Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh giám sát việc tổ chức, thực hiện xuất khẩu lao động

Trong các ngày 29 và 30-7-2010, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tiến hành giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và huyện Hải Hậu.

Trong các ngày 29 và 30-7-2010, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tiến hành giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và huyện Hải Hậu.

Tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Đoàn đã nghe báo cáo về tình hình, kết quả công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại tỉnh ta. Từ năm 2007 đến nay, tỉnh ta có 7600 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Để thực hiện công tác XKLĐ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về XKLĐ cho người lao động; hàng năm tiếp nhận trên 10 doanh nghiệp có đủ điều kiện, uy tín về tỉnh tuyển dụng lao động, triển khai các hình thức tuyển dụng trực tiếp hoặc thông qua các đoàn thể, địa phương. Phần lớn số lao động đi XKLĐ của tỉnh đều có việc làm ổn định, có thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng/người. Mỗi năm, lao động của tỉnh ở nước ngoài gửi về tỉnh khoảng 3 triệu USD. Tuy nhiên, công tác XKLĐ của tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế nên số lao động đi xuất khẩu lao động còn thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Nguyên nhân do một số cơ chế chính sách chưa tạo thuận lợi cho người lao động. Một số địa phương, cán bộ chuyên môn chưa quan tâm đến công tác XKLĐ; chất lượng lao động còn thấp, hiệu quả XKLĐ chưa cao.

Tại buổi làm việc, Đoàn đã tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh về công tác XKLĐ.

Cũng trong nội dung giám sát trực tiếp về công tác XKLĐ, Đoàn đã làm việc tại huyện Hải Hậu. Từ năm 2007 đến nay, toàn huyện có 932 người đi xuất khẩu lao động, là huyện có phong trào mạnh về XKLĐ. Tuy nhiên, công tác XKLĐ của huyện vẫn còn một số vướng mắc như: chất lượng, trình độ tay nghề của người lao động thấp, một số địa phương trong huyện chưa quan tâm, tạo điều kiện cho XKLĐ phát triển.

Trên cơ sở các nội dung giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội  của tỉnh sẽ tổng hợp, báo cáo với Quốc hội và tỉnh để từ đó ban hành các chủ trương, quyết định thúc đẩy hiệu quả công tác XKLĐ nói chung, công tác XKLĐ của tỉnh ta nói riêng./.

Hoàng Văn

Đọc thêm