Điều tra bổ sung hành vi “Làm nhục người khác” của bị can Nguyễn Phương Hằng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 27/6, trao đổi với báo chí, Chánh Văn phòng Viện kiểm sát Nhân dân TP Hồ Chí Minh Lê Ngọc Tiến cho biết, Viện Kiểm sát Thành phố đang thụ lý hồ sơ vụ án bà Nguyễn Phương Hằng cùng các đồng phạm sau khi Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Trước đó, VKSND TP Hồ Chí Minh đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân và Đặng Anh Quân về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 BLHS.

Sau khi nghiên cứu cáo trạng và đối chiếu với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, TAND TP đã trả hồ sơ cho Viện KSND TP Hồ Chí Minh để điều tra bổ sung, làm rõ thêm các nội dung trong vụ án nhằm đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Ngoài việc thu thập thêm chứng cứ, tài liệu liên quan đến việc yêu cầu bồi thường của một số cá nhân trong vụ án, đáng chú ý, TAND TP đề nghị VKSND TP và Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cần làm rõ hành vi của bị can Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm có dấu hiệu của tội “làm nhục người khác”, hoặc “vu khống” theo Điều 155, Điều 156 bộ luật Hình sự hay không?

Đây là vụ án được dư luận hết sức quan tâm vì trong các buổi livestream của mình, bà Nguyễn Phương Hằng phát ngôn, bình luận về những nội dung có dấu hiệu xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhiều cá nhân.

Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra (ảnh Intenet)

Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra (ảnh Intenet)

Theo ông Vũ Hoàng Long, nguyên thẩm phán TAND TP Cần Thơ – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ cộng đồng - Hội luật gia Việt Nam, việc Tòa yêu cầu điều tra bổ sung, xem xét về hành vi “làm nhục người khác” của Nguyễn Phương Hằng và các bị can đã thể hiện rõ quyền tư pháp của cơ quan xét xử và tính độc lập trong hoạt động tố tụng theo tinh thần cải cách tư pháp về tính khách quan toàn diện giải quyết vụ án.

Ông Long nhận định: “Để phân biệt và xác định chính xác tội phạm, cấu trúc trong BLHS quy định rất chặt chẽ và khách quan thể hiện trực tiếp và nhóm khách thể loại tội phạm bị xâm hại. Hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng và những người giúp sức có dấu hiệu xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người khác như: Hoài Linh, Vy Oanh, Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Hàn Ni… nên những người này đã làm đơn tố cáo và yêu cầu Cơ quan pháp luật xử lý các bị can về hành vi “Làm nhục người khác”.

Cùng quan điểm trên, Luật sư Trương Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) – Giám đốc Công ty Luật TNHH Trường Sơn cho rằng, về mặt khách quan, bị can Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm không hề nhận thức được việc làm của mình phạm vào tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 BLHS. Họ sử dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội làm cách thức thực hiện hành vi phạm tội, cùng với đó là dùng lời nói, cử chỉ chia sẻ, bình luận thông tin về bí mật đời tư của một số văn nghệ sĩ; sử dụng ngôn ngữ thiếu chuẩn mực, sỉ nhục, thóa mạ những người này nhằm mục đích hạ thấp nhân cách, uy tín, danh dự của một số người, làm cho họ cảm thấy nhục nhã, xấu hổ trước người khác. Hành vi trên là nguy hiểm cho xã hội, cần phải bị lên án mạnh mẽ. Vì vậy, TAND TP Hồ Chí Minh trả hồ sơ điều tra bị can Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 BLHS là có căn cứ, thể hiện tính khách quan toàn diện giải quyết vụ án, nhằm đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đọc thêm