Điêu đứng vì mua nhà bằng vàng ’dính’ quy hoạch

Mua nhà bằng vàng, giữ lại 15-20 lượng chờ sổ đỏ, nay 37 hộ dân khu 97 Kha Vạn Cân (TP HCM) khóc dở khi giá vàng "sốt", nợ cũ tăng gấp 8 lần. Quy hoạch thay đổi, họ chỉ được tái định cư bằng nền đất, nhà phải tự xây.

Mua nhà bằng vàng, giữ lại 15-20 lượng chờ sổ đỏ, nay 37 hộ dân khu 97 Kha Vạn Cân (TP HCM) khóc dở khi giá vàng "sốt", nợ cũ tăng gấp 8 lần. Quy hoạch thay đổi, họ chỉ được tái định cư bằng nền đất, nhà phải tự xây.

Chuyện bắt đầu từ năm 2000, người dân bỏ ra gần 100 lượng vàng mua nhà ở khu 97 Kha Vạn Cân. Chủ đầu tư là Công ty Dịch vụ và Phát triển nhà Quận 1 cam kết dự án được quy hoạch ổn định lâu dài. Thế nhưng, năm 2006, khu này "dính" quy hoạch dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Năm 2010, dân được thông báo khoản đền bù quy ra hiện kim chỉ bằng 1/3 số vàng mua nhà ban đầu. Nếu bàn giao mặt bằng, mỗi hộ được tái định cư bằng nền đất tại khu 7/4A Kha Vạn Cân. Người dân lâm vào cảnh vừa mang nợ vàng vừa đủ tiền xây nhà tái định cư.

Chủ hộ 272 Kha Vạn Cân thuộc Khu dân cư 97, cho biết, cách đây 10 năm, ông mua căn nhà này với giá 102 cây vàng SJC từ Công ty Dịch vụ và Phát triển nhà Quận 1. Đến nay ông vẫn còn nợ công ty này 12 cây vàng, khi nào bàn giao sổ đỏ sẽ chồng hiện kim. Trong hợp đồng, bên bán cam kết quy hoạch khu này ổn định lâu dài. Song, năm 2005 thành phố công bố khu này nằm trong dự án quy hoạch tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, gia đình ông lâm cảnh đứng ngồi không yên.

Tháng 8/2010, quận Thủ Đức gửi thông báo cho ông mức đền bù 1,25 tỷ đồng, tương ứng với khoảng 35 cây vàng SJC. "Với số tiền đền bù này cấn trừ vào khoản nợ 12 cây vàng, tôi chỉ còn 23 lượng để lo tái định cư bằng nền đất. Gia đình sẽ lấy tiền đâu để xây nhà?", chủ hộ 272 Kha Vạn Cân bộc bạch.

Còn ông Bình, một hộ dân trong khu 97 Kha Vạn Cân cho hay, theo hợp đồng, ông còn nợ Công ty phát triển và dịch vụ nhà quận 1 đến 15 cây vàng, chờ bàn giao sổ đỏ thì tất toán. Nếu tính giá vàng hiện nay hơn 37,5 triệu đồng một lượng thì tổng số tiền nợ khoảng 600 triệu đồng. Thế nhưng bài toán gỡ mãi không ra là nếu giao mặt bằng, ông mất hẳn căn nhà, chỉ được nhận nền đất, lại phải trả một khoản nợ 600 triệu đồng mà không biết lấy đâu ra tiền để xây nhà. "Tái định cư như thế này thì cuộc sống vô cùng bấp bênh và khó khăn", ông Bình nói.

Hơn 30 hộ dân Khu 97 Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức đang gánh hậu quả từ việc mua nhà bằng vàng dính khu quy hoạch. Ảnh: Vũ Lê.
Hơn 30 hộ dân Khu 97 Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức đang gánh hậu quả từ việc mua nhà bằng vàng dính khu quy hoạch. Ảnh: Vũ Lê.


Không khá hơn là bao, chủ hộ 292/13 Kha Vạn Cân kể khổ, cách đây 10 năm, vợ chồng bà mua căn hộ này với giá 95 cây vàng SJC sau nhiều phen vay mượn tứ bề. Nay lại vướng phải việc giải tỏa di dời, bà được thông báo tiền đền bù khoảng 900 triệu đồng (tương đương 25 cây vàng), tái định cư bằng nền đất, tự xây dựng nhà. "Tôi lấy đâu ra tiền xây nhà để cùng các con sinh sống trong khi còn phải trả khoản nợ bằng vàng để nhận sổ đỏ tất toán hợp đồng?", bà nói.

Ông Cao Văn Long, chủ căn nhà 280 Kha Vạn Cân cũng rất bức xúc. Tháng 7/2000, ông mua căn nhà này giá 120 cây vàng SJC với mục đích ở lâu dài để an dưỡng lúc tuổi già. Khi mua, Công ty Dịch vụ và Phát triển nhà Quận 1 cam đoan là khu nhà 97 không bị giải tỏa và có đủ giấy tờ pháp lý do đã được Thành phố phê duyệt quy hoạch. Thế nhưng vì thay đổi quy hoạch, số tiền đền bù cho ông chỉ 1,2 tỷ đồng, chưa đến 35 cây vàng. "Nay giải tỏa sang khu đất tái định cư, xa hơn, tôi vẫn đồng ý. Nhưng số tiền đền bù quá thấp và không đủ để tôi có thể xây dựng một căn nhà như hiện tại", ông Long giãi bày.

Ở cái tuổi gần 70, sống nhờ lương hưu, ông Sinh, chủ hộ 292/11 Kha Vạn Cân lâm trọng bệnh khi nhận thông báo phải di dời. Ông cho biết: "Tôi khẩn thiết đề nghị UBND Thành phố xem xét và tạo điều kiện để chúng tôi có đủ tiền xây dựng nhà mới trên nền tái định cư tại khu đất 7/4A Kha Vạn Cân".
Khi bàn giao mặt bằng cũ gồm đất và nhà để thành phố thực hiện dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi -

Trao đổi với VnExpress.net, đại diện UBND quận Thủ Đức, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình quận Thủ Đức, Võ Văn Tiến cho biết: "Vấn đề này vượt thẩm quyền của quận, chính quyền địa phương đã chuyển kiến nghị của người dân đến Sở Xây dựng và UBND TP HCM".

Đối với khả năng người dân tái định cư không thành vì thiếu hụt tiền xây nhà, đại diện quận Thủ Đức cho hay, nếu trong quá trình thực hiện còn có những khó khăn thì người dân tiếp tục kiến nghị để được xem xét giải quyết các bước tiếp theo.

Trong văn bản trình UBND TP HCM ngày 8/12/2010 về giải quyết bồi thường khu nhà ở 97 Kha Vạn Cân, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Nguyễn Tấn Bền cho rằng, giá đền bù phải áp dụng chung cho toàn dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài để tránh ảnh hưởng dắt dây. Về vật kiến trúc, UBND quận Thủ Đức không có cơ sở để chi trả bằng vàng quy đổi.

Theo quan điểm của Sở Xây dựng TP HCM, tranh chấp giữa Công ty phát triển và dịch vụ nhà quận 1 với các hộ dân giải quyết theo hợp đồng, cơ quan Nhà nước không tham gia vào nội dung này. Trong trường hợp không thống nhất được hướng giải quyết, các bên có quyền khởi kiện ra Tòa án.

Trong khi đó, đại diện đơn vị bán nhà cho dân, một chuyên viên của Công ty dịch vụ phát triển nhà quận 1, cho biết, từ năm 1996 công ty mua đất rồi lập dự án. Sau khi được tất cả cơ quan chức năng của thành phố phê duyệt với đầy đủ các thủ tục pháp lý, công ty mới bán cho người dân. Ông cho hay, khi thực hiện dự án, quy hoạch đường lúc ấy chỉ yêu cầu lùi 30 m (lấy tâm là đường ray chia đều ra hai bên, mỗi bên 30m). Thế nhưng sau đó, cơ quan chức năng thay đổi tim đường, chỉ lấy một bên 60 m nên dự án phải di dời. “Đây không phải lỗi của chúng tôi”, ông này khẳng định.

Vũ Lê

Đọc thêm