Nhiều người Hàn Quốc đổ xô đi phẫu thuật gọt cằm, bất chấp việc quá trình phẫu thuật này sẽ gây ra đau đớn kéo dài và những hậu quả khôn lường.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ quốc tế, Hàn Quốc là một trong những nước có tỉ lệ người phẫu thuật thẩm mỹ cao nhất trên thế giới, với khoảng 20% phụ nữ tại nước này đã đụng đến dao kéo để có được vẻ ngoài ưng ý hơn.
|
Một phụ nữ Hàn Quốc đi qua tấm biển quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ. |
Để cạnh tranh lẫn nhau, các chuyên gia về thẩm mỹ thường xuyên phải tăng cường các thủ thuật đặc biệt hơn, mà những đối thủ không có để thu hút khách, ví dụ như phẫu thuật gọt hàm.
Thông thường, phẫu thuật chỉnh sửa hàm được chỉ định đối với những người bị dị tật trên khuôn mặt hay những người không thể nhai được do cấu trúc cơ hàm. Thế nhưng nhiều người ở Hàn Quốc lại đang viện đến loại hình phẫu thuật này để có được chiếc cằm hình chữ V ưng ý.
“Cuộc phẫu thuật dạng này thay đổi diện mạo của bạn hơn nhiều so với việc tiêm botox hoặc nâng mũi vì nó thay đổi toàn bộ cấu trúc xương trên khuôn mặt”, ông Choi Jin-Young, một giáo sư trong lĩnh vực nha khoa tại trường đại học Seoul, cho hay.
Giáo sư Choi cũng cho biết, phẫu thuật giúp làm nhỏ mặt là một cuộc phẫu thuật rất phức tạp và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Hiện chưa có một thống kê chính thức nào về số ca phẫu thuật gọt cằm đã được thực hiện tại Hàn Quốc nhưng theo kết quả một cuộc khảo sát mới được công bố, mỗi năm có khoảng 5.000 người tại “xứ củ sâm” đổ xô đi gọt mặt.
Trong số này, có đến 52% những người từng trải qua quá trình phẫu thuật cho biết họ đã gặp phải nhiều vấn đề, ví dụ như tê mặt hay liệt hàm.
Luật sư Shin Hyon-Ho, chuyên về các trường hợp sơ suất trong lĩnh vực y tế tại Seoul cũng cho hay trong thời gian qua, ông đã làm việc với rất nhiều trường hợp bị đau hàm, lệch miệng, lệch răng…, sau phẫu thuật gọt hàm.
Cá biệt, tháng 8 năm ngoái, một nữ sinh viên 23 tuổi đã tự tử sau khi gọt cằm. Bức thư tuyệt mệnh cô gái để lại đã kể lại chi tiết nỗi tuyệt vọng của cô khi không thể nhai được đồ ăn hay không thể ngừng khóc vì những tổn thương ở tuyến lệ.
Trước thực trạng này, một nhà làm luật tại Seoul đã đề xuất việc xác định độ tuổi nhỏ nhất được tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ, đặc biệt là vì mối nguy hiểm trong các ca phẫu thuật có liên quan đến xương.
Tuy nhiên, giáo sư xã hội học Lim In-Sook tại trường đại học Hàn Quốc lại cho rằng luật pháp sẽ không thể giải quyết được gốc rễ những nguyên nhân khiến phụ nữ nước này đem cả sức khỏe của mình ra đánh cược với mong muốn có một khuôn mặt đẹp hơn.
“Ở đất nước mà nam giới đang chiếm ưu thế, người phụ nữ cần phải có cả trí tuệ và sắc đẹp hoặc nhiều khi sắc đẹp còn quan trọng hơn trí tuệ mới kiếm được việc làm, kết hôn và tồn tại”, ông Lim nói.
Theo ông Lim, phẫu thuật thẩm mỹ đã trở thành cách mà nhiều người chấp nhận để tồn tại trong xã hội cạnh tranh cao như ở Hàn Quốc. “Vì thế mọi bộ phận trên cơ thể chúng ta đều trở thành mục tiêu để cắt xén. Hôm nay là phần cằm nhưng ai biết được rằng ngày mai chúng ta sẽ phải chỉnh sửa gì”, ông Lim hóm hỉnh.
Minh Ngọc (theo báo nước ngoài)