Đỗ Thị Nhàn “tung” nhiều chứng cứ nói cấp trên chỉ đạo sửa báo cáo về Ngân hàng SCB

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 14/3, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục phần xét hỏi của luật sư đối với các bị cáo trong “đại án” xảy ra tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (Trưởng đoàn Thanh tra) có 5 luật sư bào chữa thì có tới 4 luật sư trực tiếp tham gia xét hỏi.

Các luật sư của bị cáo Nhàn đã hỏi nhiều nội dung liên quan tới vị trí, vai trò, trách nhiệm của Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước). Hầu hết các nội dung mà luật sư phía bị cáo Nhàn đưa ra đều bị ông Hưng từ chối trả lời hoặc nói đã trả lời trước đó. Đặc biệt, bị cáo Hưng phủ nhận hoàn toàn việc đã chỉ đạo bị cáo Nhàn chỉnh sửa, làm sai lệch số liệu, tình trạng sai phạm của Ngân hàng SCB.

Đối đáp lại, bị cáo Nhàn nhiều lần khẳng định, chính ông Hưng là người trực tiếp chỉ đạo bị cáo phải chỉnh sửa báo cáo này theo hướng có lợi cho SCB, không đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt cũng như các vấn đề sai phạm tại SCB nên bị cáo phải làm theo. Sau đó, bị cáo chỉ đạo cấp dưới phải chỉnh sửa theo chỉ đạo của ông Hưng. Bị cáo Nhàn mong muốn HĐXX xem xét cho các bị cáo cấp dưới của mình vì họ chỉnh sửa cũng chỉ theo chỉ đạo của mình, chứ họ không phải do họ tự sửa.

Bị cáo Nhàn chứng minh, dù ông Hưng không thừa nhận chỉ đạo bị cáo sửa kết quả thanh tra nhưng cáo trạng đã kết luận việc này là ông Hưng chỉ đạo bị cáo. Chứng cứ quan trọng nhất là báo cáo của Đoàn Thanh tra hoàn thành ngày 11/1/2018, có tờ trình số 18,19 về toàn bộ quá trình thanh tra. Các tờ trình này rất rõ ràng, đảm bảo minh bạch trong thanh tra. Đoàn Thanh tra có đề nghị ông Hưng thành lập bộ phận độc lập với Đoàn Thanh tra xây dựng dự thảo nhưng ông Hưng vẫn để nguyên. Ông Hưng đã chỉ đạo bị cáo phải sửa số liệu liên quan chỉ số an toàn của Ngân hàng SCB và bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới như cáo trạng đã truy tố.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Trình bày thêm tại phiên tòa về vai trò, trách nhiệm của bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo Nhàn cho rằng, cổ phần của bà Lan và gia đình là khoảng 15% và nhận ủy quyền của bạn bè là trên 65%. Do nắm trên 65% cổ phần (cả ủy quyền) nên bà Lan có quyền chi phối, điều hành, quyết định hoạt động tại Ngân hàng SCB, nếu không có sự đồng ý của bà Lan thì không thể làm được.

Trước đó, trả lời HĐXX, bị cáo Nhàn cho rằng, không muốn nhận hối lộ 5,2 triệu USD nhưng do Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) làm khó nên nhận trong tâm thế thụ động, miễn cưỡng. Nhiều lần bị cáo muốn trả, gọi Văn tới nhận về nhưng Văn không đến. Khi bị HĐXX chất vấn, thụ động mà nhận tới 4 lần, bị cáo Nhàn im lặng.

Theo thông báo, buổi chiều cùng ngày, HĐXX sẽ xét hỏi đối với các bị hại và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Khi các luật sư hỏi bị cáo Đỗ Thị Nhàn về mong muốn của gia đình là xin được trả lại 2 Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, bị cáo này cho biết, từ khi bị bắt đến nay chưa gặp gia đình nên không biết gia đình đã khắc phục những gì. Tuy nhiên, qua cáo trạng, bị cáo được biết là đã nộp lại 4,8 triệu USD và hơn 10 tỷ đồng (tổng tương đương với số tiền bị cáo buộc nhận hối lộ là 5,2 triệu USD). Nay bị báo được biết thêm, ngoài số tiền đó, gia đình bị cáo còn bị kê biên 2 sổ đất nên bị cáo mong muốn HĐXX xem xét cho gia đình được nhận lại 2 sổ đất đó vì 1 sổ của gia đình và một sổ của người thân. Bị cáo hối hận, xấu hổ vì suy nghĩ không thấu đáo mà dính vòng lao lý, lại còn làm liên lụy người thân nên rất mong được tha thứ.

Đọc thêm