Đoạn trường sơn nữ

Nghe lời rủ rê của những người cùng xóm, Lê Thị N.(*) 16 tuổi (thôn Đồng Rãng, xã Kim Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang) sang Trung Quốc chặt mía thuê.

Nghe lời rủ rê của những người cùng xóm, Lê Thị N.(*) 16 tuổi (thôn Đồng Rãng, xã Kim Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang) sang Trung Quốc chặt mía thuê. Tuy nhiên, em bị bỏ lại xứ người, bị đánh đập và quăng vào nhà thổ. May mắn thoát khỏi tổ quỷ, N. về lại quê đem theo bài học đắt giá.
Bài 1: Rơi vào tay bọn buôn người

Thôn Đồng Rãng cách trung tâm thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn) khoảng 30 km nhưng để vào được đến nhà N. phải đi qua những con đường nhỏ, ngoằn ngoèo vắt qua những ngọn núi cao chon von.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, đồ vật chẳng có thứ gì đáng giá, bà Lê Thị Bộn, mẹ của N. kể: Nhà bà nghèo lắm, bố của N. lại mất sớm để lại cho bà 3 đứa con thơ dại. N. là thứ hai, sinh năm 1992. Không có tiền nên học xong lớp 6, N. ở nhà giúp mẹ trồng lúa, trông em. Năm 2007, thấy ông Nguyễn Văn Lèo là người cùng quê đi chặt mía thuê ở Trung Quốc kiếm được nhiều tiền, N. xin đi cùng. Khoảng một tháng sau, N. lại trở về mang theo vài trăm nghìn tiền công. Đến tháng 10 âm lịch năm 2008, ông Lèo tổ chức một đoàn sang Trung Quốc chặt mía thuê, N. lại xin đi theo.
Mô tả ảnh.
Ước mơ được trở về nhà luôn cháy bỏng trong Lê Thị N..

Khi biết con đi, bà Bộn cũng không ngăn cản vì nghĩ rằng con gái đã lớn, phụ giúp được mẹ chút nào hay chút đó. Hơn một tháng sau, bà thấy ông Lèo cùng 4 người nữa vào nhà đặt lên bàn thờ gói bánh và 200 nghìn đồng. Gặng hỏi mãi, ông Lèo mới cho biết, N. vẫn đang ở Trung Quốc làm thêm, không về ăn Tết được.

Lo lắng cho con nhưng chẳng biết tìm ở đâu, bà yêu cầu ông Lèo phải tìm bằng được N. về nhà. Dưới sự chứng kiến của trưởng thôn Đồng Rãng Mã Văn Hổn và công an viên Bàng Văn Rào, ông Lèo đã phải viết bản cam kết sẽ chịu trách nhiệm tìm cháu về cho gia đình trong vòng 7 ngày. Hứa xong, ông Lèo cũng mất tích luôn.

Và suốt gần một năm trời đằng đẵng, người phụ nữ quê mùa vốn chẳng mấy khi đi ra khỏi luỹ tre làng ấy không biết bao nhiêu lần cầm tờ đơn đẫm nước mắt tới gặp chính quyền xã, huyện và các cơ quan công an để mong tìm được một chút thông tin về con mình. Nhưng bà chỉ nhận được những thông báo chung chung rằng không có căn cứ để xác minh ông Lèo đã bán N. Số phận của N. như thế nào, bà không hề có một chút thông tin!

Trở về trong nước mắt

Khi hy vọng tìm thấy con ngày càng mờ mịt thì gần Tết Canh Dần, N. bất ngờ về nhà. Theo lời kể của N., sau khi rời khỏi nhà vào buổi sáng mùa đông năm 2008, cả đoàn gồm 7 người, trong đó, ngoài ông Lèo, N. còn có một người đàn ông và 4 người đàn bà nữa. Phần lớn họ đều là những người trong thôn và hơn tuổi N.

Đi bộ qua những con đường nhỏ, len lỏi trong rừng, đến tối đoàn người đã đặt chân lên đất Trung Quốc. Đến đây, họ ở nhà bà Minh (là người Việt lấy chồng ở Trung Quốc). Sau khi nghỉ ngơi, đoàn người lại tiếp tục lên xe lam do bà Minh bố trí, đến đêm, họ mới tới được nơi cần đến. Đó là một khu vực chỉ thấy một màu xanh của mía, thỉnh thoảng mới gặp được căn nhà dựng tạm bợ cho người ở. Họ được giao vườn mía rộng ngút ngàn, cao lút đầu.

Mỗi ngày, họ bắt đầu làm việc từ 7-8 giờ cho đến khoảng 17-18 giờ mới về nhà. Chủ vườn mía có tên là A Dẩu, vài hôm ông lại vào kiểm tra một lần, nhưng không hề đả động gì đến tiền lương. Gần Tết, họ yêu cầu chủ trại mía trả tiền công để về quê. Thế nhưng, không những không trả, ông chủ này đánh anh Lèo và dọa nạt sẽ không cho mọi người về Việt Nam.

Sau khi có sự tác động của bà Minh, A Dẩu đồng ý trả tiền và cho mọi người về với điều kiện N. và Nguyễn Thị Liêm chị họ của N. phải ở lại. Nghe vậy, N. và Liêm khóc nức nở, van xin mọi người tìm cách đưa về Việt Nam cùng. Thế nhưng, buổi sáng hôm sau, những người này vẫn bỏ mặc hai cô gái ở đó. Ngay buổi tối hôm ấy, Liêm và N. bị tách ra. Từ đó đến nay, N. chưa một lần gặp lại người chị họ của mình.

Ông Vi Xuân Thu, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, huyện Lục Ngạn cho biết: Tình hình vượt biên trái phép diễn ra khá phổ biến ở địa phương.

Theo thống kê sơ bộ, riêng ở thôn Đồng Rãng đã có hơn 30 người đang đi làm thuê ở Trung Quốc bất hợp pháp.

Toàn xã có 50 - 60 người. Nhưng hiện nay, xã cũng chưa có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này
Còn một mình, N. bị đưa tới một thị trấn cách đó vài tiếng đồng hồ đi xe lam. Qua những cuộc trao đổi chóng vánh bằng tiếng Trung Quốc, N. lại được chuyển sang cho nhiều người khác nhau. Mỗi lần đi theo một người là mỗi lần sự lo lắng, băn khoăn trong cô bé 16 tuổi ấy nhích lên một chút. Đến người chủ thứ ba thì N. được đưa vào một ngôi nhà nhỏ, bên trong có sẵn cả khu vệ sinh và khóa chặt lại. N. cũng không biết họ đưa mình đến đó để làm gì nhưng cô linh cảm thấy sẽ có những bất hạnh lớn sẽ đến với mình.

Cái Tết đầu tiên xa nhà của cô cũng là cái Tết đầy nước mắt. “Đó là cái Tết buồn nhất của cháu. Hằng ngày vợ chồng ông chủ thay nhau mang đồ ăn đến, cũng không nói năng gì và không bắt cháu làm gì. Hình như cũng có cả những thức ăn ngày Tết bên đó, nhưng làm sao mà cháu ăn được, chỉ biết nuốt nước mắt và hy vọng có một phép thần nào đó đưa cháu về với gia đình. Lúc đấy cháu chỉ thấy rất nhớ nhà, nhớ mẹ và các em…” - N. kể trong sự nghẹn ngào.

Cô bé không bao giờ nghĩ rằng mình bị cưỡng ép thành đàn bà ở tuổi 16. Chỉ sau Tết vài ngày, những người chủ nhà hiện nguyên hình là những Tú ông, Tú bà mà trước đó cô mới chỉ hình dung được qua phim ảnh. Đó cũng là quãng đời mà cô không bao giờ muốn nhắc đến…

(Còn nữa)
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi
Theo Nguyễn Trường
Tiền Phong

Đọc thêm