Doanh nghiệp Đông Triều lo ngại trước tình hình thiếu điện phục vụ sản xuất

QTV - Thiếu điện phục vụ sản xuất là thực trạng khá phổ biến ở các doanh nghiệp của huyện Đông Triều thời điểm này. Càng khó cho doanh nghiệp hơn khi vào thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đều vào giai đoạn nước rút hoàn thành kế hoạch quý II. Thực tế này đang đặt các doanh nghiệp trước rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo doanh thu, ổn định công việc cho người lao động cũng như thực hiện các nghĩa vụ khác đối với nhà nước.

QTV - Thiếu điện phục vụ sản xuất là thực trạng khá phổ biến ở các doanh nghiệp của huyện Đông Triều thời điểm này. Càng khó cho doanh nghiệp hơn khi vào thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đều vào giai đoạn nước rút hoàn thành kế hoạch quý II. Thực tế này đang đặt các doanh nghiệp trước rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo doanh thu, ổn định công việc cho người lao động cũng như thực hiện các nghĩa vụ khác đối với nhà nước.

14h chiều ngày 24/5 chúng tôi có mặt tại Công ty TNHH Gạch Côtô Quảng Ninh. Lãnh đạo công ty cho biết trong thời gian vừa qua việc mất điện thường xuyên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Với 3 dây truyền sản xuất gạch, công suất 2,8 triệu m2/ năm nhưng ở thời điểm này do khó khăn chung của cả nước về điện nên công ty cũng chỉ đạt 1/3 công suất. Cứ 15 phút mất điện tương đương với việc doanh nghiệp mất 15 triệu tiền giá trị sản phẩm. Mặt khác, việc cắt điện đột ngột trong điều kiện nắng nóng khiến sản xuất đình trệ, công nhân của nhà máy được điều động đến làm việc phải ngồi chờ hàng giờ đồng hồ, nhưng Công ty vẫn phải trả công.

Ông Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Gạch Côtô Quảng Ninh cho biết: "Sau cuộc họp với ngành điện ngày mùng 5/5 vừa qua thì tình hình có cải thiện hơn, doanh nghiệp cũng nhận được lịch thông báo cắt điện của ngành điện, thế nhưng số lần cắt điện vẫn ngày càng tăng lên. Từ đó đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của doanh nghiệp, sản lượng, doanh thu của chúng tôi cũng bị giảm sút,  hàng hóa sản xuất ra không kịp đáp ứng cho khách hàng”.

Tương tự như Công ty TNHH Gạch Côtô Quảng Ninh, giải pháp duy nhất đối với Công ty CP Viglacera Đông Triều để duy trì hoạt động sản xuất trong tình hình hiện nay là dùng máy nổ. Tính từ đầu tháng 5 đến nay, Công ty đã bị cắt 72h điện sản xuất, có những ngày cao điểm, Công ty bị cắt điện từ 12 tiếng cho tới 16 tiếng thế nên việc tiếp tục sử dụng máy nổ cũng chỉ là giải pháp tình thế, vì cứ trung bình 1h chạy máy nổ công ty phải chi hơn 40 lít dầu, trong khi đó dây truyền sản xuất công ty cũng chỉ duy trì tạm thời 1/3 công suất. Vậy nên những thiệt hại trước mắt về kinh tế từ việc thiếu điện sản xuất đối với doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi.

Được biết để giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp Đông Triều về vấn đề điện phục vụ cho sản xuất, Hiệp hội các doanh nghiệp của Đông Triều đã có văn bản kiến nghị với Sở Công thương Quảng Ninh và ngày mùng 5.5 vừa qua đại điện Sở Công thương, Điện lực Quảng Ninh và các doanh nghiệp của Đông Triều đã có cuộc làm việc để tháo gỡ khó khăn chung.

Ông Nguyễn Công Lệnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các doanh nghiệp huyện Đông Triều cho biết sau buổi làm việc, chúng tôi thấy tình hình có sự cải thiện nhưng mà không đáng kể. Tình trạng mất điện vẫn kéo dài, cũng có doanh nghiệp được thông báo nhưng cũng có doanh nghiệp không được thông báo vì vậy doanh nghiệp không chủ động được việc bố trí lao động, máy móc để sản xuất. Cùng với đó mất điện dù chỉ trong thời gian ngắn cũng dẫn đến thiệt hại kinh tế không nhỏ cho các doanh nghiệp. Ví dụ các doanh nghiệp có dây truyền tự động hóa thì 1 phút mất điện sẽ thiệt hại hàng chục triệu đồng. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị với ngành điện, hiện nay có một số dây, thiết bị cũ chưa được nâng cấp đã ảnh hưởng đến việc cung cấp điện. Bên cạnh đó kinh phí Nhà nước bỏ ra và kể cả kinh phí của ngành điện là rất hạn chế, vì vậy các doanh nghiệp có thể cùng đóng góp để xây dựng nhanh 1 trạm điện 110KV ở Kim Sơn để phục vụ cho khu vực Đông Triều và các doanh nghiệp ở đây”.

Việc tiết giảm điện liên tục trong tình hình hiện nay là điều khó tránh khỏi đối với Điện lực Quảng Ninh, tuy nhiên ngành điện cũng nên nghiên cứu có chế độ ưu tiên đối với việc cung cấp điện cho các đơn vị sản xuất. Nếu trường hợp cắt điện theo định kỳ Điện lực Quảng Ninh cũng nên thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp chủ động điều tiết thời gian và bố trí lao động cho phù hợp, tránh sự đã rồi như hiện nay.

Hải Hà
 

Đọc thêm