Doanh nghiệp đấu giá chưa hết băn khoăn khi đăng ký lại hoạt động

(PLVN) - Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa (ngày 1/7 tới đây) là đến thời hạn cuối cùng để các doanh nghiệp đấu giá tài sản (ĐGTS) thực hiện chuyển đổi đăng ký hoạt động của doanh nghiệp thành lập trước ngày Luật ĐGTS có hiệu lực thi hành (trước ngày 1/1/2017), nhưng vẫn còn đó những khó khăn, vướng mắc khiến doanh nghiệp băn khoăn khi tiến hành đăng ký lại hoạt động…

Tồn tại hai hình thức Doanh nghiệp đấu giá

Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 80 Luật ĐGTS, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Luật ĐGTS có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp ĐGTS thành lập trước ngày Luật ĐGTS có hiệu lực thi hành mà tiếp tục hoạt động ĐGTS thì phải đáp ứng quy định tại khoản 3 Điều 23 và thực hiện việc đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp theo quy định tại Điều 25 Luật ĐGTS. Như vậy, doanh nghiệp ĐGTS được thành lập theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP được tiếp tục hoạt động ĐGTS trong thời hạn 2 năm kể từ ngày 1/7/2017 và doanh nghiệp đó phải thực hiện việc chuyển đổi đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ĐGTS trước ngày 1/7/2019.

Về vấn đề này, suốt thời gian qua, Cục Bổ trợ tư pháp đã tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư pháp ban hành nhiều công văn gửi các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ĐGTS tiến hành chuyển đổi. Qua công tác nắm tình hình, Cục thấy rằng đến nay, cơ bản các doanh nghiệp ĐGTS thành lập theo Nghị định 17 tại các địa phương đã thực hiện xong việc chuyển đổi đăng ký hoạt động theo Luật ĐGTS. Các doanh nghiệp đấu giá chưa thực hiện chuyển đổi hiện nay thì hầu hết không hoạt động chuyên nghiệp về ĐGTS nên không có nhu cầu chuyển đổi mà sẽ chấm dứt hoạt động ĐGTS. Một số doanh nghiệp ĐGTS còn lại tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi đăng ký hoạt động theo quy định.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyển đổi. Một đấu giá viên tại Lào Cai cho biết, quy định hiện hành chỉ phù hợp với mô hình doanh nghiệp tư nhân và hợp danh. Trong khi doanh nghiệp của ông lại theo mô hình công ty TNHH thì khi chuyển, mã số thuế như thế nào, dấu khắc như thế nào, với tài sản chưa thanh lý hết thì giải quyết ra sao

Nhiều ý kiến phản ánh, theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, Luật Thuế quy định doanh nghiệp ĐGTS (đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư) sau khi được chuyển đổi đăng ký hoạt động (đăng ký tại Sở Tư pháp) phải chấm dứt mã số thuế cũ và được cấp mã số thuế mới. Việc doanh nghiệp đấu giá không được giữ mã số thuế cũ ảnh hưởng đến việc thu hồi công nợ, bảo hiểm xã hội, quyết toán thuế của doanh nghiệp đấu giá sau khi chuyển đổi…

Ngoài ra, các doanh nghiệp ĐGTS thành lập theo Nghị định 17 sau khi chuyển đổi toàn bộ đăng ký hoạt động cũng chưa thể chấm dứt hoạt động của mình theo pháp luật về doanh nghiệp do nhiều hợp đồng đã đấu giá thành nhưng chưa được người có tài sản thanh toán thù lao (do đó chưa được quyết toán thuế) dẫn đến sự tồn tại về mặt hình thức của 2 doanh nghiệp đấu giá gồm doanh nghiệp đấu giá được thành lập theo Nghị định 17 và doanh nghiệp đã được chuyển đổi theo Luật ĐGTS.

Là địa phương đầu tiên thành lập Hội Đấu giá viên, Phó Giám đốc Hồ Xuân Hương chia sẻ cách làm của Hà Nội trong thực hiện quy định trên của Luật về đăng ký hoạt động cho doanh nghiệp đấu giá. Theo đó, Hà Nội tổ chức tập huấn, quán triệt các công chức, nhân viên làm nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá, có phân biệt giữa doanh nghiệp thành lập trước ngày Luật có hiệu lực và doanh nghiệp thành lập mới. Không những thế, Hà Nội còn chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác cấp đăng ký hoạt động, các biểu mẫu, giấy tờ mà Luật và các văn bản hướng dẫn quy định.

Vận hành Trang thông tin về đấu giá tài sản trong quý III/2019

Cũng liên quan đến triển khai thi hành Luật ĐGTS, hôm qua - ngày 5/6, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp với một số đơn vị thuộc Bộ nghe báo cáo việc xây dựng Trang thông tin điện tử chuyên ngành ĐGTS (gọi tắt là Trang thông tin).

Theo Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến, ngay từ tháng 6/2017, Cục Bổ trợ tư pháp đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin xây dựng Trang thông tin. Trang thông tin sẽ phục vụ việc đăng thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá của người có tài sản, thông báo đấu giá của các tổ chức ĐGTS. Việc xây dựng cũng như vận hành Trang này có thể do Cục Bổ trợ tư pháp chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin thực hiện, kinh phí vận hành được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước và Trang thông tin này sẽ có tên miền của Bộ Tư pháp… Khó khăn trong xây dựng Trang thông tin được bà Yến báo cáo là số lượng các thông báo lựa chọn tổ chức ĐGTS và thông báo công khai việc ĐGTS là rất lớn (trong phạm vi cả nước), có tính chất thường xuyên, liên tục theo giờ, ngày; hệ quả pháp lý của việc đăng thông tin không lặp, không chính xác có thể dẫn đến việc xử phạt đối với các tổ chức ĐGTS, hủy kết quả ĐGTS.


Hoan nghênh Cục Bổ trợ tư pháp đã triển khai công việc kịp thời nhưng Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhận thấy có sự lúng túng nhất định khiến việc xây dựng Trang thông tin chưa hoàn thành. Yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện các hạng mục công việc, Thứ trưởng quan niệm, Trang thông tin là một trong những kênh công bố công khai các thông tin ĐGTS. Còn việc thu phí hay không phải có ý kiến của Bộ Tài chính nhưng theo chỉ đạo của Bộ trưởng, nếu thu cần có lộ trình, khi hoàn thiện xong Trang thông tin sẽ chưa thu phí trong thời gian đầu. Về công tác quản lý nhà nước, Thứ trưởng cho rằng, thông tin đăng tải phải kiểm soát được, tránh tình trạng đăng không đủ thông tin hoặc đăng rồi lại sửa. Quan trọng nhất, Thứ trưởng nhấn mạnh phải cố gắng trong quý III/2019 đưa Trang thông tin vào vận hành.

Đọc thêm