Giá đô la Mỹ trên thị trường những ngày qua sốt “ sình sịch” khiến lãnh đạo nhiều doanh nghiệp Hải Phòng đứng ngồi không yên, nhất là các doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Dù cố “cắn răng” chịu đựng nhưng nếu Chính phủ không có biện pháp can thiệp kịp thời, không ít doanh nghiệp sẽ lao đao…
Thiệt hại không nhỏ
Giám đốc Công ty Cổ phần ắc quy Tia Sáng Hải Phòng Hòa Quang Nam thở dài ngao ngán khi nói về vấn đề tỷ giá. Ông cho biết, doanh nghiệp đang trên đà sản xuất, kinh doanh ổn định, có tăng trưởng, bất thình lình cơn sốt ngoại tệ ập tới khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh “ sống dở, chết dở”. Cách đây vài tháng, công ty ký hợp đồng mua sắm máy móc thiết bị theo công nghệ mới thì tỷ giá ổn định ở mức 19.020- 19.030 đồng/ USD, nay bỗng dưng tăng vọt lên tới gần 21.000 đồng /USD nên số tiền phải trả thêm không nhỏ. Tính ra, một chiếc máy trị giá 4,3 tỷ đồng, doanh nghiệp phải “ cõng” thêm chi phí khoảng 228 triệu đồng. Không những thế, công ty còn phải đối mặt với nỗi lo tăng giá nguyên liệu nhập khẩu. Nguồn nguyên liệu chính là chì nhập khẩu 100%, nay giá tăng cao, lại hiếm, không có để mua và gánh nặng tỷ giá đang đè lên vai doanh nghiệp. Thêm vào đó, doanh nghiệp muốn mua ngoại tệ theo đúng giá tại ngân hàng không phải dễ, thường mua với mức giá cao hơn. Trong khi đó, nhu cầu về ngoại tệ của công ty khá lớn, thường chiếm tới 50% doanh thu. Tình hình này khiến kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2010 của công ty bị đảo lộn, lợi nhuận giảm nhiều so với trước…
Cùng chung nỗi lo với Công ty Cổ phần ắc quy Tia Sáng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vico Nguyễn Mộng Lân cho biết, tỷ giá ngoại tệ tăng khiến giá nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất của công ty tăng hơn 10%. Giá sô đa tăng chóng mặt nên các doanh nghiệp sản xuất silicat yêu cầu tăng 400 đồng/ kg. Tuy công ty có thuận lợi là có hàng xuất khẩu thu ngoại tệ nên được ngân hàng bán lại với mức giá dễ chịu hơn thị trường tự do nhưng cú sốc ngoại tệ tăng cao ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty trong năm nay.
Cơn sốt tỷ giá còn tác động nhiều tới sản xuất của các doanh nghiệp nhựa, xăng dầu… trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, với các doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ để đầu tư, mua sắm máy móc, thiết bị, tàu thuyền đang phải “ nếm đủ” với cú sốc này. Mức chênh lệch tới 1500 đồng /USD giữa giá niêm yết của ngân hàng và giá thị trường tự do đang làm doanh nghiệp phải oằn mình gánh thêm.
Với người tiêu dùng, đô la Mỹ tăng giá khiến phải móc hầu bao trả thêm một khoản không nhỏ cho mỗi món hàng trước đây vẫn thường được tính theo ngoại tệ. Cụ thể, mỗi chiếc ô tô nhập khẩu giờ đây phải cõng thêm vài chục triệu đồng, mỗi chiếc xe máy tăng thêm vài triệu đồng tới hàng chục triệu đồng, rồi máy tính, điện thoại di động, mỹ phẩm, thậm chí cả quần áo nhập khẩu… cũng đều được tính theo tỷ giá. Như vậy, cả doanh nghiệp và người dân đều phải chịu những thiệt hại không nhỏ về kinh tế do cơn sốt tỷ giá ngoại tệ gây nên.
|
Giá đô la Mỹ tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu 100% nguyên liệu như Công ty CP Ác quy Tia sán gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Công nhân trong dây chuyền sản xuất ắc quy xuất khẩu. |
Cần sự ổn định
Tâm lý chung của các doanh nghiệp là cùng mong muốn Chính phủ có các biện pháp ổn định tỷ giá ngoại tệ. Theo họ, từ đầu năm tới nay, giá ngoại tệ bị điều chỉnh khá nhiều và tới cuối năm lại lao như con ngựa bất kham khiến doanh nghiệp dù có giỏi dự báo tới đâu cũng không thể kịp xoay chuyển tình hình. Tỷ giá ngoại tệ giữa ngân hàng và thị trường tự do càng chênh lệch nhiều bao nhiêu, doanh nghiệp càng khó bấy nhiêu. Do đó, doanh nghiệp đang hy vọng Chính phủ sớm có biện pháp ghìm sự leo thang của giá ngoại tệ.
Theo ông Hòa Quang Nam, lúc này doanh nghiệp phải áp dụng biện pháp tình thế là giãn tiến độ sản xuất, tự co kéo để giảm bớt áp lực từ tỷ giá ngoại tệ . Hơn nữa, ắc quy Tia sáng hay bột giặt Vico đều chưa thể điều chỉnh giá bán bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chủ yếu là thị trường. Vì vậy, ổn định tỷ giá ngoại tệ là biện pháp cấp thiết hiện nay để hỗ trợ doanh nghiệp. Với người tiêu dùng, tỷ giá ổn định cũng là điều kiện cần thiết để ổn định giá tiêu dùng và như vậy, áp lực lạm phát cuối năm mới được ghìm lại.
Được biết, Chính phủ đã có sự chỉ đạo sát sao về cung ứng ngoại tệ ra thị trường để giữ ổn định tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm bán đô- la Mỹ đầy đủ cho các ngân hàng thương mại nhưng điều quan trọng là các doanh nghiệp cần ngoại tệ phải được đáp ứng theo đúng tỷ giá niêm yết mới giải quyết được vấn đề. Mặt khác, các nhu cầu tiêu dùng hàng xa xỉ như ô tô, xe máy, các vật dụng đắt tiền nhập khẩu khác cũng cần được người dân cân đối, giảm bớt áp lực về ngoại tệ, góp phần giữ ổn định cho nền kinh tế và kiềm chế lạm phát ở mức mong muốn./.
Hồng Thanh