auto Scalling giúp cho Đài luôn đảm bảo performance hạ tầng, và chi phí sử dụng hợp lý (trả đúng theo lượng user truy cập).
VNG Cloud đã cung cấp cho Đài dịch vụ vCDN truyền tải nội dung, từ đó user trên khắp mọi miền đất nước đều có thể truy cập và không còn bị các tình trạng gián đoạn như trước nữa. Ngoài ra phần chi phí tiết kiệm hơn so với dùng giải pháp nước ngoài là Akamai ít nhất hơn 50%.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng các doanh nghiệp VNG CLOUD, Viettel, CMC và VCCorp cùng phát động chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam, ngày 22/5.. |
Khách hàng lớn của Viettel IDC lên cloud là Viettel Post. Bưu chính Viettel triển khai toàn bộ dịch vụ chuyển phát, thương mại điện tử (voso.vn), vận chuyển (mygo.vn), sử dụng blockchain trên hạ tầng điện toán đám mây do Viettel IDC tư vấn, xây dựng và cung cấp dịch vụ. Hạ tầng này đáp ứng dịch vụ cho hàng triệu khách hàng. Bên cạnh đó, ViettelPay “chạy” trên nền điện toán đám mây của Viettel IDC cung cấp dịch vụ thanh toán cho hàng triệu khách hàng của Viettel.
Một câu chuyện khác, Việt Á Bank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam chọn mô hình Private Cloud trên nền tảng công nghệ của FPT HI GIO Cloud để lưu trữ và giải quyết toàn bộ các vấn đề liên quan đến dữ liệu của ngân hàng này.
Việc quyết định dịch chuyển toàn bộ hệ thống dữ liệu sang điện toán đám mây Private Cloud của FPT Telecom nằm trong chuỗi hoạt động đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống CNTT của Việt Á Bank. Khi dịch chuyển dữ liệu lên nền tảng FPT HI GIO Cloud, Ngân hàng sẽ đạt được 3 giá trị quan trọng: Thứ nhất, tính sẵn sàng cao, tích hợp được mọi khoảng cách và thời gian, không sợ rủi ro gián đoạn cục bộ về đường truyền mà các hệ thống ngân hàng có phân bố rộng khắp hay gặp phải; Thứ hai, giảm thiểu chi phí quản lý hạ tầng; Thứ ba và cũng là lợi ích cốt lõi nhất, đó là tính bảo mật. Toàn bộ hệ thống dữ liệu của Việt Á Bank được lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu (Data Center) của FPT Telecom với những quy chuẩn về an toàn và bảo mật thông tin khắt khe nhất hiện nay.
Làm chủ hạ tầng số, Việt Nam có thể chuyển đổi số nhanh và vững chắc
Ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc VNG CLOUD, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam chia sẻ bên lề Lễ phát động chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam: “Như Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, làm chủ công nghệ và không bị phụ thuộc nhà cung cấp nước ngoài, đó là điều kiện rất quan trọng cho hạ tầng số, đặc biệt là với công nghệ quan trọng như điện toán đám mây. Nếu có phần nào mà chúng ta phải quyết liệt “chiến thắng”, làm chủ nhất thì đó chính là hạ tầng” – ông Vũ Minh Trí nói.
Ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc VNG CLOUD, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam. |
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi suy nghĩ của rất nhiều người. Trước đó một số doanh nghiệp cũng biết chuyển đổi số là con đường tất yếu đấy, nhưng công việc kinh doanh đang tốt thì sao phải chuyển đổi. Nhưng mà Covid-19 ở thời điểm giãn cách xã hội đã khiến họ nhận ra không chuyển đổi số thì chết thật.
Có thể nói Covid-19 đã gia tăng cả quyết tâm lẫn tốc độ chuyển đổi số ở Việt Nam. Ngay cả các tiểu thương nhỏ, những quán ăn hè phố nhỏ cũng nhận thấy nếu không bán online thì không thể tồn tại được. Đây chính là thời điểm không thể thích hợp hơn để doanh nghiệp nhận ra không thể không chuyển đổi số, vấn đề chỉ là họ cần có công cụ và hỗ trợ để chuyển đổi số như thế nào.
“Sự kiện hôm nay sẽ cho các doanh nghiệp Việt thấy là chúng ta có đầy đủ công cụ, giải pháp và hạ tầng do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, làm chủ và đạt tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe. Chúng tôi có thể cung cấp toàn bộ hạ tầng, công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật và giải pháp trọn gói (từ đầu đến cuối), khách hàng chỉ phải sử dụng ứng dụng để vận hành và kinh doanh” – ông Vũ Minh Trí nói – “Đó là chưa kể còn tiết kiệm được phí đường truyền quốc tế đáng kể, và khi cần hỗ trợ kỹ thuật thì đội ngũ kỹ sư trong nước luôn sẵn sàng để tiếp cận, khắc phục sự cố hay đào tạo, hướng dẫn sử dụng.”
Theo ông Trí, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng chuyển đổi số không chỉ để phuc hồi và thu hẹp khoảng cách với doanh nghiệp nước ngoài, mà còn có thể vươn ra khỏi thị trường 90 triệu dân để bung ra thị trường khu vực Đông Nam Á 600 triệu dân.