Doanh nghiệp liên kết rồi... 'bỏ chạy', hàng trăm hộ dân trồng sả 'ôm nợ'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hàng trăm hộ dân ở 2 xã miền Tây huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ký hợp đồng liên kết với một doanh nghiệp cung cấp giống và phân bón trồng cây sả dược liệu. Đến nay, quá kỳ thu hoạch nhiều tháng nhưng doanh nghiệp liên kết bao tiêu đã “bỏ chạy”, người dân lo lắng thiệt hại đủ đường.
Người dân trồng sả ôm nợ vì doanh nghiệp không thu mua như cam kết. Ảnh: PV
Người dân trồng sả ôm nợ vì doanh nghiệp không thu mua như cam kết. Ảnh: PV

Theo phản ánh của người dân ở 2 xã Kỳ Tây và Kỳ Lạc của huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, vào cuối năm 2022, Công ty TNHH dược liệu Trương Dương (trụ sở đóng ở tỉnh Thanh Hóa) về ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây sả chanh dược liệu với các hộ dân. Theo cam kết giữa hai bên, người dân mua cây sả giống của Cty Trương Dương để trồng, đến kỳ thu hoạch thì công ty sẽ thu mua tất cả sản phẩm.

Từ tháng 3/2023, các hộ dân ký hợp đồng bắt đầu trồng sả, bà con đổ sức người, sức của chăm bón đúng các quy trình để có sản phẩm tốt nhất cung cấp cho công ty. Nhưng đến nay, cây sả đã quá kỳ thu hoạch hơn 3 tháng nhiều vườn sả đã lụi tàn nhưng phía Công ty Trương Dương không về thu mua.

Hàng trăm hộ dân ở 2 xã Kỳ Tây và Kỳ Lạc huyện Kỳ Anh trồng sả liên kết với Công ty Trương Dương nhưng doanh nghiệp này không thu mua sản phẩm khiến cây sả lụi tàn và chết dần. Ảnh: PV

Hàng trăm hộ dân ở 2 xã Kỳ Tây và Kỳ Lạc huyện Kỳ Anh trồng sả liên kết với Công ty Trương Dương nhưng doanh nghiệp này không thu mua sản phẩm khiến cây sả lụi tàn và chết dần. Ảnh: PV

Bà Trần Thị Khoát ở thôn Trung Xuân, xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh cho biết: “Gia đình tôi ký hợp đồng trồng sả với Công ty Trương Dương và mua cây giống của họ với giá 14.000 đồng/kg về trồng trên diện tích khoảng 2 sào. Tuy nhiên, đến nay công ty không về thu mua như cam kết bao tiêu nên cây sả bắt đầu lụi tàn và chết dần. Nếu không bán được sớm thì gia đình sẽ thiệt hại về vốn đầu tư và công chăm sóc”.

Cũng theo bà Khoát, trước đó công ty này về làm việc với người dân để liên kết trồng sả họ cam kết thu mua từ 2.800 đồng/kg, người dân tính toán với giá này cây sả sẽ có lợi nhuận cao hơn so với các loại cây trồng khác nên đã bắt tay liên kết.

Bà Trần Thị Khoát lo lắng cây sả không có nơi tiêu thụ khi doanh nghiệp liên kết "bỏ chạy". Ảnh: PV

Bà Trần Thị Khoát lo lắng cây sả không có nơi tiêu thụ khi doanh nghiệp liên kết "bỏ chạy". Ảnh: PV

Còn hộ ông Trần Tương Lai, ở thôn Hồng Xuân, xã Kỳ Tây cho biết: “Sau khi liên kết, người dân chúng tôi bỏ tiền triệu mua giống (nhà ít 1 triệu đồng nhà nhiều 2-3 triệu đồng) về trồng chăm sóc 6-7 tháng nay, bây giờ công ty bỏ chạy không về thu mua, người dân thiệt hại nặng. Mong muốn của người dân bây giờ là các cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ bà con trong việc tìm kiếm nơi tiêu thụ cây sả”.

Bà Hoàng Thị Ái Sa, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Tây cho biết, toàn xã có hơn 80 hộ ký hợp đồng trồng sả dược liệu với Công ty Trương Dương, mỗi hộ trồng từ 1 - 2 sào. Sau khi bà con phản ánh lên xã Kỳ Tây về vấn đề bị doanh nghiệp thất hứa, xã đã gửi văn bản cho Công ty Trương Dương theo địa chỉ trong hợp đồng, với nội dung yêu cầu họ thực hiện cam kết thu mua sả.

Nhưng sau đó, xã nhận được điện thoại của nhân viên bưu điện thông báo, phía Công ty Trương Dương luôn đóng cửa, không có người nhận thư nên phải chuyển trả lại thư cho bên gửi, điện thoại cũng không liên lạc được.

Ông Trần Tương Lai ngán ngẫm, sau liên kết trồng sả với doanh nghiệp, người dân "ôm nợ". Ảnh: PV

Ông Trần Tương Lai ngán ngẫm, sau liên kết trồng sả với doanh nghiệp, người dân "ôm nợ". Ảnh: PV

Bà Nguyễn Thị Hiên, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc cho biết, địa phương chỉ có chủ trương thống nhất về liên kết với doanh nghiệp, còn về hợp đồng thì phía công ty ký trực tiếp với người dân theo từng tổ hợp tác. Hiện trên địa bàn xã Kỳ Lạc có 10ha trồng cây sả của người dân liên kết với Công ty Trương Dương đều chưa được thu mua.

Theo lãnh đạo UBND huyện Kỳ Anh, trước khi doanh nghiệp về liên kết với dân để trồng sả các xã này có báo cáo lên huyện. Qua tìm hiểu, lúc đầu vào doanh nghiệp làm bài bản nhưng sau do khó khăn thị trường nên doanh nghiệp này "bỏ chạy".

Để giúp người dân trồng sả thu hồi vốn, UBND huyện Kỳ Anh phối hợp với các xã đã liên hệ với các đầu mối trong tỉnh tiêu thụ. Tuy nhiên, sản phẩm không tiêu thụ được hết vì sả này “kén” thị trường hơn vì chỉ làm sả dược liệu.

Đọc thêm