Đoàn công tác Ủy ban Tư pháp Quốc hội làm việc với UBND thành phố

Ngày 8-7, Đoàn công tác của Ủy ban Tư pháp (UBTP) Quốc hội do đồng chí Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm UBTP Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND thành phố để giám sát tình hình, kết quả hoạt động chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan liên quan trong thi hành án dân sự; tình hình hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố và các địa phương; kết quả thực hiện công tác thi hành án dân sự từ tháng 1-2008 đến tháng 3-2010.

* Năng lực Chấp hành viên thi hành án dân sự còn hạn chế

Ngày 8-7, Đoàn công tác của Ủy ban Tư pháp (UBTP) Quốc hội do đồng chí Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm UBTP Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND thành phố để giám sát tình hình, kết quả hoạt động chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan liên quan trong thi hành án dân sự; tình hình hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố và các địa phương; kết quả thực hiện công tác thi hành án dân sự từ tháng 1-2008 đến tháng 3-2010. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố cùng các cơ quan thẩm quyền trong thi hành án dân sự.

Đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp Quốc hội làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng.

Đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp Quốc hội làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng.  

Theo báo cáo của UBND thành phố, tổng số vụ, việc phải thi hành từ tháng 1-2008 đến 3-2010 ở Đà Nẵng là 20.485 vụ. Các cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan vận động, giải thích, thuyết phục các đương sự tự nguyện thi hành án, đồng thời tổ chức thi hành cưỡng chế dứt điểm nhiều vụ, việc phức tạp. Tuy nhiên, theo nhận định ban đầu của Đoàn giám sát của UBTP Quốc hội thì tình trạng án tồn đọng ở Đà Nẵng còn nhiều, một số án tuyên không rõ làm ảnh hưởng đến việc thi hành án.

Giải thích nguyên nhân án tồn đọng, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh cho biết, một số trường hợp thi hành án cưỡng chế nhà, đất nhưng người dân chưa có nơi ở ổn định nên khó thực hiện, nhất là các trường hợp trong diện quy hoạch, giải tỏa, di dời. Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của người thi hành án chưa cao, nhiều đương sự trốn tránh, không tự nguyện hợp tác thi hành án hoặc cố chấp, khiếu kiện kéo dài.

 

Đồng chí Trần Văn Minh cũng thừa nhận, trình độ chuyên môn và năng lực tác nghiệp của cán bộ thi hành án, Chấp hành viên, Thẩm tra viên vẫn còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến chất lượng thi hành án. Tại buổi làm việc, UBND thành phố đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, ban hành Quy chế phối hợp giữa Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Công an, cơ quan Tư pháp trong thi hành án dân sự; kiến nghị Bộ Tư pháp có kế hoạch đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực cho các cơ quan thi hành án dân sự. Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị UBTP Quốc hội có ý kiến với các cơ quan thẩm quyền cấp Trung ương giải quyết sớm những văn bản kiến nghị địa phương gửi đến để thành phố chủ động triển khai thi hành.

Đồng chí Lê Thị Nga và các thành viên Đoàn giám sát đã tìm hiểu thêm về trình độ lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ thi hành án thành phố, nguyên nhân án tồn đọng và việc triển khai tuyên truyền các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự… Phó Chủ nhiệm UBTP Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị, đối với những án tuyên rõ ràng nhưng khó thi hành hoặc tuyên không rõ, khó giải quyết thì các cơ quan thẩm quyền của thành phố Đà Nẵng có thể đề xuất lên UBTP Quốc hội giám sát.

Ngày 9-7, Đoàn giám sát của UBTP Quốc hội tiếp tục làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 về công tác thi hành án dân sự.

Tin và ảnh: M.HẠNH

Đọc thêm