“Tử thần” giấu mặt.
Theo thông tin trong một báo cáo từ Hệ thống cảnh báo (RAPEX) của Liên minh châu Âu tháng 12/2015, danh mục những đồ chơi xuất xứ Trung Quốc chứa chất gây hại cho sức khỏe đã được đưa ra.
Thế nhưng hiện tại, những sản phẩm có tên trong danh mục ấy vẫn đang bày bán công khai, tràn lan trong thị trường Việt Nam như: miếng dán đồ chơi nhựa, vòng đeo tay phát sáng, bộ đồ chơi nấu ăn, phao bơi trẻ em, bong bóng nảy, nhiều mẫu búp bê nhựa, bộ đồ chơi tập lặn,…
Những món đồ phổ biến trong giỏ đồ chơi của trẻ em. |
Theo cảnh báo từ RAPEX, trong các sản phẩm trên, có chứa một số hoạt chất gây hại cho sức khỏe trẻ em như: DEHP, DINP, Boron, Di đều có hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Hầu hết các sản phẩm này đều có chứa DEHP (di-ethylhexyl phthalate) ở mức cao từ 15-32%. Đây là chất độc hại bị cấm sử dụng trong tất cả các sản phẩm đồ chơi và chăm sóc trẻ em. Chất DEHP được RAPEX xác nhận có thể gây hại cho sức khỏe, ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của trẻ.
Việc thường xuyên sử dụng và tiếp xúc với đồ chơi có chứa chất độc hại này, sức khoẻ của trẻ em, cũng như gia đình và người thân sẽ luôn bị “tử thần” đe doạ.
Những mặt hàng đồ chơi được ưa chuộng, được mua và sử dụng nhiều nhất của trẻ em từ trước tới nay lại mang những nguy cơ tiềm ẩn, có thể dẫn tới vô sinh, đã được đưa vào danh sách cảnh báo thu hồi.
Trôi nổi thị trường, bao vây trường học.
Theo ghi nhận của phóng viên, các sản phẩm đồ chơi xuất xứ Trung Quốc có mặt khắp mọi nơi, phổ biến trên thị trường, từ cửa hàng lớn đến nhỏ, đặc biệt ở khu vực gần các trường học.
Tại một cửa hàng đồ chơi gần trường tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), khi chúng tôi hỏi mua đồ chơi để làm quà cho trẻ, chị chủ quán nhanh chóng mời chào một số mặt hàng được ưa chuộng nhất. Quan sát thấy những sản phẩm này được đóng gói bao bì đơn giản, đều in chi chít chữ Trung Quốc và kèm dòng chữ “Made in China”.
Bộ đồ chơi nấu ăn "Made in China" độc hại |
Chúng tôi chọn một bộ đồ chơi nấu ăn và gặng hỏi có loại khác không, vì lo đồ Trung Quốc độc hại không tốt, chị chủ hàng cho biết là không có, lập tức lảng đi và không bán hàng nữa.
Tương tự, tại một số cửa hàng bán đồ chơi trẻ em gần cổng trường tiểu học, mầm non trên địa bàn các quận Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa… đều không khó để tìm được những mẫu đồ chơi trẻ em “hàng Tàu”.
Cầm trên tay 1 xấp miếng dán “made in China” sau giờ tan học, N.N. Linh (học sinh Trường tiểu học Nghĩa Tân) cho biết: “Tập dán nhỏ chỉ 5.000 đồng, miếng dán to thì 10.000 đồng. Em mua về để dán vào hộp bút, vở với cặp sách của mình. Những miếng dán to em dán lên tủ quần áo”.
Một số mẫu miếng dán đồ chơi nhựa của Trung Quốc bị đề nghị thu hồi. |
Chỉ từ vài nghìn cho đến vài chục nghìn đồng, các em có thể dễ dàng mua được món đồ chơi mình thích. Vòng tay phát sáng từ 2.000-5.000 đồng/cái, 5.000-15.000 đồng cho miếng dán đồ chơi các loại, 20.000-50.000 với những bộ đồ chơi nấu ăn, bác sĩ, búp bê Trung Quốc.
Dường như các bậc phụ huynh còn khá chủ quan, bỏ qua những cảnh báo về nguy cơ gây bệnh tiềm ẩn của những sản phẩm đồ chơi độc hại này, khi vẫn để trẻ nhỏ sử dụng, tiếp xúc thường xuyên thậm chí còn mua cho con em mình.
Chị Phạm Liên, giáo viên trường tiểu học Nghĩa Tân chia sẻ, những cửa hàng đó nằm bên ngoài khuôn viên của nhà trường nên khó có cách xử lý. Nhà trường đã tuyên truyền, phổ biến để phụ huynh và học sinh không mua và chơi những đồ chơi độc hại, ăn thực phẩm mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm soát, quản lý một cách chặt chẽ và nghiêm khắc hơn.