Định danh công dân bằng... số?

  Cùng với cấp sổ hộ tịch cá nhân, Dự án Luật Hộ tịch đề xuất xây dựng số định danh công dân. Số định danh này được ghi vào Sổ bộ hộ tịch, Sổ hộ tịch cá nhân và giấy tờ khác của cá nhân theo quy định của pháp luật. Cũng như sổ hộ tịch, để tránh xáo trộn trong đời sống, số định danh chỉ được cấp khi đăng ký khai sinh theo luật mới.  

Cùng với cấp sổ hộ tịch cá nhân, Dự án Luật Hộ tịch đề xuất xây dựng số định danh công dân. Số định danh này được ghi vào Sổ bộ hộ tịch, Sổ hộ tịch cá nhân và giấy tờ khác của cá nhân theo quy định của pháp luật. Cũng như sổ hộ tịch, để tránh xáo trộn trong đời sống, số định danh chỉ được cấp khi đăng ký khai sinh theo luật mới. 

"Số hóa" để định danh công dân sẽ giúp việc quản lý dễ dàng hơn
Số định danh được ghi vào Sổ hộ tịch
Thực tiễn ở Việt Nam trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội hiện nay, chúng ta không căn cứ vào số, mà thường căn cứ vào các yếu tố nhân thân (như tên họ, ngày tháng năm sinh, dân tộc, quốc tịch, quê quán, họ tên cha mẹ…) để phân biệt người này với người khác. Tuy nhiên, việc căn cứ vào các yếu tố nêu trên không phải lúc nào cũng bảo đảm chính xác, đặc biệt nhiều khi rất khó xác định do công tác quản lý còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, việc các cơ quan nhà nước cấp các loại giấy tờ có số liên quan đến công dân (như giấy chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế…) cũng chỉ nhằm sử dụng cho một mục đích nhất định, chứ không phải là loại giấy/số để truy nguyên cá thể. Mặt khác, việc cấp, quản lý, sử dụng các loại giấy có số này cũng không có sự thống nhất, không kết nối được với nhau, nên cũng không góp ích được nhiều trong công tác quản lý nhà nước và xã hội.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nhất là trong điều kiện phát triển của kỹ thuật số hóa như hiện nay, trước yêu cầu của công tác quản lý hộ tịch trong tình hình mới, dự thảo Luật Hộ tịch quy định về việc cấp số định danh cho công dân Việt Nam. Tuy nhiên, để tránh gây xáo trộn, thì chỉ nên cấp số định danh cho công dân Việt Nam khi đăng ký khai sinh theo quy định của Luật mới . Số định danh được ghi vào Sổ bộ hộ tịch, Sổ hộ tịch cá nhân và giấy tờ khác của cá nhân theo quy định của pháp luật. 
"1. Số định danh công dân là số được cấp một lần và duy nhất cho mỗi công dân Việt Nam sinh ra kể từ ngày Luật này có hiệu lực, được ghi vào Sổ bộ hộ tịch, Sổ hộ tịch cá nhân và các giấy tờ khác theo quy định của Chính phủ.
2. Bộ Công an quản lý kho Số định danh công dân và phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc cấp, quản lý Số định danh công dân
(Khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật hộ tịch )

Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’So Phước ủng hộ Chính phủ trong việc xây dựng số định danh công dân. “Đằng sau số định danh đó là hệ thống dữ liệu của một cá nhân bằng hồ sơ gốc lưu tại cơ quan nhà nước, chứ không phải lưu trong sổ. Công dân dùng số định danh này liên hệ trong cuộc sống, các cơ quan tổ chức dùng số định danh đó để biết được công dân đó như thế nào thì tốt quá. Có số định danh người dân bớt đi nhiều loại giấy tờ” - ông Phước nói.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phân vân: Hiện nay, ngành Công an cũng đã triển khai việc cấp mã số công dân, có thêm số định danh công dân có nên không thì phải tính kỹ.
Chỉ cần gõ số, sẽ biết công dân đó thế nào
Theo Ủy ban Pháp luật Quốc hội, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như hiện nay thì việc cấp số định danh công dân là cần thiết, giúp xác định, truy nguyên danh tính công dân được nhanh chóng, chính xác, bảo đảm cho việc quản lý hộ tịch, quản lý xã hội được chặt chẽ phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của các cơ quan, các ngành, các cấp. 
Từ thực tế hiện nay, ở nước ta, người dân được cấp quá nhiều giấy tờ, trong đó có các mã số khác nhau, như số Chứng minh nhân dân, số Hộ chiếu, số Giấy phép lái xe, số thẻ Bảo hiểm y tế, số sổ Bảo hiểm xã hội, mã số thuế thu nhập cá nhân gây nhiều phiền phức… Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ nội hàm của số định danh công dân thế nào, bao gồm những nội dung gì?. Có bảo đảm được quyền bí mật đời tư không…?.
Làm rõ các vấn đề này để tiến tới mỗi người dân chỉ có một mã số quản lý duy nhất dùng chung cho các giấy tờ cá nhân do cơ quan nhà nước cấp, nếu không thì sẽ thêm tốn kém và phiền hà cho người dân. 
Riêng vấn đề dự thảo Luật quy định số định danh công dân chỉ được cấp cho công dân Việt Nam "sinh ra kể từ ngày Luật này có hiệu lực", nghĩa là đối với hơn 87 triệu người dân sinh ra trước đó thì không được cấp số định danh và vẫn được quản lý theo cơ chế cũ, có ý kiến băn khoăn nếu như vậy sẽ không phát huy được tác dụng phục vụ cho yêu cầu quản lý. Do đó, có thể xây dựng một Đề án cụ thể để làm rõ hơn và đảm bảo tính khả thi của quy định này.
Thủy Trâm 

Đọc thêm