’Điệp viên Nga ngây thơ nhưng nguy hiểm’

Khi mạng lưới gián điệp Nga bị lộ ở Mỹ hồi tháng 6, nhiều người khi đó đánh giá họ là những kẻ vô dụng. Nhưng Cựu Giám đốc cơ quan tình báo Anh (MI-5) Stephen Lander lại cho rằng, đó chính là điểm mạnh của điệp viên Nga: “ngây thơ nhưng nguy hiểm”.

Khi mạng lưới gián điệp Nga bị lộ ở Mỹ hồi tháng 6, nhiều người khi đó đánh giá họ là những kẻ vô dụng. Nhưng Cựu Giám đốc cơ quan tình báo Anh (MI-5) Stephen Lander lại cho rằng, đó chính là điểm mạnh của điệp viên Nga: “ngây thơ nhưng nguy hiểm”.

[links()]

Ông Stephen Lander nhận định, việc gián điệp hoạt động nhưng không mang vỏ bọc ngoại giao không phải là chuyện đáng cười. “Chính chỗ họ nhìn bình thường, hay không nghiêm túc lại là cái hay trong nghề. Đó là lý do tại sao người Nga rất thành công trong lĩnh vực này”, ông Lander khẳng định.

Cựu quan chức tình báo Anh Stephen Lander cho rằng điệp viên Nga ngây thơ nhưng nguy hiểm.

“Ngoài ra, họ có khả năng cài người vào nhiều vị trí trong thời gian dài cho đến khi trở nên hữu dụng. Họ là một phần của bộ máy và... bộ máy ấy rất nhà nghề và nghiêm túc”, ông Stephen Lander nhận định.

Giải thích thêm, ông Lander cho rằng, các điệp viên Nga được gửi qua phương Tây với hai vai trò. Một là tạo lớp vỏ lâu dài, với mục tiêu là sau nhiều năm có được vị trí cao trong bộ máy chính quyền để làm tình báo.

Vai trò kia là trở thành tổ trưởng của một nhóm gián điệp khác dưới vỏ bọc một cư dân hợp pháp và lại được điều khiển bằng một gián điệp bí mật từ một nước thứ ba, thường là sĩ quan tình báo nhưng không dưới vỏ bọc chính thức nào.

Cũng theo ông Lander, việc sử dụng kiểu gián điệp này là sự đáng sợ nhất của ngành tình báo, được người Nga nâng lên thành nghệ thuật trong thời chiến tranh Lạnh.

Tình báo Nga "nổi danh" toàn thế giới.

Đối với Anh, việc Nga tiếp tục đầu tư nhiều tiền và gửi gián điệp bí mật qua phương Tây là điều gây quan ngại, ít nhất là vì Anh gặp rất nhiều khó khăn mới phát hiện được kiểu gián điệp này.

Cựu Phó giám đốc của cơ quan phản gián (MI-6) Gerry Warner cho rằng, rất nhiều gián điệp bí mật của Nga được gửi qua các nước láng giềng như Ukraine và Gruzia. "Nếu muốn, họ có thể cài người qua đây", ông Warner khẳng định. 

Ông Warner cho biết thêm, ngay đến gián điệp núp dưới vỏ bọc ngoại giao của Nga cũng đang mở một cuộc tấn công tình báo với cường độ cao như thời chiến tranh Lạnh.

Ông chia sẻ: "Nếu quay lại thập niên 1990 (sau khi Liên Xô tan rã) ta thấy có một sự gián đoạn. Nhưng sau đó bộ máy tình báo bắt đầu hoạt động trở lại. Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR- hậu thân của Ủy ban an ninh quốc gia KGB) quay lại với các thủ thuật cũ nhưng ở mức độ cao hơn".

Còn theo BBC, vào giữa thập niên 1980, đại sứ quán Liên Xô và cơ quan đại diện thương mại  ở London có 30 - 35 nhân viên KGB hoặc Cơ quan tình báo quân sự (GRU) dưới vỏ bọc nhân viên ngoại giao. Cộng lại họ chiếm một nửa tổng số ngoại giao đoàn của Liên Xô ở London. Con số này ngày nay vẫn như vậy.

Tình báo Nga bị cáo buộc đang "đổ quân" sang phương Tây.

Cựu quan chức tình báo David Omand cho rằng, tuy mức độ tình báo của Nga đang ngang bằng thời chiến tranh Lạnh nhưng các mục tiêu của họ thay đổi nhiều so với thời gian trước. Cụ thể thì "các nhân viên tình báo Liên Xô chuyển sang các mục tiêu kinh tế,’’ ông Omand nhận định.

Ông Stephen Lander có ý kiến tương tự: "Họ truy tìm những vấn đề liên quan đến vị trí chiến lược của Nga, đặc biệt là tầm quan trọng đang gia tăng của Nga trong lĩnh vực năng lượng. Do đó, bất kỳ cái gì mang lại cho họ lợi thế trong các lĩnh vực trên đều có thể bị đánh cắp. Trong lĩnh vực phát triển thương mại và quân sự cũng vậy”.

Ông Lander khẳng định: ’’Một nước Nga vững mạnh và ôn hòa là mối quan tâm của chúng ta. Nhưng chúng ta phải trông chừng họ”.

Theo Huy Hoàng
Đất Việt

Đọc thêm