Định hướng đào tạo chung nguồn Thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư

(PLVN) -Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư là các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp có mối quan hệ chặt chẽ trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc. Mặc dù đại diện cho các hướng hoạt động khác nhau trong tố tụng nhưng về mặt yêu cầu, kỹ năng nghề nghiệp, các chức danh này có nhiều điểm chung.
Lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư khóa 3 tại TP. Hồ Chí Minh đi kiến tập tại Văn phòng luật sư Lê Nguyễn tại Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh
Lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư khóa 3 tại TP. Hồ Chí Minh đi kiến tập tại Văn phòng luật sư Lê Nguyễn tại Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh

Điểm chung đó thể hiện ở một số điểm như: pháp luật là chuẩn mực, là nội dung và phương tiện hoạt động của các chức danh tư pháp; tính chuyên môn, nghiệp vụ cao trong hoạt động của các chức danh nghề nghiệp; tính độc lập và chế độ trách nhiệm cá nhân cao của các chức danh tư pháp. Mối quan hệ nghề nghiệp giữa các chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư là cơ sở cho việc nghiên cứu, đề xuất mô hình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.

Ngày 08/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2083/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, trong đó việc triển khai thí điểm đào tạo chung nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư được xác định là một giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tạo nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao. Thực hiện Đề án, Học viện Tư pháp đã xây dựng chương trình và triển khai đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Hiện tại Học viện Tư pháp đã và đang đào tạo được 05 khóa tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và đã nhận được những phản hồi tích cực.

Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư được xây dựng theo hệ thống tín chỉ với thời gian đào tạo là 18 tháng (52 tín chỉ), đối tượng đào tạo là người có trình độ cử nhân luật trở lên (bao gồm cả những người đang làm việc tại các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát có nhu cầu tham gia khóa đào tạo).

Chương trình đào tạo gồm 4 khối kiến thức với 15 học phần, cụ thể như sau:

- Khối kiến thức Nghề luật và môi trường nghề luật (04 tín chỉ): Bám sát mục tiêu của Khối kiến thức này là giúp học viên nhận diện, hiểu biết và hình thành khả năng thích ứng với môi trường nghề nghiệp tương lai, khối kiến thức này gồm các bài học về chức năng, nhiệm vụ nghề nghiệp, quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của từng chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; kỹ năng mềm gồm Kỹ năng thuyết trình, tranh luận, lập luận và Kỹ năng viết pháp lý. Trong khối kiến thức này, học viên có 45 giờ kiến tập tại Tòa án, Viện kiểm sát, Văn phòng luật sư.

- Khối kiến thức kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cơ bản (31 tín chỉ)

Mục tiêu của việc đào tạo Khối kiến thức này là trang bị cho học viên kỹ năng nghề nghiệp cơ bản của chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trong lĩnh vực hình sự, dân sự (theo nghĩa rộng), hành chính và tư vấn pháp luật. Các bài học kỹ năng được thiết kế theo module bài học phù hợp với đặc điểm đào tạo nghề luật và tạo nên thương hiệu của Học viện Tư pháp. Theo mô hình này, mỗi bài học đều bắt đầu bằng bài học lý thuyết kỹ năng, sau đó đến thực hành hồ sơ tình huống, tiếp theo là đối thoại và cuối cùng là diễn án.

- Khối kiến thức thực hành nghề (09 tín chỉ)

Khối kiến thức thực hành nghề gồm 09 tín chỉ, được chia thành 03 học phần tương ứng với việc thực hành nghề nghiệp của từng chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư (TT1, TT2, TT3).

- Khối kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu (08 tín chỉ)

Đây là phần đào tạo chuyên sâu với mục tiêu cung cấp tri thức cho học viên nhằm hoàn chỉnh kỹ năng giải quyết vụ án/vụ việc từ vị trí của mỗi chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trên tất cả các phương diện: pháp luật tố tụng, pháp luật nội dung và kỹ năng hành nghề. Những bài học trong giai đoạn này được thiết kế theo hướng tích hợp kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ đối với một số hoạt động nghề nghiệp điển hình của chức danh đó hoặc đối với việc giải quyết loại vụ án (vụ việc) cụ thể theo các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính. Các loại vụ án được lựa chọn là những loại vụ án phổ biến thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện. Học viên chọn chức danh mà mình muốn theo học chuyên sâu (thẩm phán, kiểm sát viên hoặc luật sư) phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân sau đó chọn 02 học phần (thuộc cùng một lĩnh vực hoặc thuộc 02 lĩnh vực khác nhau) trong số các học phần tự chọn của chức danh đó.

Việc thiết kế các bài học trong chương trình đã tính tới những kỹ năng chung của ba chức danh và kỹ năng đặc thù của từng chức danh. Thực tế đào tạo cũng cho thấy học viên khi tốt nghiệp đã được trang bị những kỹ năng cơ bản của ba chức danh này, có thể đáp ứng yêu cầu công việc nếu được bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, công nhận Luật sư. Có thể khẳng định, chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đã tạo thêm cơ hội học tập và lựa chọn, chuyển đổi nghề nghiệp cho những người có khả năng, tâm huyết với nghề Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; tạo điều kiện thực tế thực hiện chủ trương lựa chọn để bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên từ Luật sư, luật gia giỏi, chủ trương chuyển đổi vị trí nghề nghiệp của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư đã xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW; giảm đáng kể chi phí về thời gian và tài chính cho bản thân, gia đình người học và xã hội. Với những ưu thế này, chúng tôi cho rằng mô hình đào tạo chung nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư cần được xác định là giải pháp trọng tâm trong việc thực hiện định hướng mở rộng nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp.

Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo:

Người tốt nghiệp Chương trình Đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư phải đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp sau đây:

Về kiến thức

- Hiểu được vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp khác trong hoạt động nghề nghiệp;

- Hiểu và vận dụng được quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư;

- Hiểu và vận dụng được kiến thức pháp lý trong các lĩnh vực nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư.

Về kỹ năng

- Có kỹ năng nghề nghiệp cơ bản của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư trong giải quyết, tham gia giải quyết vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính; kỹ năng nghề nghiệp cơ bản của luật sư trong lĩnh vực tư vấn pháp luật và giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án;

- Có kỹ năng hành nghề chuyên sâu của thẩm phán, kiểm sát viên hoặc luật sư trong giải quyết, tham gia giải quyết vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính, kỹ năng chuyên sâu của luật sư trong lĩnh vực tư vấn pháp luật và giải quyết tranh chấp ngoài tòa án.

Về thái độ

- Có ý thức tuân thủ pháp luật;

- Có thái độ ứng xử nghề nghiệp phù hợp với quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư.

- Có ý thức thường xuyên học hỏi, cập nhật, tích lũy kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm phục vụ hoạt động nghề nghiệp

Đọc thêm