Điều chỉnh tỷ giá linh hoạt và chủ động

Ở góc độ đại diện doanh nghiệp và là người từng chịu trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ, ông Cao Sỹ Kiêm, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có cuộc trao đổi về việc điều chỉnh tỷ giá vừa qua của Ngân hàng Nhà nước và những diễn biến trên thị trường ngoại tệ sau đó.

Ở góc độ đại diện doanh nghiệp và là người từng chịu trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ, ông Cao Sỹ Kiêm, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có cuộc trao đổi về việc điều chỉnh tỷ giá vừa qua của Ngân hàng Nhà nước và những diễn biến trên thị trường ngoại tệ sau đó.

- Việc điều chỉnh tỷ giá lần này được cho là kịp thời và hợp lý. Thế nhưng, quyết định này chưa khắc phục ngay được tình trạng hai tỷ giá như mục tiêu đề ra, đúng không thưa ông?

- Chắc chắn là thế, khi một chính sách hay một sự điều chỉnh được đưa ra không bao giờ khớp ngay được, bao giờ cũng có sự thăm dò, tự điều chỉnh. Vấn đề quan trọng là phải xác định được đúng mục tiêu, nên dù có thể bất ổn, lộn xộn ban đầu nhưng khi đã được thực hiện một cách đầy đủ thì chính sách sẽ giúp thị trường trở lại bình thường, những mục tiêu đề ra sẽ đạt được

- Thưa ông, việc điều chỉnh tỷ giá lần này tác động thế nào đến các các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp nào sẽ chịu tác động nhiều nhất từ chính sách này?

- Điều chỉnh tỷ giá lần này rõ ràng là có lợi cho những người làm xuất khẩu và chắc chắn là yếu tố để thúc đẩy xuất khẩu. Thế nhưng, những người sử dụng vật tư, nguyên liệu, thiết bị có liên quan đến đồng đô la Mỹ thì khi giá đô la Mỹ lên sẽ bị thiệt. Những người đã vay đô la Mỹ từ trước mà phải trả nợ bằng đô la Mỹ với giá cao cũng sẽ thiệt. Thêm vào đó, tỷ giá được điều chỉnh cũng làm giá thành tăng lên và gây áp lực tới lạm phát. Còn bất luận doanh nghiệp (DN) to hay nhỏ cũng đều thế thôi, khi đã vay và sử dụng nhiều đô la Mỹ sẽ chịu tác động. Tôi lại nói về lý thuyết có cả yếu tố lợi và hại, nhưng cái lợi nhiều hơn, cả về kinh tế, về lòng tin, về phương pháp chỉ đạo thị trường, về hội nhập kinh tế thế giới.

Việc điều chỉnh tỷ giá góp phần tạo động thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu chủ động nguồn nguyên liệu trong nước. Trong ảnh: Cáp điện xuất khẩu sản xuất tại Công ty cổ phần cáp điện LS Vina.
Việc điều chỉnh tỷ giá góp phần tạo động thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu chủ động nguồn nguyên liệu trong nước. Trong ảnh: Cáp điện xuất khẩu sản xuất tại Công ty cổ phần cáp điện LS Vina.

- Xét về mặt lý thuyết, điều chỉnh tăng tỷ giá thì các DN làm xuất khẩu sẽ có lợi nhưng việc sản xuất các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam lại phụ thuộc khá lớn vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu. Với thực tế này, theo ông việc thay đổi tỷ giá có phát huy tối đa được cái lợi cho nhóm doanh nghiệp xuất khẩu hay không?

- Chắc chắc là có tác động đối với những DN này, đặc biệt là những DN phải mua nguyên liệu bán thành phẩm, tức là phải nhập vật tư nguyên liệu vào mới có hàng xuất khẩu sẽ không lợi. Có khi các DN này lại phải “ăn” cái lạm phát kép của thế giới và trong nước. Có điều là DN phải tìm cách thích nghi như chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước, sản xuất những hàng hóa mà chủ động nguyên liệu hơn. Chính sách tỷ giá không đơn thuần là giải quyết chính sách tiền tệ, giải quyết một mục tiêu mà nó sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần vào cấu trúc lại nền kinh tế, sản xuất của doanh nghiệp. Tác động của một chính sách phải giải quyết được rất nhiều nội dung, kể cả giải quyết tình thế, kể cả lâu dài. Theo tôi, trong tình hình hiện nay không nên lạm dụng nhiều những giải pháp tình thế, giải pháp hành chính để ra lệnh, cấm đoán để rồi không phát huy được tính chủ động, động lực của thị trường cũng như làm méo mó chính sách của chúng ta. Khi chính sách mà méo mó sẽ phải sửa rất lâu, cho nên các DN phải chấp nhận và thích nghi để chúng ta có thể làm lành mạnh nền kinh tế, chuyển nền kinh tế dần dần theo tư tưởng lấy ổn định, lấy bền vững, phát triển theo chiều sâu để hội nhập với thế giới.

- Thị trường hiện có tâm lý là tỷ giá đang thả nổi. Theo quan sát của ông, liệu chính sách này có tiếp tục không?

- Đây không phải là thả nổi, mà là chúng ta đang kiểm soát một cách có phương pháp và rút kinh nghiệm những năm qua. Chúng ta đang thực hiện một cách có hệ thống và điều hành một cách cơ bản theo nguyên tắc và cung cầu thị trường nhằm mục tiêu chính là ổn định vĩ mô. Điều chỉnh tỷ giá không những nhằm mục đích trước mắt mà còn tạo tiền đề cho lâu dài để chúng ta điều hành chính sách tiền tệ đúng hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế và có khả năng phát triển bền vững hơn.

Việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vừa qua rất kịp thời cũng như chọn được thời điểm điều chỉnh hợp lý. Chúng ta đã để quá lâu khung tỷ giá cũ trong khi thị trường lại luôn luôn biến động. Vừa qua, cung cầu đã có biến động rất lớn, giữa giá chính thức và giá quy định có bảo đảm kinh tế vĩ mô, đặc biệt chống lạm phát. Thời điểm sau Tết Nguyên Đán, các yếu tố tác động tới lạm phát có khuynh hướng giảm xuống. Điều chỉnh lúc này sẽ giải quyết được vấn đề cung cầu, vấn đề tâm lý và để giá quy định với giá thị trường của đồng đô la sát gần nhau. Bên cạnh những mặt tích cực, không tránh khỏi những mặt tiêu cực hay hệ lụy song xét về tổng thể thì việc điều chỉnh tỷ giá lần này có lợi nhiều hơn.

- Vậy có nghĩa chính sách tỷ giá không phải thả nổi mà là linh hoạt và chủ động. Vậy sự linh hoạt và chủ động này sắp tới sẽ như thế nào thưa ông?

- Đây là sự điều chỉnh mang tính linh hoạt do đó sự điều chỉnh này có thể là thường xuyên. Vừa qua, chúng ta phải hy sinh những cái cơ bản để giải quyết tình thế, ví dụ như ta “ghìm” tỷ giá lại một thời gian không cho tăng, chúng ta “ghìm” lộ trình đưa giá cả theo nguyên tắc thị trường bằng quyết định hành chính. Những việc làm này là cần thiết để chặn ngay lạm phát, tuy vậy, đó chỉ là những giải pháp tình thế. Khi giao thời không tránh khỏi việc lộn xộn, chưa vào nếp. Tuy nhiên, những cái đó làm “bật” ra những diễn biến mới, tình hình mới để chúng ta có chính sách điều chỉnh chủ động hơn, linh hoạt hơn./.

Nguyễn Huyền - Quang Toàn

 

Đọc thêm