Điều tiết lợi nhuận… chờ thời

Nhiều DN đang điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với những biến đổi của các yếu tố như tỷ giá, lãi suất, TTCK trầm lắng…
 

Nhiều DN đang điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với những biến đổi của các yếu tố như tỷ giá, lãi suất, TTCK trầm lắng…

Hết quý III năm nay, CTCP Thép Đại Thiên Lộc (DTL) mới đạt 160 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, trong quý IV, DTL phải đạt 90 tỷ đồng lợi nhuận mới đạt kế hoạch lợi nhuận cả năm là 250 tỷ đồng. Nhưng ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, do tình hình TTCK không thuận lợi nên DTL đã hoãn kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn từ 485 tỷ đồng lên 540 tỷ đồng.

Với mức vốn điều lệ hiện nay 485 tỷ đồng, Công ty sẽ duy trì lợi nhuận cả năm ở mức tương ứng tỷ lệ lợi nhuận kế hoạch trên vốn điều lệ dự kiến tăng 540 tỷ đồng, vào khoảng 46,3%. Theo tỷ lệ này, lợi nhuận cả năm DTL đạt được vào khoảng hơn 220 tỷ đồng.

Con số lợi nhuận này, theo ông Nghĩa là có thể đạt được, do 80% giá trị hàng tồn kho của DTL hiện vay vốn bằng VND. Khi tỷ giá tăng, trong ngắn hạn, Công ty có thể gặp khó khăn vì giá thép trên thị trường không tăng theo kịp tỷ giá, nhưng thời gian tới, chắc chắn giá sản phẩm thép trên thị trường sẽ tăng lên. Đối với 20% vốn vay bằng USD, Công ty vẫn có hàng xuất khẩu để cân đối nguồn thu ngoại tệ.

Ông Nghĩa cho rằng, thị trường đang định giá thấp cổ phiếu DTL. Với tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt cả năm là 30%, giá DTL vẫn chỉ trên 20.000 đồng/CP, tương ứng P/E khoảng 5 lần. Nếu lợi nhuận đạt được quá cao sẽ tạo ra sức ép với Ban điều hành vào năm sau.

CTCP Địa ốc Đất Xanh (DXG) cũng mới chỉ đạt 64 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau 9 tháng, đạt 50% kế hoạch lợi nhuận năm là 128 tỷ đồng.

Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT DXG cho biết, dự kiến kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 320 tỷ đồng sẽ thực hiện trong năm nay, tương ứng với kế hoạch lợi nhuận 128 tỷ đồng. Nhưng kế hoạch tăng vốn đã bị ảnh hưởng do sự trầm lắng của thị trường, Công ty có thể cân nhắc về con số lợi nhuận thực hiện năm nay, dù các nguồn để hạch toán lợi nhuận kế hoạch đã có sẵn.

Ngay cả khi công bố con số lợi nhuận quý III khiêm tốn, giá cổ phiếu DXG cũng không giảm nhiều, ngoài lý do thanh khoản thấp do cổ đông sáng lập vẫn đang nắm giữ hơn 80% cổ phần, thì đơn giản vì giá cổ phiếu DXG đã quá thấp, tương ứng với P/E 7 lần nếu Công ty chỉ cần đạt được nửa số lợi nhuận kế hoạch.

Một công ty bất động sản chuẩn bị niêm yết, ngay từ đầu năm đã dự kiến sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận ở mức nâng EPS từ 6.000 đồng lên 8.000 đồng. Nhưng với tình hình thị trường hiện nay, lãnh đạo công ty này cho biết, lợi nhuận vượt có thể được điều tiết sang năm sau, khi mà giá cổ phiếu phản ánh đúng hơn kết quả kinh doanh của DN.

Lãnh đạo CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), ông Đoàn Nguyên Đức cũng cho biết, rất nhiều đối tác lớn muốn vào mua cổ phần của Tổng công ty Khoáng sản, công ty thành viên của HAG, nhưng kế hoạch IPO công ty này phải sắp xếp vào đầu năm sau, nếu không năm nay lợi nhuận HAG sẽ tiếp tục đột biến quá cao. Mà tâm lý trên thị trường lại ngại những cổ phiếu thị giá cao, dù P/E vẫn thấp.

Một công ty bất động sản khác có kế hoạch chuyển nhượng dự án đem lại khoản lợi nhuận khoảng 40 tỷ đồng cho biết, thủ tục chuyển nhượng đang được tiến hành, nhưng công ty cũng không phải vội vã khi TTCK đang trầm lắng.

Chỉ mới ngày hôm qua, trước thông tin chính thức của Chính phủ về việc không điều chỉnh tỷ giá USD/VND một lần nữa, đại diện CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) mới có thể khẳng định, chắc chắn sẽ đạt kế hoạch 120 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay.

Trong cơn sốt tỷ giá trước đó, công ty này lo ngại sẽ phải trích lập thêm dự phòng chênh lệch tỷ giá cho khoản vay dài hạn bằng USD, ngoài khoản 68 tỷ đồng đã được trích lập đến quý III. Cho dù VST có nguồn thu USD để thanh toán các khoản vay USD, nhưng khoản trích lập trên sổ sách nếu tăng lên cao do tỷ giá tăng cũng có thể làm ảnh hưởng đến con số lợi nhuận thực hiện trên sổ sách.

Mặc dù cho rằng, kế hoạch lợi nhuận do ĐHCĐ thông qua mang tính pháp lệnh đối với một công ty niêm yết, nhưng cũng không thể phủ nhận áp lực với ban điều hành công ty phải đảm bảo mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định hàng năm.

Và các con số lợi nhuận hạch toán cũng phải tính đến việc phục vụ cho kế hoạch tăng vốn của DN. Vì vậy, việc tính toán các lợi ích khi điều tiết lợi nhuận hàng năm của lãnh đạo nhiều công ty niêm yết là điều có thể hiểu được.

Theo Thành Nam
ĐTCK

Đọc thêm