Quy định xuất xứ còn lỏng lẻo
Theo Tổng cục Hải quan (TCHQ), từ tháng 1/2018 đến tháng 3/2019, có 90 doanh nghiệp (DN) thực hiện XK gỗ ván ép (có mã HS4412) sang Mỹ, đạt hơn 200 triệu USD. Các đơn hàng XK lớn tập trung từ tháng 8/2018 đến tháng 1/2019.
Liên quan đến mặt hàng gỗ dán XK, Cục Điều tra chống buôn lậu (TCHQ) và các đơn vị liên quan lập kế hoạch, xác minh thông tin liên quan đến các hoạt động sản xuất, XK mặt hàng gỗ dán, tấm gỗ dán veneer và các loại gỗ ghép của 6 DN có sản lượng gỗ sản xuất, XK lớn, có dấu hiệu tăng đột biến.
Qua xác minh và kết quả làm việc với các hộ dân, chính quyền một số địa phương cho thấy một số vấn đề nổi lên liên quan đến vi phạm trong việc DN lập hồ sơ xin cấp C/O khi 4 trong số 6 DN này có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo đó, các DN đã thừa nhận không mua nguyên liệu gỗ bạch đàn, gỗ keo từ các hộ dân ghi trong hợp đồng. DN sử dụng hợp đồng mua bán nguyên liệu ký khống, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong một số bộ hồ sơ xin cấp C/O là giả, mục đích hợp thức hồ sơ đầu vào để làm thủ tục xin Giấy chứng nhận xuất xứ tại Việt Nam cho các lô hàng sản xuất để bán cho DN khác XK hoặc trực tiếp XK.
Bên cạnh đó, có tình trạng DN sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) mua keo, bột mỳ dùng cho nhiều tờ khai để làm hồ sơ xin cấp C/O mà tổng số lượng keo và bột mỳ trong các tờ khai vượt quá số lượng so với số lượng keo, bột mỳ trên hóa đơn GTGT đầu vào. Điển hình trong số này, có DN nhập sản phẩm từ nước ngoài nhưng không khai báo trong hồ sơ cấp C/O.
Một số hồ sơ xin cấp C/O của một DN cho các lô hàng XK của DN này (do các DN SX cung cấp), có sử dụng các giấy tờ không hợp pháp, một số giấy tờ có dấu hiệu làm giả. Đáng chú ý là trong năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, DN này đã XK hơn 27 ngàn m3 các mặt hàng gỗ dán, tấm gỗ dán, trị giá gần 406 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu (TCHQ), việc quy định về xuất xứ theo tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp 6 số đối với một số trường hợp là tương đối lỏng lẻo.
Cụ thể, đối với các mã hàng việc chuyển đổi mã số từ 4412.39 (nguyên liệu NK) sang mã 4412.33/ 4412.34 chỉ cần qua công đoạn rất đơn giản.
Đó là từ mã hàng 4412.39 (NK) có thể ép chồng thêm ít nhất 01 lớp ván ép mã 4412.94 (NK) hoặc sản phẩm có dán mặt bằng lớp ván bóc mã 4408.90/10 (NK) hoặc dán lớp gỗ ván ép có nguồn gốc Việt Nam (không phải là gỗ thông hoặc cây lá kim) thì sản phẩm đầu ra sẽ được khai báo vào mã 4412.33/ 4412.34. Như vậy hàng hóa đã được xác định là xuất xứ Việt Nam vì đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã hàng hóa ở cấp 6 số (CTSHP).
Giải pháp nào?
Trước những thách thức không chỉ đối với các mặt hàng nông sản XK mà cả hàng hóa khác XK, nhất là sang thị trường Mỹ, mới đây trả lời trực tuyến, ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng TCHQ cho rằng, Chính phủ và các cơ quan chức năng đang triển khai quyết liệt nhiều biện pháp.
Trước hết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc chống gian lận xuất xứ, chống chuyển tải bất hợp pháp nhằm bảo vệ thương hiệu, uy tín của hàng hoá Việt Nam trên trường quốc tế, bảo vệ, hỗ trợ phát triển các nhà sản xuất Việt Nam.
Thứ hai, các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.
Thứ ba, cơ quan Hải quan đã tập trung lực lượng tiến hành điều tra sâu đối với gian lận xuất xứ trong một số ngành hàng cụ thể như: Thép, gỗ, hải sản, xe đạp, pin năng lượng...
Cơ quan Hải quan đã xây dựng kế hoạch hành động từ cấp Tổng cục tới các chi cục, trong đó phân định rõ vai trò, trách nhiệm của từng khâu công việc cụ thể nhằm kiểm soát chặt chẽ, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Cùng với đó, Hải quan Việt Nam sẽ tập trung phân tích các ngành hàng, mặt hàng có kim ngạch tăng đột biến để so sánh với quy mô, khả năng của sản xuất trong nước nhằm loại bỏ các mặt hàng từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam lấy xuất xứ để XK sang nước thứ ba, cạnh tranh không lành mạnh với các nhà sản xuất trong nước.
“Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là thành quả của Nhà nước dành cho các nhà SX và thương mại Việt Nam, do vậy, không thể chia sẻ hay bị đánh mất vào tay các nhà SX nước ngoài. Để làm được việc này, cơ quan Hải quan cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý, cấp xuất xứ hàng hoá cũng như sự lên tiếng của các nhà SX trong nước nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”, ông Thành nói.