Doanh nghiệp cạnh tranh vươn ra biển lớn

Với ngành rau, hoa và sản xuất trà tại Lâm Đồng, việc chiếm lĩnh thị trường trong nước là chuyện không khó khăn và dễ giải quyết; nhưng, để vươn ra “biển lớn” lại là thách thức không nhỏ với những nhà sản xuất, nhà cung cấp còn non trẻ.
Với ngành rau, hoa và sản xuất trà tại Lâm Đồng, việc chiếm lĩnh thị trường trong nước là chuyện không khó khăn và dễ giải quyết; nhưng, để vươn ra “biển lớn” lại là thách thức không nhỏ với những nhà sản xuất, nhà cung cấp còn non trẻ. Với sự giúp đỡ của chính phủ Đan Mạch trong dự án giúp nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu, những doanh nghiệp này đã có một khởi đầu thuận lợi để vươn ra khỏi thị trường nội địa quen thuộc.
Sản xuất hoa tại Dalat Hasfarm.

Ông Nguyễn Quang Phước, điều phối viên của dự án nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu khẳng định: “ Xuất phát điểm của chúng tôi là mong muốn doanh nghiệp Lâm Đồng vươn tầm ra ngoài thị trường Việt Nam. Muốn vậy phải để cho doanh nghiệp tiếp cận được với thị trường cũng như những tiến bộ khoa học kỹ thuật và nắm bắt được yêu cầu của đối tác nước ngoài. Muốn gia nhập biển lớn thì phải thoát khỏi ao làng, học hỏi ngay trong môi trường của đối tác”. Chính vì vậy, các doanh nghiệp tham gia dự án được chuyên gia đưa đi học tập, tập huấn, tham quan tại những nông trại, nhà máy, học hỏi từ những chuyện gia nổi tiếng thế giới trong chính lĩnh vực mình đang hoạt động.

Chị Ngọc Trâm, phó giám đốc Cty Hương sắc Đà Lạt, một thành viên tham gia dự án thừa nhận: “Xưa giờ mình cứ nghĩ làm hoa Đà Lạt đã là công nghệ khá cao rồi, nay tận mắt thấy tại Hà Lan, Tây Ban Nha họ làm mới thấy mình quá lạc hậu. Công nghệ của họ, từ nhà kính, hệ thống tưới, thu hoạch cho tới bảo quản đều rất hiện đại, có đi tận nơi, học hỏi với chuyên gia mới thấy mình còn thiếu sót”. Phải nói chúng tôi học được rất nhiều và đang áp dụng vào sản xuất tại doanh nghiệp cho thấy có bước thay đổi đáng kể, lượng hoa đủ chuẩn xuất khẩu tăng lên khá nhiều”. Việc được học tập với các chuyên gia quốc tế là rất quan trọng bởi họ có sự nghiên cứu chuyên sâu, khi giải thích vấn đề cho người học họ giải thích tận gốc, người nghe có thể hiểu được vấn đề và lần sau tự tìm được hướng xử lý phù hợp, đây là điều cả nông dân và doanh nghiệp Lâm Đồng đang thiếu.

Không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, điều quan trọng nhất từ dự án chính là việc đã liên kết được các doanh nghiệp và đối tượng quan trọng nhất là nông dân. Với các doanh nghiệp rau hoa và trà Lâm Đồng, mối quan hệ với nông dân vừa là khâu quan trọng song cũng ít được chú ý tới nhất.

Xưa nay, dù nông dân sản xuất là chính, doanh nghiệp thu mua xuất khẩu nhưng mối quan hệ vẫn dựa trên “thuận mua vừa bán”, ít có sự gắn kết, càng không có chuyện doanh nghiệp hỗ trợ cho nông dân nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản. Nhưng chỉ khi nông dân sản xuất ra một số lượng lớn nông sản đạt chuẩn, doanh nghiệp mới có hàng để xuất khẩu. Đây là mối quan hệ hữu cơ gắn bó cần được ràng buộc chặt chẽ. Vì vậy, với sự hỗ trợ từ dự án, các doanh nghiệp đã xây dựng cho mình những doanh nghiệp con, những nông hộ trong mạng lưới để giúp họ nâng cao chất lượng nông sản.

Gần 400 hộ nông dân trong mạng lưới 5 công ty rau đã được hỗ trợ nhận chứng chỉ Việt Gap về sản xuất rau an toàn, gần 100 nông hộ trồng trà thuộc 2 mạng lưới của 2 công ty được hỗ trợ nhận chứng chỉ Việt Gap trong sản xuất trà. Và tất cả số nông dân này đề ký hợp đồng dài hạn với công ty để cung cấp nông sản với giá cả và chất lượng ổn định. Như lời ông Lê Văn Cường, giám đốc Cty Dalat Gap: “Chúng tôi đã nhận thấy tầm quan trọng của việc gắn kết quyền lợi giữa người nông dân và doanh nghiệp. Khi nào mà quyền lợi của hai bên hài hòa, người nông dân quyết tâm phát triển sản xuất thì nông sản Lâm Đồng mới có cơ hội xuất khẩu”.

Ngành sản xuất rau hoa và trà Lâm Đồng, cũng như Việt Nam nói chung, còn yếu ở chỗ quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa áp dụng tốt khoa học kỹ thuật hiện đại. Chính vì vậy, việc tham gia cuộc chơi trong biển lớn quốc tế đòi hỏi phải có tầm nhìn dài hơi, phải xác định được điểm thiếu sót của mình để sửa đổi. Liên kết chặt chẽ với nông dân, để nông dân trở thành một mắt xích trong mạng lưới, từ đó đưa kỹ thuật hiện đại vào sản xuất thực tế là con đường các doanh nghiệp đang bắt đầu bước đi và cho thấy những dấu hiệu tốt cần tiếp tục. Dù có dự án hay dự án kết thúc, việc chủ động hội nhập vẫn là điều kiện đầu tiên để nông sản Lâm Đồng vượt qua ranh giới nội địa, chinh phục một thị trường rộng lớn hơn.
Diệp Quỳnh

Đọc thêm