Điêu đứng vì bằng FC

+Sản lượng thanh long xuất khẩu giảm 30-40%;+Ách tắc container tại cảng Chùa Vẽ

+Sản lượng thanh long xuất khẩu giảm 30-40%;
+Ách tắc container tại cảng Chùa Vẽ.

Nhà vườn điêu đứng vì thanh long đang vào vụ thu hoạch rộ mà không thể vận chuyển đi tiêu thụ

Thanh long Bình Thuận "treo cành"

Theo các nhà vườn và doanh nghiệp xuất khẩu thanh long trong tỉnh Bình Thuận: kể từ ngày 1/7, khi quy định tất cả lái xe container đầu kéo phải có bằng FC có hiệu lực, sản lượng thanh long vận chuyển ra thị trường các tỉnh phía Bắc và xuất sang Trung Quốc đã giảm 30%-40%.

Hiện thanh long đang vào thu hoạch rộ, lại mùa gặp mưa, nhưng phải treo cành khiến trái bị nứt, giảm chất lượng. Các doanh nghiệp đều thông báo dừng mua thanh long để giải quyết hàng trăm tấn hàng tồn kho. Nhà vườn đang rơi vào tình thế vô cùng khó khăn vì bắt đầu vào mùa thanh long chính vụ nhưng họ không bán được vì hầu hết lái xe container chưa có bằng lái FC theo quy định, buộc phải ngừng chạy, không thể vận chuyển được thanh long đi tiêu thụ.

Hiện nay chủ các doanh nghiệp thanh long phải tất tả đi tìm tài xế có bằng lái FC, nhưng từ TP.Hồ Chí Minh đến Đồng Nai, Bình Thuận, nơi nào cũng không có tài xế đủ điều kiện. Theo phòng Cảnh sát giao thông Công an Bình Thuận: trên địa bàn tỉnh có khoảng 800 tài xế container thì chỉ có khoảng 30% đã đổi được bằng FC. Cho tới thời điểm cuối tháng 8/2010 mới có đợt thi mới nên đa phần tài xế phải ở nhà. Điển hình như doanh nghiệp Hiếu Ngọc tại Hàm Thuận Nam, hiện có 10 xe đầu kéo với 20 tài xế chuyên chở thanh long cho chính đơn vị mình và hợp đồng chở thuê cho các doanh nghiệp khác, nhưng chỉ có 2 tài xế có bằng FC nên 18 người còn lại đành phải nghỉ việc.

Tại Bình Thuận hiện chỉ có một trung tâm đào tạo nghề lái ô tô và đến tháng 9/2010 mới đủ cơ sở vật chất tổ chức thi chuyển đổi bằng FC. Để giải quyết tình trạng này, ông Phạm Văn Nam - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Bình Thuận cho biết đã thông báo trên phạm vi toàn tỉnh về việc mở lớp sát hạch nâng cấp bằng lái FC cho tài xế xe container trong tỉnh. Tất cả tài xế có bằng F đã chạy trên 50.000 km, hoặc đã được cấp bằng từ 3 năm trở lên sẽ thuộc diện cho chuyển đổi bằng dịp này. Sở sẽ làm việc với Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Đồng Nai để phối hợp mở lớp sát hạch ngay trong tháng 7/2010.

Nằm không cũng mất 15 triệu đồng/ngày.

Tại Hải Phòng, hoạt động vận chuyển hàng hóa đang đình trệ sau khi quy định lái xe vận tải hàng nặng có hiệu lực.

Chị Phạm Thị Thu Hương, Phó Giám đốc công ty Vận tải Hoàng Nga cho biết: công ty chỉ có 2 lái xe có bằng FC nên chỉ có 2 xe tham gia vận chuyển, còn 30 đầu xe khác đành nằm im trong bãi. Chỉ riêng chi phí hàng ngày chi cho 30 xe nằm một chỗ như trả lương cho lái, phụ xe, tiền bảo hiểm, tiền trả lãi ngân hàng, bến bãi... cũng tiêu tốn của công ty khoảng 15 triệu đồng, chưa kể đến những thiệt hại về uy tín cũng như cam kết với các chủ hàng trong hợp đồng. Tình trạng này kéo dài trong nửa tháng công ty cũng đủ lao đao - chị Hương cho biết.

Tương tự cảnh của công ty Vận tải Hoàng Nga, công ty Vận tải Nam Dương có 11 đầu xe nhưng chỉ có 1 lái xe có bằng FC. Để giữ mối với khách hàng, riêng trong ngày 1/7, công ty này đã phải thuê 3 xe khác để vận chuyển hàng. 10 đầu xe không hoạt động trong 1 ngày đã làm công ty thiệt hại trên 7 triệu đồng.
Tại cảng Chùa Vẽ, hàng hóa đang tồn đọng vì không có xe để vận chuyển.

Ông Vũ Nam Thắng, Giám đốc xí nghiệp xếp dỡ container Chùa Vẽ - Cảng Hải Phòng cho biết: từ ngày 28/6 đến 4/7, cảng tiếp nhận từ tàu 9.027 teu hàng nhưng mới chỉ rút ra được 5.019 teu. Hiện cảng còn tồn đọng trên 11.300 teu. Cũng theo ông Thắng, thời điểm trước đây, mỗi ngày cảng container Chùa Vẽ có từ 700 đến 800 container được rút ra; tuy nhiên tuần vừa qua chỉ rút ra được 400-500 container.Nuyên nhân của tình trạng này là do doanh nghiệp vận tải chưa đáp ứng yêu cầu về bằng FC nên chưa dám cho xe chạy.

Thu - Thanh

Đọc thêm