Đoàn ĐBQH giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người có công tại thành phố Thái Nguyên

Tiếp tục thực hiện chương trình giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, sáng 28/12, Đoàn giám sát đã có buổi làm việc tại UBND thành phố Thái Nguyên. Đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên chủ trì buổi giám sát.

Tiếp tục thực hiện chương trình giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, sáng ngày 28/12, Đoàn giám sát làm việc tại UBND thành phố Thái Nguyên. Tham gia Đoàn giám sát có đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, ĐBQH tỉnh Thái Nguyên và đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan.
Đoàn ĐBQH giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người có công tại thành phố Thái Nguyên ảnh 1
 

Theo báo cáo của UBND thành phố, thành phố Thái Nguyên hiện đang quản lý chi trả cho 5209 người có công và con đẻ của họ. Đến hết tháng 9/2009 đã tiếp nhận và giải quyết 1.076 hồ sơ thực hiện chế độ, chính sách cho người có công; 162 người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến 19/8/1945 được hỗ trợ cải thiện nhà ở; quyết định miễn, giảm tiền sử dụng đất ở cho 26 trường hợp người có công. Năm 2010, UBND thành phố giao cho phòng Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai rà soát 2.005 hồ sơ của các xã, phương; qua rà soát đã trình đợt 1 gồm 88 hồ sơ đủ điều kiện theo quy định lên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên. Tính đến tháng 9/2010, thành phố có 2.204 người hoạt động kháng chiến và con đê của họ bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Công tác giải quyết chế độ chính sách cho thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; người có công với cách mạng đã từ trần; người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày được UBND thành phố thực hiện đầy đủ, đúng quy định Nhà nước. 100% người có công được cấp thẻ bảo hiểm y tế hàng năm; công tác điều dưỡng được thực hiện đầy đủ cho người có công, từ năm 2007 đến nay có 3379 người có công được điều dưỡng.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học hiện nay đang triển khai còn gặp nhiều khó khăn do trong Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 20/02/2008 của Bộ Y tế quy định danh mục bệnh số 16 chưa cụ thể dẫn đến việc thực hiện Nghị định 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 còn gặp khó khăn khi xác định dị dạng, dị tật bẩm sinh đối với con người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Thông tư số 08/2009/TT-BLĐTBXH ngày 07/4/2009 quy định UBND cấp xã xác nhận tình trạng bệnh tật, sức khỏe của người hoạt động kháng chiến và dị dạng, dị tật con đẻ của họ còn bất cập, vượt quá khả năng của y tế xã, phường; thời gian ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, ngành còn chậm so với Nghị định của Chính phủ; giữa các Bộ, ngành còn thiếu sự phối hợp đồng bộ trong việc triển khai hướng dẫn thực hiện chính sách người có công theo quy định của Nhà nước, dẫn đến tình trạng có văn bản nhưng chưa thực hiện triệt để được chính sách. Qua đó, UBND thành phó kiến nghị: Bộ, ngành cần nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, đồng bộ để thực hiện chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chât độc hóa học; các ngành chuyên môn của tỉnh cần có sự phối hợp đồng bộ ban hành hướng dẫn cụ thể kịp thời việc triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, ngành Trung ương.

Các thành viên Đoàn giám sát và đại diện cựu chiến binh, người có công trên địa bàn thành phố đã đặt ra một số vấn đề đề nghị UBND thành phố làm rõ hơn một số nội dung quy định trong các văn bản quy định việc giải quyết chế độ cho người nhiễm chất độc hóa học còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho  người có công và cựu chiến binh như: yêu cầu cần có 2 người xác nhận để được công nhận cán bộ tiền khởi nghĩa; đề nghị tính thời điểm bắt đầu được hưởng chế độ từ khi có quy định của Nhà nước; xét chế độ cho người nhiễm chất độc hóa học trước tiên phải căn cứ vào bản thân người tham gia chiến đấu.  Đề nghị thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân trên địa đóng góp xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa; thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm để giải quyết nhanh chóng và kịp thời hơn đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực này…

Đại diện các Sở, ngành liên quan và UBND thành phố đã tiếp thu và làm rõ những ý kiến đặt ra tại hội nghị giám sát: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết sở đã nhiều lần có văn bản gửi lên bộ, đã báo cáo Đoàn ĐBQH về những vướng mắc trong thực hiện chính sách đối với người có công; việc thực hiện chính sách trước và sau khi Quyết định 09 và Thông tư 08 có hiệu lực còn nhiều điểm bất hợp lý;
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Văn Vượng ghi nhận thành phố Thái Nguyên đã thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật đối với người có công với tinh thần trách nhiệm cao và khẳng định vấn đề gây nhiều bức xúc và khó thực hiện hiện nay là vấn đề chính sách cho người nhiễm chất độc hóa học. đồng thời chỉ ra một số hạn chế: Một số nơi, một số cán bộ chưa trách nhiệm trong quá trình thực hiện chính sách; quá trình thực hiện vẫn còn chậm và còn tồn tại tiêu cực… Đồng chí cũng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của UBND thành phố để gửi các ngành của tỉnh, Trung ương nghiên cứu giải quyết.
Hoài Anh

Đọc thêm