Đoàn Lê ! Biết gọi chị như thế nào nhỉ ? Nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn phim hay nữ hoạ sĩ Đoàn Lê?
Gọi thế nào cũng đúng, bởi vì đấy chính là chị, một phụ nữ đa tài. Chị là giám đốc Trung tâm văn hoá doanh nhân Hải Phòng. Chị còn là một người bạn học cũ của tôi từ đã lâu, từ gần nửa thế kỷ trước.....
Năm 1961, tôi vào học Trường Điện ảnh và Kịch nói Việt Nam, khoá đầu. Tôi học lớp diễn viên kịch, Đoàn Lê học lớp diễn viên điện ảnh. Chị cùng Bích Hồng, Thanh Năng,Thanh Thuỷ, Kim Thanh, Thuý Vinh, Mai Ngọc Căn, Quý An...những nam thanh nữ tú của thành phố Cảng đã trúng tuyển khoá 1 lớp diễn viên điện ảnh năm 1959. Khi khoa Kịch nói chúng tôi nhập học, lớp của Đoàn Lê đã học trước đó chừng trên dưới một năm.
Điểm lại những gương mặt học sinh lớp điện ảnh khoá 1 cùng Đoàn Lê nửa thế kỷ trước, có NSND Trà Giang, cô nữ sinh trường miền Nam số 4, cũng lớn lên từ hạt gạo nguồn nước của vùng biển Hải Phòng. Bất chợt tôi nghĩ phải đâu đến bây giờ, Hải Phòng mới nổi tiếng là “đất hoa hậu”, mà cách đây 50 năm, đã có vô số người đẹp Hải Phòng trở thành “tài tử xi nê”, niềm mơ ước của số đông bọn trẻ chúng tôi hồi ấy.
|
Nhà văn, họa sĩ Đoàn Lê. |
Đoàn Lê được sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng trocCả của chị vẫn theo nghề gia truyền với hiệu thuốc “Ông lang Hồng” nổi tiếng nằm giữa phố Tám Gian (Lê Lợi bây giờ). Có lẽ vì vậy chị không có dáng vẻ đặc trưng như ta thường hình dung về người vùng biển “ăn sóng nói gió”. Lần đầu làm quen với nhau khi cùng được đi đóng những vai quần chúng điếu đóm trong các bôi phim “Vợ chồng A Phủ”, “Một ngày đầu thu”, tôi mới biết chị không phải người Hà Nội như tôi tưởng. Bởi trong số bạn gái học cùng trường năm ấy, Đoàn Lê nổi lên như một nhan sắc dịu dàng, thánh thiện. Không hiểu sao, mỗi lần có dịp gặp nhau trong những buổi họp chung toàn trường, tôi lại thường liên hệ dáng vóc xinh đẹp mềm mại nữ tính với mái tóc dài mượt mà được tết thành một bím và vắt về trước ngực của Đoàn Lê với bức tranh lụa “Thiếu nữ bên hoa huệ” của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân mà bọn khoa kịch chúng tôi vừa được làm quen trong buổi học về “thường thức hội hoạ” hôm nào.
Bẵng đi một thời gian dài sau ngày ra trường chúng tôi không gặp lại nhau. Một ngày mùa hè khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, chúng tôi tái ngộ qua bộ phim “Truy lùng băng quỷ gió” mà chị và anh Tự Huy đứng tên đạo diễn. Sau này tôi còn có dịp cộng tác với chị trong vai trò diễn viên ở một vài phim nữa của Xưởng phim Hải Phòng mà chị làm đạo diễn, hoạt động cùng chị trong Trung tâm văn hoá doanh nhân và có cả những lần cùng Đoàn Lê ngồi trên ghế giám khảo các cuộc thi người đẹp của thành phố. Làm việc cùng nhau, tôi phát hiện một Đoàn Lê khác nữa. Chị rất sắc sảo và nghiêm túc trong công việc, nhưng cũng thật giản dị, chu đáo và dễ mến.
Đến và sống cùng điện ảnh suốt một đời, Đoàn Lê tham gia trong nhiều lĩnh vực hoạt động: diễn viên, thiết kế mỹ thuật, biên kịch rồi đạo diễn. Người ta chưa quên hình ảnh cô giáo Hồng Vân trong phim “Quyển vở sang trang” mà chị đóng vai chính, cùng những phim nhựa, phim truyền hỡnh mà chị là biên kịch hay đạo diễn , hoặc vừa biên kịch kiêm đạo diễn như : “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Bình minh xôn xao”, “Niết bàn rực cháy”, “Song nữ”, “Nước mắt của biển”, “Cái chết của Hồ Xuân Hương”, Giọt nước mắt thiêng… Chị đã nhận trong Liên hoan phim truyền hình toàn quốc những giải thưởng xứng đáng cho các phim “Con Vá”, “Chim bìm bịp”.
Nhưng Đoàn Lê đâu chỉ được biết đến trong điện ảnh. Ngay từ ngày còn đang học trường điện ảnh, Đoàn Lê đã có những bài thơ được bạn bè xì xào bàn tán. Bài Bói hoa từng được chép trong sổ tay sinh viên cùng những bức tranh được vẽ rất ngẫu hứng của chị, Có thể nói, lúc ấy, chị đã sớm trở thành một “hiện tượng” trong mắt bạn bè cùng khoá. Nữ sinh khoa kịch chúng tôi thì khỏi nói, khâm phục Đoàn Lê ra mặt: xinh thế mà lại tài thế nữa!
Với văn học, Đoàn Lê từ lâu nay đã là một nhà văn nữ có tiếng với nhiều tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt. Những tiểu thuyết đầy trăn trở tâm huyết của chị như “Cuốn gia phả để lại”, “Lão già tâm thần”, “Người đẹp và Đức vua”, “Tiền định” đến với bạn đọc gây được nhiều thiện cảm . “Cuốn gia phả để lại” ngay khi mới ra mắt công chúng đã được nhận giải thưởng văn học cao quý của Hội Nhà văn Việt Nam. Đương nhiên, không thể không kể đến nhiều giải thưởng chị nhận được cho nhiều truyện ngắn tập, truyện ngắn trong nhiều năm qua. Truyện của chị được dịch tại Mỹ, Thuỵ Điển, tại Đức, và ở đâu cũng được hoan nghênh… Cách viết dung dị, những nhận xét hóm hỉnh và sâu sắc về nhân tình thế thái, về ấm lạnh cuộc đời của chị tựa như một nụ cười khoan dung và độ lượng đã tìm được sự đồng cảm của nhiều tầng lớp độc giả trong và ngoài nước.
Tôi ngạc nhiên, thầm cảm phục sức làm việc rất có hiệu quả từ người bạn gái của mình. Không hiểu nguồn năng lượng từ đâu khiến chị có nội lực “thâm hậu” đến thế. Những đứa con tinh thần của người đàn bà mảnh mai và có vẻ yếu đuối này lại có một sức sống mãnh liệt, hấp dẫn, cuốn hút độc giả và giành được những giải thưởng danh giá như thế ?
Là người con của Hải Phòng, đi học và lập nghiệp tại Thủ đô, nhưng từ năm 1988, khi trở về “Xóm núi Đồ Sơn”, Đoàn Lê sống với tinh thần “làm chủ quỹ thời gian”. Hầu như tâm sức, những trăn trở, chị đều dồn cho sáng tạo nghệ thuật. Từ đây, chị lại cho tôi một cách lắng nghe tâm hồn khi tuổi đã bước vào “tri thiên mệnh” mà bài thơ Mưa núi là một bất ngờ: “Mưa núi gần kề bên hiên/ Tí tách nguồn cơn ngõ bé/ Xóm núi bâng khuâng rất khẽ. Khói chiều/Câu thơ hàng xóm đáng yêu/ Tạc một cánh diều vách núi/ Chợt nghe bước chân lủi thủi. Lá rừng”. Còn những truyện ngắn “Giường đôi xóm Chùa”, “Trinh tiết xóm Chùa”…là khả năng quan sát, thể hiện thực tế đời sống nhạy cảm của Đoàn Lê. Nhưng bất ngờ khi người thân và bạn bè thấy Đoàn Lê còn dành tâm huyết cho hội hoạ. Ngỡ chị chỉ lấy hội hoạ là thú vui giải lao khi buông bút viết, ai ngờ lâu lâu biết chị cú hai cuộc triển lãm tranh cá nhân ở thủ đô Hà Nội, nơi không phải bất cứ ai cũng dễ dàng có một cuộc trưng bày như thế và được đồng nghiệp đón nhận như thế. Chị thực sự có những thành công trong nhiều lĩnh vực.
Tôi đã có dịp đến thăm chị ở “Xóm núi Đồ Sơn”- một gian phòng lộng gió biển và đầy ắp tranh. Ngổn ngang khắp phòng là sơn màu, bút vẽ và những khung toan đang vẽ dở. Chị giới thiệu những bức tranh đặt quanh phòng, bức đã xong, bức đang hoàn tất và thông báo sắp tới sẽ triển lãm tranh cùng 3 hoạ sĩ. Tôi tròn mắt ngạc nhiên vì đấy đều là những bức “nude” hoặc “ Demi nude” mà đã có lần chị kể với tôi, thậm chí còn nhờ tôi tìm giúp người ngồi làm mẫu cho chị.
Chiều 8-3-2010, một buổi chiều mưa rất to, tôi đội mưa đến dự khai mạc triển lãm tranh tại Cung Văn hoá lao động hữu nghị Việt -Tiệp, triển lãm có bày những bức tranh “nude” của Đoàn Lê. Vừa đi, tôi vừa lo buổi khai mạc hông thành công vì thời tiết . Nhưng ngoài dự đoán, mặc mưa gió, những người yêu mến các tác giả, yêu mến Đoàn Lê đến rất đông. Thậm chí nhiều người không thể lọt vào phòng tranh ngay từ phút đầu để kịp nghe diễn văn khai mạc ...
Chen qua khuôn cửa bỗng dưng trở nên chật hẹp của phòng triển lãm, lách qua đám đông bạn bè và những người hâm mộ, tôi đặt thêm vào tay chị một bó hoa mang những hạt mưa đầu mùa hạ và những lời chúc mừng “có cánh”. Lại thêm một lần nữa tôi cảm phục sức sáng tạo của Đoàn Lê. ./.
Bảo Ngọc