Dọa chết giả, mất mạng thật

Khoảnh khắc bàn tay tê dại không thể giữ được thang dây nên rơi hun hút từ độ cao hàng chục mét hun hút xuống mặt nước rồi mất mạng vào trưa ngày 28/6 vừa qua tại cầu Bãi Cháy, chắc chắn Lê Thanh Phong (29 tuổi, ngụ khu phố 1, phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) không muốn chết. “Thói quen” treo mình trên cầu, dùng tính mạng để đe dọa người thân mong đạt mục đích nào đó đã khiến nạn nhân phải trả giá quá đắt.

[links()] Khoảnh khắc bàn tay tê dại không thể giữ được thang dây nên rơi hun hút từ độ cao hàng chục mét xuống mặt nước rồi mất mạng vào trưa ngày 28/6 vừa qua tại cầu Bãi Cháy, chắc chắn Lê Thanh Phong (29 tuổi, ngụ khu phố 1, phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) không muốn chết. “Thói quen” treo mình trên cầu, dùng tính mạng để đe dọa người thân mong đạt mục đích nào đó đã khiến nạn nhân phải trả giá quá đắt.

Cầu Bãi Cháy
Cầu Bãi Cháy

Thua cá độ hay lụy tình?

Về địa phương nơi nạn nhân sinh sống để tìm hiểu lý do khiến cậu thanh niên mới 29 tuổi mà đã tuyệt vọng đến mức phải tìm đến cái chết, tại đây vẫn còn nhiều dư luận trái chiều. Một số người dân cho biết Phong chơi cờ bạc nổi tiếng khu phố khiến nợ nần chồng chất, rồi treo mình lên cầu dọa dẫm để cha mẹ phải trả nợ thay.

Một số người cho rằng Phong có nghề lái xe nhưng lại không chí thú làm ăn, trước có lái taxi nhưng chê công việc vất vả, kiếm ít tiền nên cậu ta nhanh chóng bỏ nghề; rồi xin làm lái xe cho một công ty liên doanh. Thu nhập khá nên cậu chơi cờ bạc càng bạo tay, thua đến độ liều lĩnh mang cả xe công ty cầm đồ lấy 80 triệu đồng trả nợ.

"Nghe nhiều người nói, vụ EURO này nó lại thua nhiều nên đòi mẹ bán nhà cho tiền. Yêu sách không được đáp ứng nên nó ra cầu treo mình dọa chết, mục đích là “nã” tiền nhà, ai ngờ dọa lại thành thật", một người dân cho biết.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Phương (73 tuổi), Tổ trưởng khu phố nơi nạn nhân sinh sống lại cho rằng Phong là một thanh niên ngoan ngoãn trong khu phố, có việc làm ổn định, không nghiện hút, chưa hề có tiền án tiền sự; chưa bao giờ thấy Phong nợ nần những người sống ở xung quanh.

Bà Phương giải thích rằng nếu là người chơi cờ bạc dẫn đến nợ nần thì dù ít dù nhiều cũng có chuyện vay mượn tiền bạc của hàng xóm. Nhưng bà chưa khi nào thấy có người đến đòi nợ gây nên những việc mất trật tự trong khu phố. Bà Phương chia sẻ: "Vụ tự tử diễn ra trùng với thời điểm những trận cuối của giải EURO, mà thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến cá độ bóng đá nên dư luận có những đồn thổi áp đặt, đoán mò".

Tìm đến nhà nạn nhân khi gia đình vừa làm xong buổi lễ cầu siêu, người cha công nhận đang có những thông tin trái chiều về việc con trai ông tìm đến cái chết: "Mấy hôm vừa rồi, người nhà tôi đi đâu cũng nghe những đồn thổi về thằng Phong. Mọi người cũng bức xúc lắm nhưng đâu thể giải thích cho xuể với dư luận. Và điều quan trọng nhất là tính mạng thì con trai tôi  cũng không giữ được rồi".

Người cha đau khổ cho biết, Phong là con trai duy nhất trong nhà, sau cậu có một cô em gái. Tốt nghiệp bậc phổ thông, Phong đi học cao đẳng nấu ăn ở Hải Dương, tốt nghiệp nhưng không tìm được công việc phù hợp với ngành học nên tiếp tục xin bố mẹ cho đi học lái xe. Một thời gian lái taxi để "cứng" tay lái, Phong được nhận vào làm việc ở Nhà hát Việt Nhật (đóng trên địa bàn TP Hạ Long). Bố nạn nhân khẳng định: "Không có chuyện con tôi cờ bạc đến phải cầm cố cả ô tô của công ty ".

Giải thích về nguyên nhân vụ việc, người cha chia sẻ: "Con trai tôi là đứa lụy tình". Theo người cha, Phong mới lập gia đình khoảng gần một năm nay, vợ sống ở Cẩm Phả, làm kế toán cho một công ty ở Bãi Cháy. Thời gian đầu, đôi vợ chồng trẻ sống khá hạnh phúc nhưng sau đó "cơm không lành, canh không ngọt", hai người ly thân. Thực chất Phong vẫn rất yêu vợ, thấy căng thẳng đến mức vợ có ý định muốn ly dị nên cậu nghĩ quẩn, mới có "hạ sách" như thế. Người cha nhớ lại: "Lúc treo mình ở thành cầu, con trai tôi chỉ một mực đòi gặp vợ để nói chuyện. Con tôi không hề yêu sách mẹ phải bán nhà".

"Giá mà dụng cụ cứu hộ hiện đại hơn"?

Không mấy quan tâm đến dư luận sai trái quanh vụ con trai mình tự tử nhưng người cha đau đớn vì một lẽ khác, ông cúi mái đầu tóc đã bạc gần hết: "Con tôi dại dột thì thiệt thân. Cơ quan chức năng cũng đã nhiệt tình, nhưng giá mà dụng cụ cứu hộ tốt hơn thì có lẽ nó đã không phải chết".

Theo người cha, khi được cấp báo rằng con mình đang treo mình trên cầu dọa tự tử, ông cùng một số người nhà lao đến hiện trường. Những nhân chứng trên cầu cho biết con ông đã treo mình ở đó từ khoảng 13h. Lúc này trên mặt cầu xuất hiện hầu hết các lực lượng chức năng: Công an Hạ Long, Công an phường Hồng Gai, cảnh sát 113, cảnh sát giao thông và đội bảo vệ cầu Bãi Cháy.

Rất nhiều biện pháp cứu hộ đã được đưa ra. Cơ quan chức năng một mặt yêu cầu người nhà tìm cách nói chuyện động viên, an ủi, tìm hiểu nguyên nhân muốn tự tử để đáp ứng kịp thời; mặt khác thả thang dây, thang sắt xuống chỗ Phong treo mình, sẵn sàng khi nạn nhân đổi ý thì bám vào đó để được kéo lên. Sau khi biết ý định của Phong là muốn gặp vợ, người nhà lập tức gọi điện và cô gái hớt hải chạy đến.

Ở trên cầu, người vợ trẻ van xin chồng trèo lên, cô chấp nhận tha thứ và sẵn sàng trở về chung sống. Lúc này nạn nhân đã có ý định muốn sống, nhưng theo cha nạn nhân, ngày hôm đó nắng rất to, con trai ông treo mình ở thành cầu nên phải chịu nắng hướng Tây táp thẳng vào mặt. Lý do nữa là đến lúc nạn nhân chịu bám vào thang dây định leo lên thì thời gian treo mình đã kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ, kiệt sức và ảo giác.

Người cha cho rằng lúc ấy con mình đã quá mệt, đôi tay tê dại không thể bám chắc vào thang dây nên đã tuột tay rơi khỏi cầu. Hai ngày sau mọi người mới tìm thấy xác chàng trai xấu số. “Giá mà khi nó tuột tay, có chiếc lưới được giăng sẵn bên dưới thì tốt quá”, người cha nói.

Đem nhận định này tìm đến Chi nhánh An ninh cầu Bãi Cháy, Phó Giám đốc Lê Văn Vinh cho biết trong vụ việc này, nạn nhân dùng dây thừng mắc như chiếc võng rồi treo mình xuống đứng ở giữa. Độ cao từ mặt cầu đến chỗ nạn nhân là khoảng cách khá dài, rất khó để leo xuống mà chỉ có thể thả thang dây, thang sắt xuống cùng với vận động, thuyết phục hỗ trợ nạn nhân.

Ông Vinh chia sẻ: "Mỗi ca trực có 6, 7 người, ngày có 3 ca luân phiên canh gác. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là bảo vệ an toàn cho cầu Bãi Cháy. Nếu phát hiện những người có ý đồ tự tử hoặc hoặc dọa tự tử, chúng tôi một mặt báo các cơ quan chức năng ứng cứu, một mặt tiếp cận đối tượng để tâm sự, khuyên giải. Tuy nhiên lực lượng bảo vệ quá mỏng trong khi phải tuần tra cả chiều dài cây cầu, dụng cụ thì không thể hiện đại như yêu cầu của người dân được, nên nếu có người muốn tự tử thì rất khó để phát hiện, ngăn cản, cứu hộ kịp thời".

Chàng trai thiếu bản lĩnh

Khoảng vài năm trước cũng chính nạn nhân Phong đã gây ra một vụ dọa tự tử với cách thức tương tự tại cầu này. Vụ việc xảy ra vào rạng sáng một ngày mùa đông, khi bảo vệ phát hiện thì Phong cũng đã đu xuống đứng ở "cái võng" tự tạo dưới thành cầu, cũng đòi người nhà đến gặp, yêu cầu phải chấp nhận cho cưới vợ. Tiếp đó Phong còn đòi phải được gặp mặt người yêu. Tội nghiệp cô bé từ tỉnh Bắc Giang hộc tốc bắt taxi chạy hàng trăm km đến cầu Bãi Cháy, rồi chứng kiến cảnh người yêu được cứu lên, mặt mũi tái xanh trong tiết trời giá buốt. Tuy nhiên người vợ sau này của Phong lại không phải là cô bạn gái người Bắc Giang ấy mà là người khác.

Thanh Huyền

Đọc thêm