MXH còn được coi là kênh quảng cáo hiệu quả nhất khi 46% DN quảng cáo trên mạng xã hội đạt hiệu quả cao với tỷ lệ 44%.
67% khách hàng lựa chọn
Khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy, doanh thu của thị trường quảng cáo trực tuyến vẫn trên đà tăng trưởng. Góp phần vào sự tăng trưởng của quảng cáo trên các MXH là các DN, thương nhân là những hộ kinh doanh và các cá nhân đã khai thác đáng kể lợi thế của bán hàng trực tuyến trên MXH.
Có tới 67% khách hàng cá nhân chọn lựa website hay ứng dụng di động để mua sắm sau khi xem bình luận, đánh giá trên mạng, đặc biệt là các MXH. Bên cạnh những hãng quảng cáo trực tuyến khổng lồ thống trị thị trường thế giới như Google hay Facebook thì một số công ty quảng cáo nước ngoài đã chú ý tới tiềm năng to lớn của thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch VECOM, từ năm 2016, thương mại điện tử nước ta đã bước sang giai đoạn phát triển nhanh chóng. Song, bên cạnh đó còn gặp một số trở ngại như lòng tin của người tiêu dùng còn thấp, các dịch vụ thanh toán, tiếp thị trực tuyến và dịch vụ chuyển phát chưa đáp ứng nhu cầu.
Do đó, cách hiệu quả nhất để kinh doanh trực tuyến là sở hữu một website kết hợp với hiện diện truyền thông MXH, để lan tỏa các thông điệp của DN và nuôi dưỡng mối quan hệ với lượng lớn khách hàng.
“Nếu các DN tiếp cận được các xu hướng tiếp thị mới nhất, hiệu quả nhất sẽ có hai tác động tích cực. Tác động rõ ràng nhất là hiệu quả quảng cáo, hiệu quả tiếp thị sẽ tăng cao. Tiếp thị là một kênh cần thiết nhưng nếu không có nghiên cứu về hành vi khách hàng, nghiên cứu về sự phát triển của công nghệ một cách phù hợp thì chi phí quảng cáo đôi khi là rất cao, nhưng hiệu quả đem lại cho DN lại không đạt được như mong muốn. Tối ưu hóa chi phí quảng cáo là một bài toán rất lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến cũng như kinh doanh truyền thống”, ông Hưng nhận định.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Trà My - phụ trách marketing của bộ phận quảng cáo trên ứng dụng Zalo nhận xét, trong khoảng 5 - 6 năm gần đây, số lượng người dùng smartphone (điện thoại thông minh) để làm việc, giao dịch, giải trí ngày càng tăng, còn tỷ lệ người dùng máy tính lại ngày càng giảm đi. Việc sử dụng ứng dụng nhắn tin để tiếp thị sản phẩm sẽ tăng cường khả năng tiếp cận người tiêu dùng, tăng hiệu quả chiến dịch truyền thông. Đó cũng là lý do các DN tăng cường sử dụng các công cụ tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing), triển khai các giải pháp tiếp thị trên môi trường số, MXH…
Hiện các DN đang đẩy mạnh tiếp thị qua nhiều kênh, nền tảng khác nhau để tiếp cận thêm nhiều khách hàng, đặc biệt là nhóm người sử dụng internet, mạng xã hội. Việc kết nối, tìm hiểu thông tin sản phẩm, mua sắm sẽ trở nên tốt hơn nếu DN thấu hiểu người tiêu dùng, biết tận dụng công cụ tiếp thị cũng như kênh tiếp cận người tiêu dùng một cách hiệu quả.
Tiềm năng lớn
Theo ông Lior lllouz – Giám đốc đối tác chiến lược của Facebook tại Singapore, hiện theo thống kê của Facebook, Việt Nam có tới 51 triệu người dùng mạng mỗi tháng, 32 triệu người dùng mạng mỗi ngày, trong đó khoảng 30 triệu người dùng Facebook trên điện thoại thông minh. Người dùng dành nhiều thời gian gấp 5 lần để xem các nội dung video trên Facebook so với các nội dung ảnh và nội dung dạng văn bản. Do việc dành phần lớn thời gian cho việc sử dụng smartphone nên thời gian dành cho máy tính ít đi. Vì vậy, để các DN thực hiện nội dung quảng bá sản phẩm bằng video trên nền tảng di động sẽ đem lại hiệu quả hơn so với cách thức marketting trước đây (chủ yếu quảng cáo bằng chữ và hình ảnh).
Cũng theo bà Nguyễn Thị Trà My - Phụ trách marketing sản phẩm trên Zalo, tiếp thị sản phẩm bằng cách mở các cửa sổ tư vấn online để người tiêu dùng nói chuyện (ở dạng text) trực tiếp với người bán hàng là hình thức tiếp thị trực tuyến khiến khách hàng hài lòng nhất, đạt 73%, cao hơn hẳn so với mức độ hài lòng của các phương thức khác như gửi email hoặc gọi điện thoại trực tiếp.
Ông Trần Trọng Tuyến – Giám đốc Bizweb đánh giá, hiệu quả của việc quảng cáo trên Facebook hay các hình thức tiếp thị khác như Google Adwords, email marketing… phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tìm hiểu và kỹ năng của các chủ cửa hàng. Do vậy, họ rất cần những nền tảng hỗ trợ từ phía nhà cung cấp dịch vụ.
Hiện nay, với việc thực hiện SEO (tiếp thị trên công cụ tìm kiếm), các nền tảng bán hàng trực tuyến như Bizweb, Shopify… đều đã có công cụ hỗ trợ các chủ cửa hàng trong tối ưu hóa và tùy biến website nhanh chóng.
“Vấn đề quan trọng nhất là thái độ tích cực học hỏi của chính chủ cửa hàng, kết hợp cùng các công cụ hỗ trợ, việc tự thực hiện SEO hay quảng cáo đa kênh sẽ đem lại doanh thu, khách hàng nhiều hơn cho các cửa hàng kinh doanh trực tuyến trong thời gian tới”, ông Tuyến tư vấn.