Doanh nghiệp “mắc bẫy” vì luật lập lờ

(PLO) - Diễn biến đại án bầu Kiên những ngày qua làm phát lộ nhiều khoảng trống pháp lý cho thấy một môi trường kinh doanh  nhiều rủi ro từ chính các quy định pháp luật khiến doanh nghiệp, doanh nhân quan ngại. 
Doanh nghiệp “mắc bẫy” vì luật lập lờ
Cũng tại phiên tòa, đại diện các Bộ, ngành đã trả lời, có ý kiến về những vấn đề trong vụ án như: góp vốn, mua cổ phần có phải đăng ký kinh doanh hay không, quy định về kinh doanh vàng trạng thái , quy định về thuế, quy định về ủy thác gửi tiền… một cách “nước đôi”, không thuyết phục khiến dư luận càng băn khoăn về lời kêu oan của bầu Kiên. 
Luật không cấm, vẫn có tội?
Diễn biến vụ án cho thấy, "bầu" Kiên  bác bỏ cáo buộc “Kinh doanh trái phép” về hành vi kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trạng thái trái phép, góp vốn, mua cổ phần không đăng ký kinh doanh. Thực tế, việc kinh doanh vàng trạng thái trên tài khoản nước ngoài thời điểm đó không bị cấm do pháp luật chưa điều chỉnh. Còn việc góp vốn, mua cổ phần là thực hiện theo đúng Luật Doanh nghiệp, đây là quyền của doanh nghiệp mà không cần đăng ký kinh doanh nên cũng không thể coi là kinh doanh trái phép. 
Theo LS Hoàng Đôn Hùng bào chữa cho bầu Kiên, hàng ngàn doanh nghiệp đã và đang công khai góp vốn, mua cổ phần  mà không có đăng ký kinh doanh ngành này, và được cấp đăng ký bởi các cơ quan đăng ký kinh doanh, không lẽ "bầu" Kiên có tội? 
Bên cạnh đó, "bầu" Kiên bị bắt về hành vi “Kinh doanh trái phép” với những cáo buộc thiếu cơ sở pháp lý, không thuyết phục và đến nay ngay chính các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chuyên ngành vẫn lúng túng không tìm ra câu trả lời.
"Bầu" Kiên cũng kêu oan trước cáo buộc về tội “Trốn thuế” liên quan đến hợp đồng  ủy thác của bà Hương với Công ty B&B. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã hỏi và Tổng cục Thuế có văn bản trả lời Hợp đồng này không hợp pháp. 
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của HĐXX việc có giữ quan điểm đã trả lời Cơ quan điều tra không, đại diện Tổng cục Thuế không khẳng định mà nêu đây là lĩnh vực mới, đề nghị Tòa hỏi các cơ quan chuyên môn, hỏi Ngân hàng Nhà nước. Đại diện Ngân hàng Nhà nước thì hoàn toàn lúng túng. 
Điều khó hiểu nữa là "bầu" Kiên bị khép tội “Trốn thuế” nhưng đến nay cơ quan thuế chưa hề xác định Công ty B&B trốn thuế bao nhiêu tiền, cơ quan giám định của Bộ Tài chính cũng không xác định được số tiền này.
"Bầu" Kiên cùng các cá nhân nguyên Thường trực HĐQT ACB bị kết luận “Cố ý làm trái” vì ủy thác cho nhân viên gửi tiền khi “chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước”. Căn cứ này cũng lại được xác định bởi một công văn của Ngân hàng Nhà nước trả lời Cơ quan điều tra. 
Trong bản kiến nghị gửi đến Quốc hội đề nghị giám sát vụ án này, các LS cho rằng công văn của Ngân hàng Nhà nước có nội dung giải thích luật, đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nội dung giải thích của Ngân hàng Nhà nước cũng không hợp lý. Nếu áp dụng và hiểu luật như Ngân hàng Nhà nước, khi hàng loạt luật chậm hướng dẫn thì mọi hoạt động phục vụ đời sống, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp sẽ phải dừng lại?
Từ hàng loạt những bất cập trên, LS Bùi Quang Nghiêm bào chữa cho "bầu" Kiên bày tỏ quan ngại rằng, khi hoạt động kinh doanh rất sôi động và diễn biến từng ngày, từng giờ, luật không rõ ràng, khi chính các cơ quan pháp luật còn phải hỏi cơ quan quản lý nhà nước về việc áp dụng pháp luật, khi các cơ quan quản lý còn không nhất quán thì các rủi ro với doanh nhân còn quá nhiều, sẽ tác động xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh là điều khó tránh khỏi.
Cáo buộc khiên cưỡng, cần phải xem xét lại 
Nhìn nhận trên cơ sở các quy định của pháp luật, Thạc sỹ Trần Sơn (ĐLS Hà Nội) cho rằng có cơ sở để khẳng định một số hành vi cụ thể của "bầu" Kiên trong vụ án này hoàn toàn không phạm pháp. Ông Trần Sơn viện dẫn Điều 7 Luật Doanh nghiệp quy định: Doanh nghiệp có quyền kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm; tại Điều 8 Luật này cho phép chủ động lựa chọn ngành nghề, hình thức kinh doanh. 
Tương tự, Điều 26 Luật Đầu tư cho phép nhà đầu tư thực hiện mua cổ phần, cổ phiếu và các giấy tờ có giá khác... Như vậy, hành vi thực hiện mua cổ phần, cổ phiếu, ủy thác kinh doanh là điều pháp luật không cấm, và như vậy nó không cấu thành tội phạm.
Thạc sỹ Phạm Thanh Bình (Cty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội) thì phân tích: Có hai nhóm đối tượng pháp luật điều chỉnh: cơ quan nhà nước chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép; công dân, doanh nghiệp, doanh nhân được phép làm những gì pháp luật không cấm. 
Tại Điều 2 Bộ luật Hình sự về Cơ sở của trách nhiệm hình sự quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Hành vi các bị cáo thực hiện mà pháp luật không cấm, Bộ luật Hình sự không quy định thì việc khép họ vào một tội danh nào đó, theo LS Bình là khiên cưỡng, cần phải xem xét lại./.

Đọc thêm