Cảnh sát Canada mới công bố những cáo buộc đầu tiên trong vụ tự tử của một nữ sinh hồi tháng 4 vừa qua. Rehtaeh Parsons được cho là đã tự vẫn sau khi những hình ảnh ghi lại cảnh cô bị hiếp dâm tập thể bị phát tán trên mạng internet, dẫn đến việc cô bị nhiều người đả kích nặng nề.
|
Rehtaeh Parsons. Ảnh: Internet |
Tháng 11/2011, cảnh sát Canada cũng đã mở một cuộc điều tra về cáo buộc cô nữ sinh Rehtaeh Parsons, 15 tuổi, đã bị nhiều người hãm hiếp sau khi đến dự tiệc tại nhà của một bạn học. Tuy nhiên, vụ việc đã nhanh chóng được khép lại vì cảnh sát cho rằng thiếu bằng chứng để khẳng định các cáo buộc này.
Đến tháng 4 vừa qua, gia đình phát hiện Parsons đã treo cổ trong phòng tắm. Ba ngày sau khi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê, gia đình đã quyết định rút ống thở của Parsons.
Cái chết của cô gái trẻ sau khi được công bố đã dấy lên một làn sóng giận dữ trong dư luận Canada. Gia đình nạn nhân cho hay, hồi đầu năm 2012, bức ảnh cô bị 4 thanh niên cưỡng hiếp bỗng nhiên xuất hiện trên mạng và lan truyền khắp trường Darmouth – nơi Parsons đang theo học. Ngay sau đó, Parsons đã phải hứng chịu những lời châm chọc, quấy nhiễu, thậm chí còn bị gọi là gái điếm.
Dù đã chuyển trường nhưng Parsons đã không thể vượt qua được những tổn thương mà cô bé phải trải qua. Trước khi qua đời, Parsons cũng đã tìm cách tự tử nhưng không thành.
Sau khi Parsons tử vong, cảnh sát Canada sau đó đã buộc phải mở lại cuộc điều tra về vụ hãm hiếp xảy ra hồi năm 2011. Sau quá trình điều tra kéo dài 4 tháng, cảnh sát Canada tuyên bố họ đã bắt giữ 2 người đàn ông 18 tuổi để thẩm vấn về vụ việc.
Sau các cuộc thẩm vấn, một trong 2 tên này đã bị truy tố về tội tàng trữ tài liệu có nội dung khiêu dâm trẻ em. Ngoài tội danh này, tên còn lại bị truy tố thêm về tội sản xuất các sản phẩm có nội dung khiêu dâm trẻ em.
Mặc dù vậy, cả 2 tên này đều không bị truy tố về tội hiếp dâm. “Các bằng chứng hiện có đều không chứng minh được các cáo buộc tấn công tình dục chống lại 2 đối tượng này” – cảnh sát trưởng vùng Halifax Jean-Michel Blais nói. Tuy nhiên, ông Blais cho hay, nếu có thể xác minh thêm những thông tin mới, hoặc trong trường hợp một trong 2 tên thú tội thì vụ việc có thể thay đổi.
Vụ tự tử của đã dấy lên những lời chỉ trích của dư luận về cách thức cảnh sát Canada xử lý các cáo buộc hiếp dâm tập thể cũng như đặt ra các câu hỏi về việc liệu họ có được trang bị đủ các công cụ cần thiết để chống lại nạn ức hiếp trên mạng internet.
Vụ việc cũng đã buộc nhà chức trách Canada phải xem xét lại các đạo luật về quản lý các thông tin trực tuyến. Bộ trưởng tư pháp tỉnh Nova Scotia Ross Landry trong một tuyên bố cho biết, giới chức tỉnh này đã chính thức áp dụng các điều khoản sửa đổi, bổ sung của Đạo luật an toàn không gian mạng.
Theo luật được áp dụng ở tỉnh Nova Scotia, các nạn nhân bị quấy rối trên mạng có thể nộp đơn yêu cầu nhà chức trách bảo vệ họ, hoặc đề nghị cảnh sát giúp nhận dạng những kẻ có hành vi hăm dọa trên internet. Cũng theo đạo luật này, các nạn nhân có thể kiện những đối tượng có hành vi đe dọa. Trong trường hợp người có hành vi quấy rối, hăm dọa trên internet là người vị thành niên thì cha mẹ của chúng sẽ phải chịu trách nhiệm thay.
Cảnh sát trưởng Blais cho hay giới chức Canada đang xem xét lại cách thức cảnh sát tiến hành các cuộc điều tra có liên quan đến internet cũng như cách thức thu thập thông tin trong những vụ việc này.
“Các phương tiện truyền thông sẽ được chú trọng trong các cuộc điều tra” – ông Blais nói. Vụ việc cũng thêm một lần nữa cho thấy mặt trái của internet, nơi các vụ việc đe dọa, lăng mạ, tống tiền, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính… đang lan tràn nhưng lại ít bị kiểm soát. Trong một số trường hợp như vụ việc của Parsons, internet thậm chí còn được coi là công cụ của những kẻ giết người.
Minh Tuệ (Theo báo nước ngoài)