DN ngoại “làm giá” thức ăn chăn nuôi: Nền kinh tế thiệt hàng nghìn tỷ đồng?

(PLO) - Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, thị trường thức ăn chăn nuôi đang bị “thả nổi” để doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) điều khiển. 
Thị trường thức ăn chăn nuôi đang bị doanh nghiệp FDI thao túng
Thị trường thức ăn chăn nuôi đang bị doanh nghiệp FDI thao túng
Tổng giá trị thị trường chăn nuôi Việt Nam ước trên dưới 8 tỷ USD, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm tới hơn 2/3 giá trị thị trường. Với mức giá cao hơn khu vực khoảng 15%, ước tính nền kinh tế mỗi năm bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. 
Ám ảnh người chăn nuôi
Thống kê cho thấy, giá ngô nhập khẩu tháng 9/2015 giảm khoảng 33% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khác cũng giảm khoảng 30%, từ đầu năm, Bộ Tài chính cũng đưa thuế VAT với thức ăn chăn nuôi về 0% nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn đứng im hoặc giảm không đáng kể. 
TS Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, giá thức ăn chăn nuôi trong nước hiện quá cao so với khu vực và thế giới là một mối nguy lớn của ngành chăn nuôi hiện nay. Ông Khanh cho hay, trong chăn nuôi, giá thành thức ăn chiếm đến 70-75% chi phí đầu vào, nhưng giá thức ăn chăn nuôi Việt Nam luôn cao hơn so với khu vực và thế giới khoảng 10 -15%. 
Đáng chú ý, nguyên liệu sản xuất thức ăn phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu, các loại nguyên liệu giàu đạm như khô dầu đậu tương, bột xương thịt, bột cá Việt Nam phải nhập tới 90%, khoáng chất, vitamin, phụ gia phải nhập khẩu 100%. Không chỉ nhập khẩu nguyên liệu, năm 2013 sản lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trực tiếp cũng tăng, đạt 13 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với năm 2012. 
Ông Khanh chỉ ra một nghịch lý, năm 2014 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 7 triệu tấn với giá trị đạt hơn 3 tỷ USD, trong khi phải nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lên tới 4,8 tỷ USD. Do không chủ động về thức ăn chăn nuôi nên ngành chăn nuôi Việt Nam chịu nhiều rủi ro, như sự không ổn định tỷ giá, ngoại tệ, rủi ro giá cả thế giới lên xuống bất thường.  
“Nhà nước chưa kiểm soát được giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường, giá thức ăn tăng tùy tiện trở thành nỗi ám ảnh thường trực đối với người chăn nuôi. Có nhà khoa học tính rằng, có những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt tỷ lệ lợi nhuận tới 30%. Thái Lan quy định tỷ lệ lợi nhuận tối đa của ngành thức ăn chăn nuôi là 5%, trong khi chúng ta “thả nổi” cho các nhà sản xuất thức ăn quyết định”, ông Khanh nói. 
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, thị trường thức ăn chăn nuôi đang bị điều khiển bởi một số doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp này chiếm thị phần lớn, tập trung thị trường, liên kết định giá, sử dụng hệ thống phân phối thông qua các đại lý độc quyền, thực hiện chiết khấu lớn để cạnh trạnh không lành mạnh với doanh nghiệp trong nước. 
Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng
Hiện cả nước có 239 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó 180 nhà máy là của các doanh nghiệp trong nước, 59 nhà máy là của các liên doanh và doanh nghiệp FDI. Số nhà máy liên doanh và FDI không nhiều song công suất lớn, sản lượng cao, chiếm thị phần lớn hơn nhiều so với doanh nghiệp trong nước. Chỉ tính riêng hai công ty là CP và Cargill đã chiếm gần 30% thị phần thức ăn chăn nuôi. 
Theo các chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp FDI chi phối thị phần càng lớn thì thiệt hại với kinh tế Việt Nam càng nhiều. Tổng giá trị thị trường chăn nuôi Việt Nam ước trên dưới 8 tỷ USD, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm tới hơn 2/3 giá trị thị trường. Với mức giá cao hơn khu vực khoảng 15%, ước tính nền kinh tế mỗi năm bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. 
Ngoài ra, do phải chịu chi phí thức ăn chăn nuôi cao, doanh nghiệp và người nông dân chăn nuôi trong nước đang bị dồn vào thế phá sản khi buộc phải trả chi phí đầu vào cao, không thể cạnh tranh được do chi phí sản xuất của các doanh nghiệp FDI và của các nước trong khu vực rẻ hơn. Vì vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo nếu không khẩn trương phá vỡ thế độc quyền của doanh nghiệp FDI trong sản xuất thức ăn chăn nuôi chắc chắn, số trang trại đóng cửa sẽ ngày càng nhiều. 
Gần đây, một số doanh nghiệp lớn trong nước như: Tập đoàn Hòa Phát, Masan, Cty bảo vệ thực vật An Giang (nay là Tập đoàn Lộc Trời), Thủy sản Hùng Vương… bắt đầu manh nha tham gia thị trường này phần nào cũng tạo ra những hy vọng cho việc phá thế độc quyền đối với doanh nghiệp FDI.  Tuy nhiên, do phụ thuộc hầu như toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu, đối thủ lại quá mạnh, để doanh nghiệp nội lấy lại thị phần ngay không phải là chuyện dễ dàng. 

Đọc thêm