Xét xử vụ án trùm gỗ lậu Phượng “Râu”: Người chủ mưu không bị đề nghị mức án cao nhất

(PLVN) - TAND tỉnh Đắk Nông vừa đưa ra xét xử vụ án trong đường dây khai thác, vận chuyển gỗ lậu do Phan Hữu Phượng (tức Phượng “Râu”, SN 1967, ngụ huyện Cư Jút) cầm đầu.  
Các bị cáo trong vụ án
Các bị cáo trong vụ án

25 bị cáo, 4 tội danh

Ngày 16/9/2019, vụ án ông trùm gỗ lậu Phượng “Râu” được đưa ra xét xử sơ thẩm. Phiên tòa có 25 bị cáo được xét xử với 4 tội danh “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cáo trạng thể hiện, ngày 9/1/2017, Công ty Thảo Trúc của Nguyễn Thành Kiệt (ngụ huyện Cư Jút) và Phượng “Râu” trúng đấu giá hơn 640 m3 gỗ từ nhóm II-VI. Phượng cùng Kiệt lợi dụng việc vận chuyển gỗ đấu giá để chở thêm gỗ bất hợp pháp mua tại Vườn quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) đưa về Cư Jút để tiêu thụ.

Ngày 8/3/2017, Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn, Vườn quốc gia Yok Đôn và Đồn biên phòng 747 đóng dấu búa kiểm lâm số gỗ Kiệt và Phượng trúng đấu giá. Biết tin này, Phượng giao Nguyễn Hoàng Trang (ngụ Khánh Hòa) liên hệ Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn đưa 120 triệu đồng “bồi dưỡng” cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Kiệt sau đó giao Phan Hữu Quyền (em của Phượng) và Lê Văn Chinh (ngụ huyện Cư Jút) mua thêm gỗ lậu. Căn cứ sổ ghi chép và dữ liệu trong máy tính của Trang: Từ 10/4/2017 đến 27/4/2018, Phượng “Râu” cùng đồng phạm vận chuyển hơn 1.400m3 gỗ các loại. Trong đó, gỗ hợp pháp là 531 m3, gỗ bất hợp pháp hơn 918 m3.

Đến ngày 27/4/2018, khi hai xe tải của Phượng chở gỗ về kho ở huyện Cư Jút thì bị Bộ Công an và Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp bắt quả tang, thu hơn 44 m3 gỗ không có giấy tờ. Sau khi khám xét các kho bãi tại huyện Cư Jút, cơ quan chức năng còn thu giữ hơn 534 m3 gỗ bất hợp pháp. Tổng khối lượng gỗ lậu được cơ quan điều tra thu giữ hơn 632 m3 (trị giá trên 3 tỷ đồng).

Để có vận chuyển gỗ bất hợp pháp từ Vườn quốc gia Yok Đôn về huyện Cư Jút mà không bị kiểm lâm bắt giữ, Phượng và đồng phạm đã tìm cách hối lộ cho nhiều cán bộ.

Bị cáo Phượng
Bị cáo Phượng

Lập luận “khó nghe” của Đội trưởng kiểm lâm cơ động

Tại phiên tòa, Phượng cho biết, bị cáo đã giao cho nhân viên Trang đưa tiền lót tay cho cán bộ kiểm lâm. Số lượng và thời điểm đưa tiền này đều do Trang quyết định và ghi vào một quyển sổ.

Trang khai nhận đã đưa tổng cộng 120 triệu đồng “bồi dưỡng” cho lãnh đạo, cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn để được đóng dấu búa kiểm lâm vào số gỗ bất hợp pháp mới khai thác. Ngoài ra, Trang còn khai đã chung chi cho Lê Quang Thái, Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy số 1 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông số tiền 250 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Trạm kiểm lâm số 10 Vườn quốc gia Yok Đôn và Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1 thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil nằm trên đường đi của xe gỗ lậu nên cũng được chung chi hàng chục triệu đồng để xe “lọt trạm”.

Trước HĐXX, bị cáo Thái cho biết, do làm nhiệm vụ tại khu vực Đắk Mil, Cư Jut nên có quen biết Phượng. “Nhóm của Phượng thông qua Trang nhiều lần bồi dưỡng tiền cho anh em trà thuốc chứ bị cáo không yêu cầu”, Thái nói.

Nhóm nguyên cán bộ kiểm lâm, bảo vệ rừng liên quan đến vụ việc cũng cho rằng, không ai sách nhiễu, yêu cầu nhóm của Phượng đưa tiền, mà đây là do trong quá trình quen biết, qua lại nên khi làm ăn có lời Phượng “biếu, bồi dưỡng cho anh em chứ không phải chung chi”.

Bị cáo Bùi Đăng Hiệp – Trạm trưởng Trạm kiểm soát số 1 thuộc Công ty Lâm nghiệp Đắk Wil – khai có nhận 8 triệu đồng từ đường dây gỗ lậu của Phượng. Tương tự, Hiệp cho rằng đó “không phải tiền hối lộ mà là tiền Phượng bồi dưỡng anh em sinh hoạt, ăn uống”.

Còn bị cáo Nguyễn Tấn Bình, nguyên Trạm trưởng Trạm kiểm soát số 10 (Vườn Quốc gia Yok Đôn), cho biết việc để gỗ lậu của Phượng vượt trạm là bởi mình quá chủ quan, không làm hết chức trách. Bình khai nhận tiền từ Phượng hai lần, mỗi lần 5 triệu đồng.

Nhận xét lời khai của các bị cáo, HĐXX nhận định bị cáo Thái và nhiều bị cáo khác từng công tác trong ngành kiểm lâm khai báo không thành khẩn. Việc nhận tiền từ Phượng có tác động tới việc hàng trăm chuyến xe gỗ của nhóm đối tượng này trót lọt qua các khu vực kiểm tra.

Án tù giam cho nhiều bị cáo

Sáng 18/9, phiên tòa bị tạm hoãn vì bị cáo Kiệt kêu đau đầu phải đi cấp cứu. Một ngày sau đó, HĐXX tuyên án. Theo tòa, hành vi của bị cáo gây ra đã trực tiếp gây thiệt hại cho Nhà nước, làm thu hẹp diện tích rừng tự nhiên, đồng thời còn là một trong những nguyên nhân khiến con người phải hứng chịu ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan và ngày càng khốc liệt, như bão lụt, lũ quét, lở đất, gây nên sự mất cân bằng sinh thái, dẫn đến sự biến đổi khí hậu thất thường và phát sinh nhiều loại dịch bệnh, chính vì vậy nên cần phải xử lý nghiêm, cần phải cách ly một số bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian nhằm mục đích răn đe chung, thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp.

Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng hình phạt, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Phan Hữu Phượng 8 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thành Kiệt 8 năm tù, Nguyễn Hoàng Trang (trú tại tỉnh Khánh Hoà) 6 năm tù về các tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, “Đưa hối lộ”. Các bị cáo khác bị tuyên phạt từ 2 – 7 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Bùi Văn Khang (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) 2 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Riêng bị cáo Hà Thăng Long (công tác tại Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) bị xử phạt 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 3 năm. Ngoài án phạt tù, cấm các bị cáo đảm nhiệm các chức vụ trong thời hạn 3 năm sau khi chấp hành xong án phạt.

Đọc thêm