Doanh nghiệp không mặn mà với kế hoạch thay mới hơn 1000 xe buýt

Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND thành phố kế hoạch mua 1.080 xe buýt mới để thay dần xe cũ, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2.000 tỉ đồng và được triển khai từ nay đến năm 2013. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn bởi quá trình phát triển xe buýt của TP.HCM những năm đã qua cho thấy hiệu quả hoạt động không tương xứng, trong khi khoản tiền trợ giá lại tăng vọt.

Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND thành phố kế hoạch mua 1.080 xe buýt mới để thay dần xe cũ, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2.000 tỉ đồng và được triển khai từ nay đến năm 2013. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn bởi quá trình phát triển xe buýt của TP.HCM những năm đã qua cho thấy hiệu quả hoạt động không tương xứng, trong khi khoản tiền trợ giá lại tăng vọt.

Hiện TP.HCM có khoảng 3.200 xe buýt các loại, trong đó hơn 1.300 xe được đầu tư từ năm 2003, còn lại là xe của các HTX, DN vận tải hành khách công cộng... Dù năng lực vận chuyển hành khách của số đầu xe buýt nói trên hiện còn đang thừa, song khoảng thời gian trên dưới 10 năm đưa vào khai thác, hàng ngàn xe buýt đã bắt đầu xuống cấp, hao tốn nhiên liệu... Hiện ngoài khoản tiền trợ giá 700 - 800 tỉ đồng/năm, mỗi năm TP.HCM phải “rót” thêm cũng khoảng ngần ấy tiền nữa cho xe buýt.

Nếu năm 2001, cả thành phố còn chưa có tuyến xe buýt nào được trợ giá thì năm 2002 đã có 45 tuyến được hưởng trợ giá và đến nay, số tuyến sống nhờ “bầu sữa” ngân sách là 110 tuyến. Mặc dù vậy, mức trợ giá ấy cũng chỉ mới đủ cho xe buýt sống cầm cự do số tiền này phải chi cho quá nhiều tuyến. Nên để bù đắp cho chi phí xăng dầu tăng, không còn cách nào khác là DN buộc phải tăng giá vé.

Một DN than vãn: “Nếu thành phố cứ “té nước theo mưa” chấp nhận cho tăng giá vé để bù đắp chi phí sau mỗi lần xăng dầu tăng giá, thì việc thu hút thêm khách đi xe buýt sẽ càng khó khăn hơn, bởi khách đi xe buýt chủ yếu là học sinh, sinh viên và những người có thu nhập thấp”.

Trở lại với kế hoạch mua 1.080 xe buýt mới, theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ nhà đầu tư trả trước 30% giá xe, 70% còn lại được vay ngân hàng trả trong vòng 7 năm. Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ nhà đầu tư một phần lãi suất cố định là 6,48%/ năm, phần chênh lệch lãi suất còn lại nhà đầu tư phải chịu.

Ông Lê Hải Phong, Phó GĐ Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng cho biết: “Kế hoạch mua xe đợt này sẽ tập trung chủ yếu vào dòng xe 40 và 55 chỗ và đang cân nhắc chọn những loại phương tiện sử dụng năng lượng sạch, vì khi chuyển đổi sang dùng gas vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được chi phí nhiên liệu cho DN, do phía đối tác cung ứng gas đã cam kết sẽ hỗ trợ để giá gas luôn thấp hơn từ 20 - 25% giá xăng trên thị trường trong suốt thời gian hợp tác”.

Xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch là mục tiêu mà TP.HCM đang hướng tới.

  Tuy nhiên, nhiều DN vẫn còn dè dặt bởi cho đến nay, hai xe buýt chạy thử gas được đưa vào vận hành thử nghiệm từ năm 2010 vẫn còn trong thời gian…chờ đánh giá hiệu quả.

Một chủ DN vận tải nhận định, cái khó nhất vẫn là cơ chế hỗ trợ ban đầu cho các DN khi đưa xe buýt dùng nhiên liệu gas vào hoạt động, bởi nhiều ý kiến còn băn khoăn khi mà các xe buýt chạy thử nghiệm nêu trên vẫn còn “treo” kết quả đánh giá, thì căn cứ vào đâu để đưa ra định mức hỗ trợ DN vận tải khi muốn đầu tư xe chạy gas?

“Ngay cả việc cho phép quảng cáo ngoài thành xe và bên trong xe buýt để giảm bớt gánh nặng ngân sách, đến nay vẫn chưa thực hiện được vì có nhiều ý kiến khác nhau, thì giải pháp chuyển đổi, thay thế nhiên liệu theo hướng tiết kiệm để giảm chi ngân sách vẫn còn là câu chuyện dài…”, Chủ nhiệm một HTX vận tải cho biết.

Theo ý kiến của các DN, để kế hoạch trên sớm được chấp thuận và triển khai có hiệu quả, thành phố cần sớm có cơ chế hỗ trợ DN, bởi đây không chỉ chia sẻ bớt gánh nặng chi phí nhiên liệu mà còn giúp cho hành khách được thụ hưởng một loại hình phương tiện giao thông công cộng xanh, sạch và văn minh.

N.Thành – P.Nam

Đọc thêm