Gần đây nhất, một doanh nghiệp tại Hà Nội ký hợp đồng xuất khẩu thảm cói cho bạn hàng Nam Phi. Hai bên là đối tác hơn 10 năm nên có sự tin tưởng về thanh toán. Bỗng dưng, phía Nam Phi nhận được email của doanh nghiệp Việt đề nghị thanh toán tiền qua Western Union, địa chỉ người nhận ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thấy sự việc bất thường nên công ty này từ chối thanh toán, với lý do chỉ thanh toán sang một ngân hàng ở Việt Nam.
Ngay lập tức, họ nhận được email yêu cầu chuyển tiền tiếp theo, lần này địa chỉ nhận tiền là một ngân hàng của Hàn Quốc đặt trụ sở tại Hà Nội. Trong email này còn có lời đe dọa nếu không thanh toán sẽ đưa vụ việc ra pháp luật. Do bức xúc, doanh nghiệp Nam Phi đã tố cáo sự việc đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, đồng thời quyết định cắt đứt quan hệ với đối tác Việt vì mất lòng tin.
Nhờ sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam, sự việc mới được làm sáng tỏ. Hộp thư điện tử của doanh nghiệp Việt đã bị tội phạm công nghệ đột nhập và khống chế. Sau khi doanh nghiệp Việt cam kết khắc phục hậu quả, tăng cường công tác an ninh mạng để ngăn chặn thiệt hại, khách hàng đã đồng ý nối lại việc nhập khẩu thảm cói từ Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 6/2014, một doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn ở Tây Ninh cũng bị kẻ gian đột nhập hộp thư điện tử, khiến khách hàng của họ ở Nam Phi mất tiền.
Sự việc xảy ra khi doanh nghiệp Việt và bạn hàng Nam Phi thỏa thuận xong hợp đồng mua bán tinh bột sắn và chuẩn bị giao tiền, nhận hàng. Lúc này, doanh nghiệp nhập khẩu nhận được yêu cầu thanh toán từ hộp thư điện tử của nhà xuất khẩu Việt, trong đó đề nghị thanh toán tiền hàng vào tài khoản mở tại một ngân hàng ở Anh.
Khi công ty này làm thủ tục chuyển tiền, ngân hàng Nam Phi từ chối vì tên chủ tài khoản không phải là doanh nghiệp Việt Nam. Họ tiếp tục gửi thư thông báo qua email đến cho doanh nghiệp Việt nói lại lý do trên, và ngay lập tức nhận được thư xác nhận đổi tên tài khoản, từ tên doanh nghiệp ở Tây Ninh sang tên chủ tài khoản mới tại ngân hàng Vương quốc Anh. Với thư xác nhận này, ngân hàng Nam Phi đã cho chuyển tiền thành công.
Sau khi chuyển tiền, phía Nam Phi thông báo cho doanh nghiệpViệt và đề nghị giao hàng. Tuy nhiên doanh nghiệp ở Tây Ninh không thấy tiền về Việt Nam. Hai bên hiểu lầm nhau và tố cáo sự việc đến Sở Cảnh sát chống lừa đảo Vương quốc Anh và Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi.
Đến đây thì sự việc được làm sáng tỏ. Doanh nghiệp Việt là nạn nhân của một nhóm tội phạm công nghệ cao, những kẻ đã đột nhập và khống chế hộp thư điện tử và viết email giả mạo.
Qua 2 vụ việc trên, Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức cảnh giác với tình trạng tội phạm cao đột nhập vào hộp thư điện tử của các doanh nghiệp để lừa đảo. Theo các nhà chức trách, doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp an ninh bảo vệ hộp thư điện tử, thường xuyên thay đổi mật khẩu; dùng nhiều biện pháp soạn thảo văn bản, xác nhận văn bản có độ an toàn cao.