Điều kiện phải chấp hành xong các nghĩa vụ dân sự để được đặc xá: Cần bảo đảm sự chặt chẽ trong sửa đổi

(PLO) - Theo quy định của Luật Đặc xá năm 2007, một trong những điều kiện hết sức quan trọng và cần thiết để phạm nhân được đề nghị đặc xá là “phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác”. 
Phạm nhân được đặc xá nhận hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
Phạm nhân được đặc xá nhận hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) đang tính đến việc sửa đổi, bổ sung điều kiện này nhưng theo góp ý của Bộ Tư pháp thì cần cân nhắc thêm một số vấn đề nhằm bảo đảm sự chặt chẽ. 

Thi hành các hình phạt bổ sung được chia thành 2 loại

Thực tế trong các đợt đặc xá trước đây thì các quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước đều quy định cụ thể điều kiện này như sau: “Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ những phạm nhân không bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng đã 70 tuổi trở lên hoặc từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau hoặc người đang mắc bệnh hiểm nghèo mà bản thân người đó và gia đình không có khả năng thực hiện”. 

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS - Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Thủy, quy định này có thể được hiểu rằng mọi trường hợp đều phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ khi phạm nhân đó đáp ứng đủ 2 điều kiện: không bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng và đã 70 tuổi trở lên hoặc 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau hoặc người đang mắc bệnh hiểm nghèo mà bản thân người đó và gia đình không có khả năng thực hiện. Riêng loại tội phạm về tham nhũng thì bắt buộc phải chấp hành xong các nghĩa vụ dân sự, không có trường hợp đặc biệt. 

Còn tại dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) mới nhất, điều kiện này được quy định theo hướng: “ Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí. Trường hợp chưa chấp hành xong thì do Chủ tịch nước xem xét, quyết định; Đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp có thỏa thuận bằng văn bản không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá”. 

Quy định trên là hoàn toàn phù hợp đối với Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014. Theo đó, thi hành các hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí và các nghĩa vụ dân sự khác được chia làm 2 loại, căn cứ vào người được thi hành án. Loại thứ nhất là thi hành hình phạt tiền, án phí là thi hành cho ngân sách nhà nước. Loại thứ hai là thi hành các khoản bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ dân sự khác là thi hành cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội. 

Cân nhắc quy định về thỏa thuận bồi thường thiệt hại sau đặc xá 

Đại diện Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) đánh giá điều kiện này được quy định rõ ràng hơn nhằm bảo đảm sự phù hợp với thực tiễn công tác đặc xá và tiếp thu quy định của Chủ tịch nước tại các quyết định về đặc xá cũng như hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá TƯ qua các đợt đặc xá. Vụ này phân tích: Việc chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và bồi thường thiệt hại là điều kiện bắt buộc không chỉ đối với các tội phạm về tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá mà mở rộng đối với bất kỳ tội phạm nào có các loại chế tài này. Đồng thời quy định cơ chế Chủ tịch nước quyết định trường hợp chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung hình phạt tiền, án phí cũng như cơ chế thỏa thuận bằng văn bản không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá.

Theo Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, Bộ Tư pháp đồng tình với dự thảo Luật về việc sửa đổi, bổ sung điều kiện này. “Đây là quy định hết sức nhân văn, thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước ta đối với người bị kết án, đồng thời cũng bảo đảm sự thống nhất của dự thảo Luật với các quy định hiện hành của Bộ luật Hình sự và Luật THADS, bảo đảm sự nhất quán về thẩm quyền của Chủ tịch nước trong việc miễn chấp hành hình phạt tù đồng thời với việc miễn thi hành khoản thu, nộp ngân sách nhà nước” – Thứ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Nhưng để bảo đảm sự chặt chẽ, Thứ trưởng đề nghị cân nhắc thêm một số vấn đề. Cụ thể, trường hợp chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, nên khoanh hẹp đối với một số đối tượng nhất định như hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các đối tượng chính sách… Ngoài ra, trường hợp chưa chấp hành xong bồi thường thiệt hại, để bảo đảm tôn trọng quyền tự quyết, quyền tự thỏa thuận của đương sự trong THADS thì việc quy định người được thi hành án đồng ý bằng văn bản về việc không yêu cầu bồi thường là phù hợp. 

Tuy nhiên, quy định về thỏa thuận bồi thường thiệt hại sau đặc xá có thể tạo ra nhiều nguy cơ, rủi ro và khó khăn cho công tác thi hành án nếu sau khi được đặc xá, người được đặc xá không thực hiện việc bồi thường như cam kết. Do đó, cần phải nghiên cứu hết sức cẩn thận quy định này để vừa bảo đảm tôn trọng quyền tự thỏa thuận của đương sự trong thi hành án, vừa bảo đảm phòng ngừa được những tình huống xấu có thể xảy ra, bảo đảm an ninh, trật tự.

Đọc thêm