UBND TP giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, các sở, ngành, UBND quận Long Biên, UBND huyện Gia Lâm tổ chức lập điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (khu H thuộc Quy hoạch phân khu đô thị N10) tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm.
Đồng thời, tổ chức lựa chọn tư vấn theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, quy hoạch đô thị, đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan; tham mưu UBND thành phố xem xét, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
UBND TP giao các Sở: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Kho bạc Nhà nước thành phố và các đơn vị có liên quan rà soát, thẩm định, tham mưu bố trí kinh phí tổ chức lập điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (khu H thuộc Quy hoạch phân khu đô thị N10) tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Các sở, ngành cùng UBND quận Long Biên, UBND huyện Gia Lâm và các đơn vị trực thuộc thành phố có trách nhiệm phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội triển khai thực hiện theo quy định.
Trước đó, Chính phủ cũng đã phê duyệt Quyết định 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, quyết định chỉ rõ về định hướng phát triển hệ thống đô thị phát triển Khu đô thị Long Biên - Gia Lâm - Yên Viên theo hướng phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế … gắn với các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng các quốc lộ 5 và quốc lộ 1. Đến năm 2030 dân số khoảng 0,7 triệu người.
Về định hướng phát triển công nghiệp, phát triển công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, các khu công nghệ cao; Di dời các cơ sở công nghiệp đã có trong các quận nội thành theo loại hình ngành nghề phù hợp. Quỹ đất công nghiệp sau khi di dời một phần dành để xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, cây xanh, bãi đỗ xe và dịch vụ công cộng … Hình thành các khu công nghệ cao, khu cụm công nghệ khoảng 8.000 ha. Phía Bắc bao gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Từ Liêm khoảng 3.200 ha; Ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí, sản xuất ôtô, công nghiệp vật liệu mới, hóa dược - mỹ phẩm, dệt may …