Đổ xô đi chợ... trong siêu thị

Tại TP HCM, các siêu thị bán lẻ của hệ thống Co.op mart, Big C, Maximax, Satra... bỗng dưng kẹt cứng từ đầu tháng 11 đến nay, khiến khách hàng luôn trong tình trạng mướt mồ hôi chọn lựa hàng hóa, tính tiền.
Tại TP HCM, các siêu thị bán lẻ của hệ thống Co.op mart, Big C, Maximax, Satra... bỗng dưng kẹt cứng từ đầu tháng 11 đến nay, khiến khách hàng luôn trong tình trạng mướt mồ hôi chọn lựa hàng hóa, tính tiền. Tâm lý “bỏ chợ, yêu siêu thị” đã khiến các quầy thu ngân ở nhiều siêu thị đông nghẹt người xếp hàng dài đứng đợi từ đầu đến cuối tuần. Chị Yên, nhà ở Bình Thạnh, đã phải bỏ lại xe hàng dù trước đó cất công chọn lựa hơn 1 giờ đồng hồ, chỉ vì... chờ không tới lượt mình. “Để né giờ... cao điểm, nhiều bà nội trợ đưa ra sáng kiến tranh thủ buổi trưa nghỉ làm để đi siêu thị mua rau, thịt, hàng tiêu dùng”, chị Xuân, nhân viên một công ty ở quận 3, cho biết.Giá rẻ hơn ngoài chợ Siêu thị vốn được biết đến là nơi dành cho người khá giả nhưng thời điểm này, nhiều mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là rau củ quả, thịt cá lại rẻ hơn ngoài chợ. Chị Linh, nhà ở đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, cho biết: hằng ngày chị vẫn mua thịt, rau tại chợ nhỏ gần nhà, nhưng đầu tuần trước, tình cờ vào Co.op mart Phan Xích Long sắm đồ, thấy giá một số loại rau củ, trái cây rẻ hơn ngoài chợ rất nhiều khiến chị không tin vào mắt mình. Theo chị Linh, giá thịt ngoài chợ cao hơn giá bán ở siêu thị hơn 10.000 đồng một kg tùy loại; còn rau củ, trái cây, các loại nước mắm, dầu ăn tính ra chênh hơn giá siêu thị có loại tới gần 20.000 đồng.
Siêu thị ngày càng tấp nập khách mua hàng. (Ảnh: TNLinh)
Hệ thống siêu thị Co.opMart đang khuyến mãi 800 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, với mức giảm giá 50%. Trong đó, nhóm hàng gia dụng, thực phẩm, sữa, may mặc ưu tiên giảm nhiều nhất. Còn tại BigC, từ 17.11 - 24.12.2010, có 3 chương trình khuyến mãi mới, theo 3 chủ đề: “Mua sắm giá rẻ”, “Mua hàng giá rẻ - vui đón Giáng sinh”, và “ Wah! chất lượng giá rẻ”, áp dụng cho hơn 1300 mặt hàng, với mức giảm giá từ 5 - 45%.
Tìm hiểu thực hư chuyện này, có mặt tại chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, chúng  tôi ghi nhận giá của một số loại rau quả đã tăng 5 - 15% so với hồi đầu tháng 11. Theo đó, giá bắp cải từ  6.000 - 9.000 đồng một kg (tăng 3.000 đồng), khoai tây Đà Lạt từ 19.800 - 35.000 đồng một kg (tăng 15.200 đồng), chuối từ 9.000 - 12.000 đồng (tăng 3.000 đồng), dầu ăn Tường An từ 37.500 - 43.000 đồng mỗi chai (tăng 5.500 đồng)… Chủ một sạp trái cây tại chợ này than: giá quá cao khiến khách mua giảm gần phân nửa so với 1 - 2 tháng trước. Tuy nhiên, chị vẫn bán nho Mỹ đỏ cho khách với giá 120.000 đồng một kg, trong khi tại các siêu thị, giá mặt hàng này là 78.000 - 79.000 đồng.Giá vàng, USD + mùa Tết: đẩy giá chợ tăng cao? Khi được hỏi nguyên nhân giá chợ cao hơn siêu thị, một tiểu thương tại chợ Bà Chiểu cho biết: do chợ ít người mua, lượng hao hụt nhiều nên phải đẩy giá lên nhằm bớt lỗ. Ngoài ra, một lý do khác được các sạp bán lẻ vin vào là giá vàng, đô la tăng và... mùa Tết. Theo quan sát của chúng tôi, lý do khiến lượng người đổ xô vào siêu thị tăng lên lúc này, là do cuối năm, nhu cầu mua sắm tăng mạnh. Tâm lý mua hàng trữ, nhằm tránh bão giá trước Tết cũng bắt đầu xuất hiện. Chị Hương, ngụ quận 10, chia sẻ: “Theo kinh nghiệm, càng gần Tết Nguyên đán, giá cả càng tăng, nên với một số mặt hàng có thể dự trữ được, như dầu ăn, sữa, thực phẩm khô, tôi tranh thủ mua lượng lớn, để dùng trong một thời gian. Lúc này, mua nhanh, đủ và thuận nhất là vào siêu thị”. Hệ thống siêu thị Big C TP.HCM xác nhận, lượng khách đã bắt đầu tăng so với cách đây hai tuần, khiến sức mua tăng lên. Big C đã chuẩn bị hàng cho mùa kinh doanh này hơn nửa tháng, để tránh biến động giá cuối năm. Saigon Co.op cũng chuẩn bị cho cao điểm mua sắm với nguồn hàng là 150.000 tấn các loại. Trong đó, hàng bình ổn giá là 30.000 tấn, bao gồm lương thực, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả...Hà Nội: phải áp dụng "chiêu độc" Nhiều siêu thị tại Hà Nội buộc phải áp dụng "chiêu độc" để hạn chế sức mua của khách, nhằm tránh nạn đầu cơ hàng. Tại siêu thị Big C Thăng Long, mỗi khách hàng được khuyến cáo chỉ mua không quá 4 kg một ngày.
Một số siêu thị quy định bán đường bình ổn với số lượng nhất định đã khiến người dân bức xúc. (Ảnh: Nguyễn Huệ)
Trong khi đó, siêu thị Fivimart cũng chỉ cho phép mỗi khách hàng được mua hai gói đường mỗi ngày. Thậm chí, thông tin này còn được ghi rõ ràng bằng giấ màu vàng đính trên kệ bày hàng để người tiêu dùng khỏi "mừng hụt". Quy định khắt khe này khiến không ít khách hàng ngán ngẩm. Cô Thanh, trú tại Hoàng Mai than thở: “Tôi không có ý định mua đường để đầu cơ nhưng vì lo Tết nhất sắp đến gần, giá cả còn leo thang, lương công nhân viên chức lại có hạn nên buộc phải sắm hàng dần. Đã mang đi nhiều tiền để mua tích trữ cho nhà dùng nhưng đành về không". Còn chị Lan ở Cầu Giấy thì do không để ý nên đành phải tiếc nuối trả lại hàng sau khi hồ hởi nhặt và khệ nệ chuyển ra tận quầy thanh toán. Chị băn khoăn: "Thế này thì nhiều người bị "oan". Như tôi đây là mua hộ cho nhiều người gửi, lại cũng không có ý định đầu cơ rồi bán ra thị trường làm gì, nhưng vẫn ở vào thế "tình ngay, lý gian", không được mua hàng".
Theo Đất Việt

Đọc thêm